Làm sao thoát khỏi cuộc hôn nhân đắng?

17/12/2022 - 20:10

PNO - Chẳng thể sống chung, nhưng cũng không thể ly hôn, Hằng bế tắc trong mối quan hệ tồi tệ với người chồng tệ bạc.

Hằng ngồi một mình bên chiếc bàn quen thuộc trong quán nhậu. Mái tóc hung vàng xõa xuống lòa xòa trước mặt. Một tay cầm lon bia xoay qua xoay lại, một tay chống cằm nhìn đăm đăm vào khoảng không. Cứ thế, Hằng đã uống hết lon thứ tư, rồi lon thứ năm.

Một mình Hằng mang 2 đứa trẻ từ TPHCM trở lại phố núi đã được hơn 5 năm. Hằng kể lại, đêm hôm đó trong túi Hằng chỉ còn có vài trăm ngàn. Xuống khỏi xe đò, Hằng lấy nốt vài đồng tiền lẻ để mua cho 3 mẹ con 1 chai nước và 1 chiếc bánh mì trong lúc chờ ông ngoại đón.

Ngày trước, Hằng đã từng cãi lời bố mẹ để “nghe theo tiếng gọi tình yêu”. Sau này Hằng cũng phải thừa nhận có cả sự háo thắng trong quyết định đó. Đến khi đổ vỡ, Hằng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở về.

Hôn nhân của Hằng chỉ tươi đẹp đến khi đứa con đầu chào đời. Kể từ khi mang bầu, Hằng nghe lời chồng ở nhà dưỡng thai và nội trợ. Chồng Hằng cứ thế lao ra ngoài kiếm tiền. Rồi nhiều hơn những cuộc nhậu, những hôm tiếp khách, những đêm về muộn, và sau này là chuyện anh cặp bồ.

Hằng nhận ra chồng thay đổi, nhưng chẳng thể làm gì khác. Những câu hỏi, nghi hoặc của Hằng được đáp lại bằng những câu trả lời lấp liếm với công việc làm ăn, giao lưu gặp gỡ đối tác… “Đàn ông ra ngoài làm ăn phải thế. Không thì tiền đâu ra mà nuôi cô với con.”

Đến khi cầm trong tay bằng chứng rõ ràng, Hằng bị quay sang đe dọa, lăng mạ vì tội “ăn bám”, vì sự “vô tích sự”. Không ít những trận đòn, những sự xâm hại từ người đàn ông Hằng đang gọi bằng chồng. Hằng chịu đựng vì con, và cũng không còn cách nào khác. Hằng không có tiền.

Phụ nữ sẽ bị lệ thuộc khi lựa chọn ở nhà chăm sóc gia đình mà không làm ra tiền (ảnh minh họa)
Phụ nữ sẽ bị lệ thuộc khi lựa chọn ở nhà chăm sóc gia đình mà không làm ra tiền (ảnh minh họa)

Tối hôm đó, như thường lệ, chồng Hằng trở về nhà nồng nặc mùi rượu. Hắn bắt đầu lôi Hằng ra hành hạ ngay trước mặt bé gái lớn. Hằng khóc, Hằng quỳ xuống van xin, nhưng nhân tính của kẻ say đã chẳng còn. Trước khi bị bình hoa trên tay hắn đập trúng vào người, Hằng kịp chồm dậy, đẩy ngã hắn xuống sàn rồi ôm 2 con chạy ra ngoài.

Từ đó đến nay, Hằng quay về phố núi để làm lại từ đầu. Hằng lao vào công việc với đủ thứ nghề, bỏ qua hết những lời ong bướm bên cạnh. Hằng hiểu rõ rằng không có tiền thì cũng chẳng khác nào bị cầm tù, nên chỉ tập chung làm việc.

Đôi lúc cũng muốn được mệt mỏi, yếu mềm mà chẳng thể ngồi xuống để tựa đầu vào vai ai đó vì đằng sau Hằng còn 2 đứa con. Ai có đủ bao dung để bảo bọc được chúng nó đây. Đến bố đẻ chúng nó còn bặt tin, chẳng thèm ngó ngàng chi nữa mà.

Cho đến mấy tháng nay, người đàn ông Hằng từng gọi là chồng không biết ở đâu xuất hiện, tìm về tận nơi để “thăm nom bọn trẻ”. Nhìn bộ dạng hắn, Hằng nhận ra ngay đây là lúc công việc chẳng còn hanh thông, hắn mới bắt đầu nhớ về “vợ con”.

Hắn đeo bám và làm phiền Hằng ở mọi nơi. Hắn chầu chực trước cổng nơi Hằng làm việc, thậm chí lao vào kéo Hằng ra khỏi một bữa tiệc liên hoan với đồng nghiệp. Hắn tự ý đón con ở trường mà không báo trước. Hắn còn hù dọa những người đàn ông có ý tiếp cận Hằng vì “tao là chồng của nó”.

Bế tắc là tình trạng của Hằng lúc này, không thể tìm ra lối thoát
Bế tắc là tình trạng của Hằng lúc này, không thể tìm ra lối thoát (Ảnh minh họa)

Hằng bất chợt nhớ ra rằng, trên giấy tờ mình vẫn còn một “người chồng”. Thế nhưng nếu ly hôn giờ này, Hằng không đủ bằng chứng để giữ được cả hai đứa nhỏ bên mình. Hằng đã làm tất cả vì chúng, Hằng không bao giờ chấp nhận mất đứa con nào vào tay kẻ không đáng tin đó. Cảm giác bế tắc một lần nữa quay trở lại với Hằng y hệt như trước cái đêm cô chạy thoát khỏi cuộc hôn nhân đắng.

Hằng cứ ngồi một mình trong quán nhậu, uống hết lon này đến lon khác. Mặc dù nó chẳng thể rửa trôi đi những khó khăn trước mắt, nhưng mang lại cho Hằng một vài phút để lãng quên...

Lê Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI