Tôi hỏi anh hàng xóm mới cưới vợ: “Vợ mới của anh có ghen với vợ cũ không?”. Anh trả lời: “Không, ghen gì, bả biết thừa anh thù giận vợ cũ mà”.
“Sao phải thù? Đã ba năm rồi, thù nữa hết đời hả anh?”, tôi cười.
“Tính anh nó thế, không thể quên được bất cứ gì, anh còn nhớ từng chi tiết nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Mà em nghĩ đi, nếu anh không có khả năng nhớ kỹ và tỉ mỉ vậy, làm sao anh quản lý được cái xưởng này”, anh cũng cười.
Tôi nhìn đống máy móc, sắt thép bề bộn của anh. Giữa xưởng sửa chữa đồ điện cơ, một mình anh “ôm” hết các loại máy bơm, máy khoan, máy phát điện và trăm loại máy móc gia dụng.
Rã một lốc máy ra tìm bệnh, thấy nó sai hỏng chỗ nào, anh xách xe chạy đi mua đồ, có khi loay hoay mài, giũa, hàn, đấu dây, chế thêm đồ rồi mới lắp lại chỗ đó. Chi tiết máy móc từ nhỏ như hạt gạo tới xoắn như ruột gà. Có chiếc máy hì hục cả ngày chưa sửa xong. Kiếm tiền đâu dễ. Xung quanh anh là mấy chục tiệm điện cơ, nếu không giỏi nghề, anh khó mà trụ nổi.
Trời cho anh kỹ năng, tình yêu máy móc, nên từ xưởng điện cơ này, chỉ với đôi tay tháo ra lắp vào và cái đầu siêu nhớ, anh mua hai căn nhà Sài Gòn; nay giá nhà đất lên cao, cũng gọi là có tài sản. Thế nhưng ưu điểm cũng là nhược điểm, anh nhớ hết những gì không vui của đoạn đời trước.
Anh kể, có lúc vừa ngồi làm, nước mắt anh vừa trào ra vì nhớ con gái, bàn tay lấm dầu nên không quệt mặt được, nước mắt lã chã rơi vào máy móc.
Một năm nay chị không cho anh gặp con, dù trước kia anh vẫn đưa đón bé học thêm tiếng Anh. Từ hồi COVID-19, tiệm hết đóng cửa vì giãn cách xã hội thì chuyển sang giai đoạn ế ẩm. Thu nhập giảm, trong khi tiền ngân hàng vẫn phải trả, nợ nhà đất cũng còn, anh chuyển tiền cấp dưỡng cho con chậm và ít hơn trước.
Vợ cũ giận hờn, trách móc, nói xấu anh khắp nơi. Bà nội của bé nghe con dâu cũ, buồn không ngủ được, nhắn tin trách móc anh không quan tâm tới con, không giữ gìn gia đình, để con lang thang đói khổ theo mẹ.
Trước đây, lúc anh chưa lập gia đình lần hai, chúng tôi thỉnh thoảng cũng cà kê ly bia vào cuối tuần. Anh hay kể ngày còn sống chung, vợ cũ của anh ham chơi thế nào, lo mua sắm những gì, trong khi anh nai lưng làm lụng ra sao.
Thì thôi, anh là dân lao động chân tay, chị là nhân viên văn phòng sang chảnh, chị chê anh lấm lem dầu mỡ cũng đành, nhưng thêm vào đó, chị còn coi thường nghề của anh, xem việc anh kiếm tiền phục vụ các nhu cầu của chị là đương nhiên. Toàn bộ tiền lương của chị, chị cứ ung dung tiêu hết, cho ai thì cho, mua sắm, tận hưởng cuộc đời; nếu thiếu, anh có nhiệm vụ chu cấp.
Thì nếu chị biết chắt chiu, anh ngại gì không nộp. Có người giữ tiền, vui lắm chứ. Nhưng chị lại không phải kiểu người như vậy. Anh nói, anh dân miền Trung, lớn lên trong cảnh khổ sở vất vả, học hết lớp 12 thì vào Sài Gòn học nghề, rồi lập nghiệp, mở xưởng riêng. Nếu không căn cơ từng xu thì giờ vẫn lang bang như mấy đứa bạn cùng lứa.
Chị dân thành phố biết sống cho mình từ rất sớm. Anh gặp là bị hút vào tính cách ấy. Đơn giản, vật chất, hơi phù phiếm, phụ nữ như vậy đáng yêu chứ.
Vậy nhưng sống với nhau thì tình yêu thương không bao được tất cả những khác biệt. Mọi sắm sửa chi tiêu trong nhà, chị vui bao nhiêu thì anh giận dữ bấy nhiêu. Đỉnh điểm, chị lao vào đầu tư chứng khoán, “đốt” bay một căn nhà.
|
Ly hôn thành công, cũng đã có vợ mới hợp ý, vậy mà anh không sao quên được mối hận vợ cũ. Ảnh minh họa |
Việc gì đến sẽ đến, chỉ cần một chuyện nhỏ, anh chị cãi nhau to. Lúc cao điểm xung khắc, hai bên đồng thanh buột miệng: “Không ưng thì ra tòa đi”. Nói xong, cả hai chững lại ngạc nhiên, cứ như họ vừa tìm được lối thoát ngoạn mục, giải quyết tất thảy những ức chế, hậm hực trước đó.
Ly hôn thành công, cũng đã có vợ mới hợp ý, vậy mà anh không sao quên được mối hận vợ cũ. Anh cho rằng mọi lỗi lầm khiến con gái anh bị bứt xa cha là do vợ anh hết, anh chẳng hiểu mình có lỗi gì.
Tôi thật khó mà bác được sự mặc định của anh, chỉ nghĩ, có những lỗi lầm trong hôn nhân thật khó mà phân định của phía nào. Có điều, nếu tiếp tục ôm hận trong lòng, thì biết bao giờ anh và gia đình mới có được ngày vui.
Hoàng Hương