Làm son từ sáp màu: Quá nguy hiểm!

28/03/2016 - 10:01

PNO - Gần đây nhiều trang mạng tràn ngập những bài hướng dẫn cách làm MP, trong đó có cách làm son môi bằng bút chì sáp, đơn giản và đa dạng màu sắc.

Lam son tu sap mau: Qua nguy hiem!
Sáp màu Trung Quốc chứa amiăng độc hại, nếu đem làm son môi thì nguy cơ nhiễm độc rất cao

Từ khuynh hướng sử dụng mỹ phẩm (MP) handmade, gần đây trên nhiều trang mạng tràn ngập những bài hướng dẫn cách làm MP, trong đó có cách làm son môi bằng bút chì sáp, vừa đơn giản, vừa đa dạng màu sắc. Tại nhiều hội chợ handmade còn bày bán son sáp với giá cực rẻ, chỉ khoảng 20.000- 30.000đ/cây, đảm bảo an toàn vì “tự làm”. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khuyến cáo, người tiêu dùng không nên tự làm son sáp theo những hướng dẫn trên, vì không an toàn cho đôi môi và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quá dễ, quá rẻ

Trên nhiều trang mạng đang đăng tải các clip hướng dẫn làm son sáp rất tỉ mỉ. Bắc nồi nước lên bếp, để lửa nhỏ, đặt chén sạch vào, đổ sáp ong và dầu dừa vào cho tan thành hỗn hợp, cắt nhỏ bút chì sáp bỏ vào, khuấy đều cho tan rồi cho vài giọt hương liệu cho thơm, nấu thêm vài phút rồi đổ ra hộp nhỏ là có màu son như ý. Những bình luận, thắc mắc về clip hướng dẫn như: “Dùng có độc hại không?”, “Trẻ nhỏ dùng được không?”, “Dùng thường xuyên được không?”… được người đăng tải trấn an: “Không độc hại, trẻ nhỏ dùng được”...

Nhiều trang mạng còn rao bán son phôi sáp để người dùng tự pha màu tùy thích. Theo hướng dẫn trên facebook chuyên bán phôi, nguyên vật liệu, bao bì màu… làm MP, chúng tôi đặt hàng qua số điện thoại 0188xxxxxxx, đơn hàng 100.000đ giao hàng tận nơi. Nhân viên bán hàng cho biết, giá phôi sáp là 10.000đ, chỉ cần thêm mùi và màu yêu thích sẽ có cây son như “gu”. Màu nên sử dụng màu khoáng nhập cho an toàn, có gần 20 màu để lựa chọn, giá chỉ 15.000đ là đủ pha màu cho hai-ba cây son. Tính ra, chi phí cho một cây son tự chế không quá 25.000đ.

Rước họa vào thân

Bút sáp còn gọi là bút sáp màu, hiện được bán rất nhiều tại các chợ, nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm. Tại một nhà sách trên đường Phan Văn Hớn (Q.12, TP.HCM), nhân viên giới thiệu bộ bút sáp 6 trong 1, giá 27.000đ, có tên Animals, sản phẩm (SP) Việt Nam: Các SP do Việt Nam sản xuất còn có nhiều dòng như bút sáp dầu loại 24 màu, loại 16 màu, loại 12 màu; bút sáp vặn 20 màu; bút sáp đầu nhọn… giá dao động từ 24.000-58.000đ/SP. Trên hầu hết SP đều in dòng chữ “Màu sắc tươi sáng, có hương thơm, không độc hại” để trấn an người sử dụng.

Tuy nhiên, trên bao bì không hề ghi SP có thành phần gì. Tại các chợ như Bình Tây, Kim Biên, ngoài bút sáp màu của Việt Nam còn có SP của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Các tiểu thương cho biết, bút sáp màu Trung Quốc bán chạy hơn bút Việt Nam vì có giá rẻ, màu tươi, bám lâu trên giấy, ít gãy, nhiều mùi thơm.

Theo nghiên cứu của nhóm Công tác môi trường (EWG), các SP bút sáp màu xuất xứ từ Trung Quốc có chứa sợi amiăng nguy hại cho sức khỏe con người. Chất này xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua đường hô hấp, có thể gây nên những bệnh liên quan đến đường hô hấp và phổi như: ung thư phổi, ung thư màng phổi, màng bụng, màng tim, dễ gây tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Amiăng không gây hại lập tức mà thông thường sẽ ảnh hưởng từ 20- 30 năm sau khi tiếp xúc với chất này

TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, bút sáp màu có thành phần gồm: chất nhuộm màu, chất kết dính, sáp và các chất phụ gia. Thành phần chất nhuộm màu vô cơ có nguồn gốc từ các oxide hoặc muối kim loại được sử dụng chủ yếu cho sơn nói chung và màu nước nói riêng nên ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể có các kim loại độc hại.

Ví dụ, màu trắng có thể được tạo ra từ chì carbonate. Nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (và tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. Màu vàng có thể được tạo ra từ các oxide hoặc muối kim loại chứa cadmium, chromate có thể gây dị ứng, loét da hoặc ung thư ở một số cơ quan nội tạng.

Chất nhuộm màu hữu cơ thường có nguồn gốc đa dạng như gốc azo hoặc bột màu đen hữu cơ có thể gây ung thư. Ở trẻ em, việc nhiễm các chất độc từ sáp màu thường xảy ra do các em dùng tay có dính màu cầm thức ăn, đồ chơi... tạo cơ hội để các thành phần độc hại có trong sáp màu đi vào cơ thể qua đường miệng. Một nguy cơ khác, dù rất hiếm, là các em có thể bị ngộ độc do hít phải bột sáp màu trong lúc vẽ, tẩy, xóa. Khi đó, ngoài việc bị nhiễm độc, các em còn có nguy cơ bị các bệnh ở phổi và đường hô hấp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI