Làm sao về quê an toàn dịp tết?

06/01/2022 - 06:13

PNO - Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, khuyến cáo nếu dẫn theo con trẻ về quê, người lớn cần trang bị đầy đủ các phương pháp phòng, chống dịch cho trẻ; nhất là thực hiện tốt quy định 5K xuyên suốt đường về…

Sợ về quê lây bệnh cho mẹ già

Về quê hay ở lại TPHCM đón tết là câu hỏi làm cho nhiều người, đặc biệt là người lao động hơn một năm qua chưa về thăm nhà, khó xử. 

Mấy ngày qua, chị P.T.T.D. (32 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) chưa biết nên về hay ở lại TPHCM. Chị định sẽ về sớm, thuê phòng gần nhà cách ly bảy ngày. Xong cách ly thì về nhà đón tết với con. Tuy nhiên, chị không được công ty cho nghỉ nhiều, còn nếu xin nghỉ luôn, sau tết sẽ rất khó tìm được công việc thích hợp. Chị D. chưa dám về cũng vì vừa rồi anh của chồng chị làm công nhân ở tỉnh Bình Dương bị COVID-19, do có bệnh nền nên đã tử vong.

Chị chia sẻ: “Mỗi lần gọi điện thoại, con trai cũng hỏi khi nào mẹ về. Cha mẹ già vừa thương vừa giận vì xót cho tôi. Tôi định theo dõi chuyển biến dịch COVID-19 cho tới khi gần ngày về mới quyết định”.

Khoảng đầu tháng 12/2021, anh N.V.T. (42 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) làm việc tại một công ty ở H.Hóc Môn đã cùng vợ mua sắm quần áo, vật dụng cần thiết để chuẩn bị về quê đón tết. Anh chị lên kế hoạch đi xe máy vừa tiết kiệm, vừa phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, càng gần đến ngày về, anh càng bồn chồn, lo lắng. Anh T. nói: “Tính toán, lên kế hoạch xong hết nhưng chắc lại phải gửi đồ về, công ty tôi có thêm F0. Chưa kể trên đường đi nếu bị lây bệnh thì căng vì cha mẹ già yếu, bệnh nền, hai đứa con đều dưới 10 tuổi nên chưa tiêm vắc-xin”. 

Anh T. lo ngại bởi tết dương lịch vừa rồi, đồng nghiệp của anh tranh thủ về thăm gia đình, trước khi đi đã test nhanh cho kết quả âm tính, nhưng tối về tới nhà thì hôm sau bị sốt, mệt mỏi. “Có thể bạn tôi đã ủ bệnh, hoặc bị lây nhiễm trên đường, khi ghé quán nước nghỉ ngơi mà không biết rồi lây cho cả nhà ở quê. Nếu tôi lỡ lây bệnh cho mọi người thì cũng mất tết”, anh T. nói.

Còn chị T.T.T. (28 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) đang hình dung một cái tết vui vẻ bên gia đình thì… mẹ của chị gọi điện thoại báo cả nhà đã mắc COVID-19. Mọi dự định trước đó của chị T. đều phải gác lại bởi cha, mẹ, hai người anh, chị dâu và cháu của chị vẫn đang dương tính, chưa biết bao lâu mới hết bệnh. Sau khi khỏi bệnh, tất cả cũng phải cách ly theo quy định của y tế địa phương… 

Người dân về quê trong dịp tết Nguyên đán 2022 cần phải tuân thủ các quy định chống dịch để đảm bảo an toàn  (trong ảnh: Người dân từ TP.HCM về tỉnh Thừa Thiên - Huế tránh dịch trong năm 2021) - ẢNH: THUẬN HÓA
Người dân về quê trong dịp tết Nguyên đán 2022 cần phải tuân thủ các quy định chống dịch để đảm bảo an toàn (trong ảnh: Người dân từ TPHCM về tỉnh Thừa Thiên - Huế tránh dịch trong năm 2021) - Ảnh: Thuận Hóa 

Chủ động phòng, chống dịch khi về quê

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nếu có ý định về quê, người lớn nên trang bị đầy đủ các phương pháp phòng, chống dịch cho trẻ, nhất là thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế xuyên suốt đường về. 

Trước khi về quê, nên test nhanh COVID-19 để chắc chắn âm tính, tránh trở thành nguồn lây trên đường về, hoặc đi tàu, xe khách, máy bay. Người lớn mắc bệnh nền cần cẩn trọng, bởi nếu mắc bệnh, sức khỏe sẽ chuyển biến nặng nhanh hơn người bình thường; nên đi khám sức khỏe, trang bị đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước khi về quê.

Trên đường về, nếu nghi ngờ tiếp xúc F0 hay người có nguy cơ, tùy theo chặng đường, thời gian về, nếu có điều kiện phù hợp, hãy tiếp tục test COVID-19 để đảm bảo bản thân an toàn. Khi về nhà, người mắc bệnh nền ngoài đảm bảo nguyên tắc 5K nên có chế độ ăn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh uống quá nhiều bia, rượu, thức khuya. Nếu có triệu chứng về bệnh lý phải đi khám bệnh ngay, đừng chần chừ.

Tâm lý của người về quê thường chủ quan không khai báo y tế, hoặc khi đến nhà test nhanh COVID-19 kết quả dương tính, sợ đi cách ly lại thấy không có triệu chứng nên giấu bệnh. Điều này hết sức nguy hiểm bởi trong gia đình còn có người lớn tuổi, người có nguy cơ hoặc trẻ em, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống dịch địa phương và báo ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất. Nếu về đến nhà an toàn, người về quê cũng phải nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người… 

“Trong trường hợp cần thiết phải gặp mặt, tổ chức tiệc thì hãy test trước khi gặp nhau để đảm bảo sức khỏe cho người thân, người quen của mình”, bác sĩ Hùng nói thêm. Việc test COVID-19 là để tầm soát, nên thực hiện sau mỗi bảy ngày. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ người thân hay bản thân mình tiếp xúc với F0, trung bình hai ngày nên test COVID-19. Nếu kết quả dương tính với SARS-CoV-2, hãy báo với y tế địa phương để được hướng dẫn và hỗ trợ cách ly điều trị. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM cho biết, đầu năm 2022, TPHCM có số ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm, chỉ còn vài trăm ca/ngày. Số ca tử vong liên tục giảm, riêng ngày 4/1 là 26 trường hợp. Số lượng người mắc COVID-19 chuyển nặng phải nhập viện cũng ngày càng giảm. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho hay, thời gian qua TPHCM đã rất tích cực trong tầm soát, điều trị bệnh nhân COVID-19. Số lượng bệnh nhân F0 đang có xu hướng giảm, tuy nhiên người dân không nên lơ là bởi dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI