PNO - Sự việc chị Phạm Thị Oanh bị tài xế taxi sát hại đang gây rúng động dư luận; khiến nhiều người thường di chuyển bằng taxi, nhất là hành khách nữ lo lắng.
Bước lên taxi phải xác định tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào - Ả nh minh họa: Phùng Huy
Sự việc chị Phạm Thị Oanh (nữ giám thị của Hội đồng thi THPT quốc gia trường ĐH Hà Tĩnh) bị tài xế taxi sát hại đang gây rúng động dư luận; khiến nhiều người thường di chuyển bằng taxi, nhất là hành khách nữ lo lắng, nếu đã lên taxi, lỡ gặp tài xế bất lương, làm cách nào để thoát hiểm?
Tình huống đáng ngờ
Chia sẻ với báo Phụ Nữ, một nữ ca sĩ (giấu tên) cho biết, do công việc chị thường đi taxi. Mới đây, chị đã gặp một tình huống “lạnh gáy”. Xe chạy được một đoạn, chị thấy tài xế gọi điện thoại nói với ai đó về địa chỉ mà chị đang đến. Chị lo lắng, gọi cho người nhà ra mở cửa sẵn, nhưng đến nơi, mở cửa xe bước xuống, đã thấy một chiếc xe gắn máy trờ tới, hai tên chở nhau trên xe áp lại giật túi xách, chị té trật tay.
Chị Trịnh Thị Minh (khu tập thể Đường Sắt, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cũng từng gặp tình huống tương tự. Chị đi từ Thanh Hóa về Hà Nội, xe ra khỏi sân bay một đoạn, chị thấy tài xế lấy điện thoại ra gọi cho ai đó, cách nói chuyện như nói với bạn bè. Chị sinh nghi khi nghe tài xế đọc cả địa chỉ nơi đến của khách cho bạn, nên lấy điện thoại chụp lại số xe, hình tài xế gởi về cho người nhà, nhắn tin là chị đang đi trên xe này về nhà. Chị kể: “Giữa đường, anh tài xế dừng lại đột ngột, bảo xe hư, mở cửa xuống sửa. Đêm khuya, ít người qua lại khiến chị sợ hãi, vội bấm điện thoại gọi cho người nhà, cố tình nói lớn: “Em mới gởi tin nhắn hình số xe và số tài em đang đi về cho anh rồi nhé. Có gì anh ra ngõ đón em”. Nghe vậy, tài xế cau có bước lên xe, nổ máy chạy tiếp…
Hơn 10 năm cầm lái taxi cho hãng Sài Gòn Air, chị Văn Hồng Luyến (ngụ Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người không biết, cứ trách chị A, chị B. nào đó bị cướp đánh giữa đường mà không chịu tri hô. Thật ra, muốn tri hô tốt phải có luyện tập, khi xảy ra tình huống bất ngờ mới phản xạ tốt hơn được. Tôi không hiểu nhiều về kỹ năng, nhưng nhiều đêm trực phải đón khách lúc 1-2g sáng nên cũng tự nghiệm ra những bài học tự vệ cho mình. Một phụ nữ đừng chủ quan nghĩ rằng “đi taxi là an toàn”. Nếu có việc phải đi vào đêm khuya hoặc đến những nơi vắng vẻ, phải biết thủ thân trước”
Giành thế chủ động
Chuyên gia đào tạo thoát hiểm - ThS Đào Lê Hòa An cho biết: “Những tình huống nguy hiểm do tài xế taxi gây ra cho hành khách thường rơi vào khách nữ, vì “một chọi một” thì tài xế dễ thắng thế với nữ hơn. Vì vậy, phụ nữ cần chuẩn bị phương án để phòng tránh và thoát hiểm. Cô giáo Oanh bị sát hại trong tình huống hoàn toàn bị động, không phản ứng được gì cả, chỉ biết âm thầm nhắn tin nhưng nội dung tin nhắn cũng không có tính báo động cao. Chúng ta phải giành thế chủ động, không để bị động khi lên taxi”.
Theo ThS Hòa An, từ vụ cô giáo Oanh bị sát hại có thể nhận ra nhiều điều. Đầu tiên, phải tập thói quen an toàn khi một mình bước lên taxi: ngồi ở ghế sau lưng tài xế. Ở vị trí này, ta có thể âm thầm quan sát và có phương án chuẩn bị mà tài xế khó quan sát được ta; cũng không thể quay ngược ra sau để hành động khi đang lái xe. Nên ghi nhận những thông tin cơ bản như biển số xe, mã số tài của tài xế. Nếu thấy tài xế khả nghi, gọi điện thoại ngay cho người thân, cố tình nói to rằng mình đang đi hãng taxi nào, tài xế tên gì, mã số tài bao nhiêu, hành trình cụ thể ra sao, khoảng mấy giờ sẽ đến… Nếu thấy khả nghi, nên lấy điện thoại ra chụp hình, cố tình để âm thanh lúc chụp và sau đó gọi điện thoại cho người thân kiểu “em đang đi xe X, em vừa gửi hình cho anh rồi đó”. Việc ăn mặc hở hang, để lộ nữ trang đắt tiền cũng có thể là nguyên nhân kích thích tài xế làm bậy…”.
ThS Hòa An hiến kế: “Nếu thấy tài xế khả nghi, có thể yêu cầu dừng xe lại chỗ sáng hoặc đông người, quyết liệt đổi xe. Khi ngồi trên taxi, điện thoại là vật hữu dụng nhất trong thoát hiểm. Vì vậy, trước một chuyến đi taxi đến vùng nguy hiểm hoặc trong thời điểm nguy hiểm, hành khách cần chuẩn bị một điện thoại đủ pin, đủ cước. Nếu chẳng may điện thoại hết pin, vẫn có thể giả gọi vài cuộc điện thoại để đánh lạc hướng tội phạm”.
Sở dĩ vẫn xảy ra chuyện tài xế sát hại hoặc trấn lột hành khách là do hành khách chưa thực sự biết cách đề phòng. ThS Võ Minh Thành (khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Khi taxi đến, nếu cảm thấy nghi ngờ hay không an tâm với tài xế, đừng miễn cưỡng lên xe mà hãy gọi một xe khác. Khi đã ngồi lên xe, nên cẩn thận kiểm tra các cửa sau và tay nắm cửa để biết chắc chúng vẫn đang hoạt động tốt, để nếu trường hợp xấu xảy ra, chúng sẽ là những cửa thoát hiểm.
Đặc biệt, hành khách nên ngồi phía sau xe để khi cần thiết có thể dễ thoát ra với hai cửa hai bên. Nữ hành khách nên đặt túi xách cá nhân dưới chân để tránh sự soi mói của tài xế, không nên mang theo nhiều tiền mặt, đồ trang sức hay những đồ vật quý giá khác. Khi ngồi trong xe, hành khách cũng nên tính toán đến việc dùng khăn choàng, dây túi xách, lọ nước hoa… làm vũ khí khi hữu sự”.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cảnh báo: “Khả năng thoát hiểm tùy thuộc nhiều vào kỹ năng, phản xạ và sự chuẩn bị của mỗi người. Chúng ta cần nhìn nhận, tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Khi xảy ra sự việc, phải bình tĩnh để thương lượng thay vì cứ chống đối hoặc im lặng. Tốt nhất là cần kéo dài thời gian, biết lợi dụng sơ hở để thoát hiểm, để kêu cứu, trì hoãn... Nên tranh đấu hết mình vì sự sống thay vì mất bình tĩnh, không dám ứng phó. Cụ thể: quan sát hành vi kẻ gây nguy hiểm; gọi ngay cho người thân hay cầu cứu trên điện thoại; biết cách tự khóa cửa xe trong tình huống nguy hiểm; hét to hoặc phát các tín hiệu kêu cứu...”.
ThS Hòa An lưu ý: “Tai nạn luôn xảy ra trong tình huống bất ngờ. Khi xảy ra sự việc, người trong cuộc có thể không phản ứng kịp hoặc run sợ mà không dám phản ứng. Vì vậy, mỗi người đều phải ý thức luyện thói quen an toàn mỗi khi bước lên taxi. Việc chuẩn bị và luyện tập trước sẽ giúp ta tránh được những chuyện đáng tiếc, khi xảy ra sự việc có thể bình tĩnh xử lý. Cuối cùng, mỗi người cần nhớ, không có nơi nào an toàn tuyệt đối”.