Làm sao tăng cơ hội trúng tuyển đại học?

19/07/2023 - 05:49

PNO - Việc không giới hạn nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển giúp thí sinh có thêm cơ hội bước vào cánh cửa đại học. Tuy vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, các em sẽ dễ gặp rủi ro giữa hàng trăm ngành, trường học với mức điểm chuẩn trúng tuyển khác nhau.

Đừng đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 vào sáng 18/7. Sau khi biết điểm thi, thí sinh có thể dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển đại học năm 2023. Theo quy chế, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng. Nhưng đăng ký thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp với mong muốn, sở thích của bản thân, tránh lạc vào “ma trận” nguyện vọng là điều thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng. 

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường đại học Công Thương TPHCM - khuyên thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển các năm trước để lấy đó làm cơ sở cho việc chọn lựa nguyện vọng năm nay. Thí sinh chỉ nên lựa chọn một vài ngành, trường để đăng ký nguyện vọng, đừng ôm đồm đăng ký quá nhiều sẽ dễ bị rối. 

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM)
Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM)

Thứ tự ưu tiên là chọn nguyện vọng 1 vào ngành, trường mình yêu thích nhất và có điểm chuẩn các năm trước cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT của bản thân 1-2 điểm. Nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nên chọn ngành, trường có điểm chuẩn những năm trước bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của mình. Cuối cùng, sẽ chọn những ngành, trường có điểm trúng tuyển năm ngoái thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Thí sinh đừng chỉ quan tâm việc đăng ký xét tuyển cho đậu đại học, mà bỏ quên ý thích của mình và nhu cầu xã hội. Có nhiều thí sinh thích khối ngành kinh tế, nhưng sợ không đậu nên xét tuyển vào ngành kỹ thuật với điểm chuẩn thấp hơn. Điều đó giúp các bạn trúng tuyển, nhưng khi học sẽ không có đam mê và khó theo đuổi lâu dài”. 

Ngoài ra, ông Phạm Thái Sơn còn chỉ ra một việc thí sinh những năm trước hay mắc phải để các em năm nay tránh lặp sai lầm tương tự. Đó là thí sinh phải đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí xét tuyển theo số nguyện vọng trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Hệ thống sẽ không chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh nếu chưa thực hiện đủ các quy trình. Song song đó, các em phải thường xuyên theo dõi, tra cứu thông tin từ cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT, website của các trường và kênh báo chí để tránh những sai sót đáng tiếc. 

Điểm chuẩn có thể giảm

Dữ liệu điểm thi tốt nghiệp năm nay cho thấy cả nước có hơn 16.000 bài thi đạt điểm 10, con số này ở năm ngoái chỉ hơn 5.500. Môn giáo dục công dân có gần 14.700 thí sinh đạt điểm 10, gấp 5 lần so với năm ngoái. Tuy vậy, đây là môn học ít xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển đại học. Ngược lại, các môn toán, lý, hóa, ngữ văn, sử, địa và ngoại ngữ ghi nhận số điểm 10 giảm mạnh. Chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10 môn ngữ văn, thay vì 5 em như năm ngoái.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Truyền thông Trường đại học Gia Định - nhận xét: phổ điểm năm nay không có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Tuy vậy, có nhiều yếu tố tác động khiến điểm chuẩn nhiều ngành có thể giảm hoặc giữ ổn định như những năm trước. 

Một là nhiều học sinh lựa chọn vào đại học bằng xét tuyển học bạ hoặc kết quả thi đánh giá năng lực, nên điểm thi tốt nghiệp chỉ là điều kiện cần. Do đó, số lượng học sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học giảm so với năm 2022. Bên cạnh đó, tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình khá trong kỳ thi năm nay khá cao, nhóm ngành khối xã hội được nhiều thí sinh lựa chọn chứ không chỉ ưu tiên nhóm ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên như những năm trước. “Tôi dự đoán những trường công lập có thế mạnh về đào tạo khối ngành kỹ thuật khó thu hút thí sinh. Một số nhóm ngành xã hội như truyền thông, marketing sẽ có tỉ lệ nhập học cao hơn” - ông Mai Đức Toàn nói. 

Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhìn nhận phổ điểm năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước, phù hợp với đề thi có tính phân hóa cao. Với một số ngành “hot” được nhiều thí sinh quan tâm và có mức độ cạnh tranh cao như nhóm ngành công nghệ thông tin, điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ ở các trường tốp trên. 

Ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang tư vấn thí sinh nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành yêu thích bằng phương thức xét tuyển khác thì chỉ cần đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT 1 nguyện vọng duy nhất là ngành đã trúng tuyển sớm. 

Trường hợp đã trúng tuyển đại học bằng các phương thức trên, nhưng đây chưa phải là ngành học yêu thích, các em có thể dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để tiếp tục đăng ký xét tuyển vào những ngành học khác. Lúc này, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng cuối cùng vào ngành mà mình đã trúng tuyển sớm, ưu tiên nguyện vọng 1 cho ngành học mình yêu thích. 

Dự báo điểm chuẩn không tăng với khối khoa học tự nhiên

Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhận định: tỉ lệ bài thi tốt nghiệp THPT đạt điểm giỏi năm nay giảm so với năm ngoái, điểm thi theo đó có sự phân hóa tốt hơn. 

Cụ thể, ở môn toán, bài thi điểm 8 trở lên chỉ chiếm hơn 15% so với con số 21% của năm 2022. Số bài thi điểm 8 trở lên ở môn vật lý cũng giảm nhẹ, từ 22,74% của năm 2022 xuống còn 21,3%. Tỉ lệ bài thi đạt điểm giỏi ở môn hóa học năm ngoái là 27,8%, năm nay chỉ 22,6%. Tương tự, tỉ lệ này ở môn lịch sử cũng giảm từ 18% năm 2022 xuống còn 13%. 

Ở môn ngữ văn, tiếng Anh, giáo dục công dân, số bài thi đạt điểm giỏi tăng nhẹ. Cụ thể với môn ngữ văn, tỉ lệ thống kê điểm giỏi năm ngoái là 42% (tính từ điểm 7 trở lên) thì năm nay tỉ lệ này chiếm 46%. Môn tiếng Anh năm 2022 có tỉ lệ điểm giỏi là 11,9%, năm nay là 15,03%. Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng với mức điểm này, dự báo ở một số ngành sẽ có biến động nhẹ về điểm xét tuyển, nhưng không tăng đối với khối khoa học tự nhiên.

Dung Nhi

Không nên lựa chọn ngành học theo “trend”

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đánh giá việc chọn ngành, trường học rất quan trọng, bởi sẽ gắn với nghề nghiệp cả đời của mỗi người. Thí sinh cần biết chính xác sở thích, sở đoản của mình để lựa chọn ngành học phù hợp nhất với bản thân mình. Chẳng may thực sự yêu thích một trường đại học nhưng lại không có ngành học mong muốn, thì các em nên xét lại vì không học đúng đam mê sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng. 

Khi đã xác định được ngành học mà mình yêu thích và thực sự muốn theo đuổi lâu dài, việc tiếp theo thí sinh cần làm là tìm hiểu về các trường đại học có đào tạo ngành này. Hãy xét thêm các tiêu chí khác như: vị trí địa lý, môi trường học, chương trình học, chuẩn đầu ra, điều kiện gia đình. Ngoài ra, học phí cũng nên được cân nhắc khi đăng ký xét tuyển. Nên lựa chọn những trường có học phí phù hợp với kinh tế gia đình. Khi đã liệt kê danh sách các trường học theo đúng tiêu chí trên, thí sinh bắt đầu đặt lên bàn cân và loại trừ dần. 

Bên cạnh đó, thí sinh đừng chạy theo “trend” hay số đông khi lựa chọn ngành học. Thay vào đó, nên chọn trường học, ngành học vừa sức với bản thân. Nếu thí sinh có học lực giỏi thì lựa chọn trường đại học nào cũng dễ đậu. Nhưng nếu chỉ có học lực trung bình, các em sẽ rất khó có cơ hội trúng tuyển vào những trường đại học tốp đầu. Do đó, cần đưa ra lựa chọn trường phù hợp với năng lực, tránh “trèo cao té đau”. 

Anh Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI