Làm sao thấu hiểu nỗi đau của người khác...

05/04/2025 - 06:00

PNO - Ai đó nói rằng, chỉ khi nào trải qua nỗi đau, ta mới thấu hiểu nỗi đau của người khác.

Đi qua nỗi đau mới có sự thấu hiểu và cảm thông (Ảnh minh họa: Freepik)
Đi qua nỗi đau mới có sự thấu hiểu và cảm thông (Ảnh minh họa: Freepik)

Bữa nọ, ba của Ngọc bị té phải nhập viện. Ngọc ở xa nghe tin mà lòng như có lửa đốt. Cũng may ở nhà có cậu em họ kịp thời chạy đến, đưa ba Ngọc đi bệnh viện kiểm tra, băng bó vết thương.

Rồi anh em Ngọc thông báo phân công nhau ai ở gần hơn thì về chăm ba thay anh họ. Ngọc ở xa nhất, chờ khi cần thiết mới về vì mỗi lần đi lại bất tiện, chưa kể phải sắp xếp công việc.

Dù không về, nhưng Ngọc ở lại cũng chẳng yên. Cuộc sống thường ngày cứ xáo trộn lên, nấu nướng thì quên nọ quên kia, ra đường thì mất tập trung, mấy lần suýt té xe. Cứ vài tiếng, Ngọc lại gọi về hỏi thăm tình hình của ba. Cô đợi từng kết quả chụp phim, siêu âm trong tâm trạng rối bời, ảnh hưởng không ít đến người chung quanh.

Ngọc bị chứng lo lắng quá thái, mà lại ít kinh nghiệm nên bất cứ thông tin gì cũng đem hỏi đồng nghiệp, xem liệu có nguy hiểm với ba mình không. Ngọc đưa cả tôi xem bức ảnh của ba, tôi chỉ thấy bó bột ở tay và vẫn nằm phòng điều trị bình thường như bao người. Vậy mà Ngọc lo sốt vó, suy đoán ba bị té ảnh hưởng não, có khi mất trí nhớ…

Có chị đồng nghiệp nói với Ngọc rằng, chị tưởng Ngọc mạnh mẽ lắm chứ. Vì mỗi lần chứng kiến chuyện nọ chuyện kia của người khác, Ngọc rất bình tĩnh, thậm chí lăn xả vào giúp. Những lần nhà đồng nghiệp có tang, Ngọc luôn bật ra câu hỏi: “Chắc người nhà không buồn quá đâu nhỉ, vì đã sự chuẩn bị tâm lý rồi mà”. Lần khác, xem cáo phó là một cụ ông lớn tuổi, Ngọc cũng thốt ra câu tương tự: “Ở tuổi đó thì con cháu chắc không buồn nhiều đâu!”. Vậy mà ba Ngọc chỉ bị xây xát ngoài da, còn lại vẫn ngồi dậy, ăn uống được, mà Ngọc đã xem như chuyện khủng khiếp.

Tôi muốn nói với Ngọc rằng, kể cả ba Ngọc nặng đến mức sẽ không cứu được, thì người ở lại cũng coi đó là lẽ vô thường để sống tiếp, để bằng cách nào đó sớm nhất ổn định cuộc sống của mình, nhưng đó là khi tình huống xấu xảy ra, còn bây giờ, mọi thứ đang ở ngưỡng tạm ổn, sao Ngọc cứ tự làm mất năng lượng của mình?

Hôm nọ, cô tổ phó ở chung cư của tôi với Ngọc ở mất. Cô ấy mất đột ngột sau cơn choáng, bị té trong nhà tắm, đến khi người nhà phát hiện đã tím tái không cứu được. Chuyến ra đi đột ngột của cô gây ngỡ ngàng cho bà con chung cư, vì mới trước đó 1 tiếng còn thấy cô đi bộ trên sân thượng. Cậu con trai của cô ấy về, cũng chỉ kịp gọi “má ơi” rồi ngay sau đó phải bắt tay vào những việc cần làm.

Trong số những người xúm lại cùng nhau lo đám tang ấy, có cả Ngọc. Tôi phải ngạc nhiên vì sao Ngọc có thể đón nhận cái chết của người khác một cách bình tĩnh đến như vậy. Tôi hình dung đến ngày Ngọc nhận tin xấu từ người thân mình, cô ấy sẽ ra sao, có còn đủ sức lực để đón chuyến xe trở về?

Ai đó nói rằng, chỉ khi nào trải qua nỗi đau mới thấu hiểu được nỗi đau của người khác. Có lẽ vậy. Đi qua nỗi đau, người ta mới có sự trưởng thành và mạnh mẽ hơn lên.

Thiên Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI