Làm sao trị thói xem thường vợ

19/01/2025 - 07:07

PNO - Đừng để chồng nghĩ rằng chị nhu nhược, yếu đuối, không dám đấu tranh để bảo vệ bản thân.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Không hiểu từ đâu, khi anh nhờ tôi việc, dĩ nhiên có việc hoàn thành, có việc cũng sai sót chút ít nhưng câu cửa miệng của chồng tôi là "cô không làm gì xong cả", trong khi nhà cửa, dạy con học một tay tôi lo. Con tôi ngoan ngoãn, học giỏi. Tôi cũng có công việc riêng, có thu nhập.

Có lần anh nhờ viết hóa đơn thuế, tôi xuống cơ quan thuế thì người ta không chấp nhận ghi vì trong hợp đồng anh đưa có một số điểm chưa phù hợp. Anh về hỏi xong chưa, tôi bảo chưa thì anh nổi cáu "cô không làm được việc gì".

Có lần 12g trưa khi tôi mới từ chỗ làm về, anh một hai gọi điện giọng đầy gắt gỏng nhờ tôi giao đồ giùm khi tôi chưa có hột cơm trong bụng. Vậy mà tôi vẫn đi. Anh không nói rõ giao những gì nên tôi giao sót. Chiều tối, vừa về tới, anh lại quát tháo, gây gổ, lại chê tôi không làm được việc gì.

Do không được tôn trọng, tôi đã nói thẳng nhiều lần. Anh chỉ bảo biết rồi, tại áp lực công việc nên thế, rồi đâu lại vào đó. Tôi ghét nhất câu này. Tôi cũng đi làm. Nơi tôi làm quy định còn khắt khe hơn chỗ anh. Tôi phải căng mình. Tối về dạy con học, dỗ ngủ xong là thức tới 2 - 3g sáng để làm.

Còn anh đi làm về ngồi bấm điện thoại thảnh thơi, ngủ thoải mái. Tôi cũng có những căng thẳng, xung đột nơi chỗ làm nhưng tôi chưa bao giờ đem bực dọc về nhà trút giận lên chồng con.

Tôi cảm thấy mình tổn thương ghê gớm, hơn nữa là mệt mỏi, dù hai người vẫn một mình tôi gánh, vậy sao phải thêm phiền phức? Xin chị cho tôi lời khuyên.

Phạm Trần Ngọc Ngân

Ảnh minh họa: Internet

Chị Ngọc Ngân thân mến,

Với câu hỏi tu từ ngay đầu bức thư: "Không hiểu từ đâu...", Hạnh Dung có ngay câu trả lời là: từ lâu, có lẽ rất lâu rồi, chị đã chịu đựng, im lặng, nhẫn nhịn bỏ qua việc chồng làm tổn thương mình. Bây giờ, suy nghĩ coi thường, cách nói tấn công cố tình làm tổn thương vợ đã trở thành thói quen của chồng chị.

Lẽ ra chị phải có phản ứng với cách cư xử này ngay từ đầu và ngay lập tức, cho mỗi lần chồng chị thản nhiên xúc phạm vợ. Nhưng chị đã chấp nhận điều đó đến mức nó hằn sâu vào trí não chồng chị như một thói quen.

Cãi nhau với mỗi câu anh ta nói ra hay tiếp tục im lặng, cố gắng chịu đựng đều không phải là cách tốt. Thế nhưng, phản ứng thế nào để có hiệu quả đòi hỏi ở chị sự cương quyết, mạnh mẽ nhưng cũng khéo léo, mềm mỏng.

Có 3 nguyên tắc trong việc điều chỉnh thái độ của chồng chị mà chị hãy cố gắng tuân theo: giữ thái độ tôn trọng chồng, giữ thái độ tôn trọng bản thân và chọn cơ hội để trò chuyện một cách hiệu quả nhât.

Giữ thái độ tôn trọng chồng chính là cách để chị không hạ thấp bản thân như anh ta mong muốn. Hãy để cho anh ta cảm nhận được sự chững chạc, bình tĩnh, trưởng thành của chị. Nếu chồng không muốn lắng nghe, không muốn trò chuyện, chị hãy dừng cuộc nói chuyện ngay lập tức. Đó là quãng nghỉ rất đúng lúc để anh ta phải suy nghĩ lại mọi việc.

Dù có bị hạ thấp đến đâu, chị hãy vững tin rằng chị có giá trị riêng. Con người không thể hoàn hảo trong tất cả mọi việc nhưng chị đã luôn làm tốt những việc thuộc về trách nhiệm của mình, không cần nhờ vả ai và không vì ai đó hạ thấp mình xuống mà mình trở thành không có giá trị.

Khi chồng đang bình tĩnh, vui vẻ, thoải mái, chị có thể bắt đầu cuộc nói chuyện về thái độ của chồng. Hãy chứng minh cho anh ấy thấy rằng chị có công việc, có điểm mạnh điểm yếu, giống như chồng vậy.

Không ai làm việc của chính mình tốt hơn bản thân. Nếu chồng chị không hài lòng khi yêu cầu sự giúp đỡ nhưng không nhìn thấy công sức, không tôn trọng sự cố gắng của vợ, tốt nhất là anh hãy tự làm mọi việc. Yêu cầu, nhờ vả xong lại phán xét không tích cực là sai.

Hãy hết sức bình tĩnh trong mọi cuộc nói chuyện, dừng lại ngay nếu chồng phản ứng vô lý nhưng nhất định không bỏ qua. Đừng để chồng nghĩ rằng chị nhu nhược, yếu đuối, không dám đấu tranh để bảo vệ bản thân. Đừng để chồng nghĩ rằng đặt chị vào vị trí nào thì chị sẽ ở đó.

Thực ra, có thể chồng chị không cố tình, không nghĩ rằng mình coi thường, làm tổn thương vợ. Nên chị hãy cố gắng kiên nhẫn nhưng kiên quyết tháo gỡ thói quen nói những lời thiếu tôn trọng của anh ấy.

Những mâu thuẫn xung đột lúc đầu tưởng chừng nhỏ nhưng kéo dài và gây nên cảm giác bị tổn thương có thể dẫn đến sự đổ vỡ lớn. Thế nên chị hãy hành động để giải quyết chúng càng sớm càng tốt vì bản thân và vì gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI