Làm sao quản con khỏi cạm bẫy khi: 'Con chỉ xin đi chơi một chút rồi về'

24/09/2018 - 06:00

PNO - Bảy nam nữ thanh niên tử vong tại một lễ hội âm nhạc ở TP.Hà Nội, nhiều thanh niên khác nhập viện vì phê ma túy khi nghe nhạc điện tử có âm thanh công suất lớn. Chuyện này có làm bạn giật mình không?

Bạn có giật mình không, khi chẳng thiếu những lần đứa con ngoan hiền của bạn chỉ xin phép gặp bạn bè, đi sinh nhật hay nghe nhạc vài tiếng thôi đấy…

Học trò đi bar - chuyện thường

Chở con đi ngang một bar khá lớn ở Q.1, TP.HCM, chị Nguyên (nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) thót tim khi nghe cô con gái học lớp 12 rành rọt: “Sao mới giờ này mà bar vắng hoe?”. 

Lam sao quan con khoi cam bay khi: 'Con chi xin di choi mot chut roi ve'
Đứa con ngoan hiền của bạn vẫn có một thế giới khác người lớn không thể xen vào. Hình minh họa.

Cố giữ bình tĩnh chị hỏi con: “Ủa sao con biết chỗ này là bar? Sao con biết bữa nay vắng?”. Cô con gái hồn nhiên: “Đây là chỗ mấy đứa trường con hay ghé. Tụi nó vô trường kể hoài. Có lần đi sinh nhật đứa trong lớp xong tụi con kéo nhau tới đây, đông vui, âm thanh ánh sáng bắt mắt lắm. Nhưng mấy đứa vô, còn con với nhỏ Oanh đi về.

Nghe tới đó, chị Nguyên định dừng xe lại, hỏi cho ra lẽ vì chị bán tín bán nghi với thông tin con chưa vào bar. Nhưng nhớ những bài học làm cha, làm mẹ chị hay đọc trên sách báo, chị dằn lòng. Chị biết, với tính cách của con, giờ mà làm lớn chuyện, con sẽ không thèm “giao tiếp” và mọi cánh cửa thông tin sẽ đóng lại. 

Không thấy mẹ phản ứng, cô con gái thao thao kể chuyện bạn bè đi chơi tối. Nhờ vậy chị biết “chiêu” qua mắt cha mẹ của các cô cậu học sinh là xin phép cha mẹ đi sinh nhật, đi chơi với bạn.

Sau bữa tiệc sinh nhật, thay vì đi trung tâm thương mại, đi xem phim như lời xin phép trước đó, cả nhóm kéo nhau đi bar. Cha mẹ vẫn ngỡ bar mở cửa trễ, nên không thể ngờ chỉ mới 6-7g tối, con mình đã cùng bạn vào bar, quán nhậu, quán karaoke. 10g đêm các con đã có mặt ở nhà cho cha mẹ yên lòng. 

Suy nghĩ chỉ có trẻ học kém, ham chơi mới đi bar là sai lầm của nhiều bậc cha mẹ. Con chị Nguyên kể có ba bạn trong nhóm thường xuyên đi bar vẫn học rất giỏi. Chưa vào bar nhưng con gái chị kể vanh vách chuyện người ta cho hút sisha công khai.

“Nhiều người sử dụng thuốc kích thích hay chất gây nghiện trong bar lắm, vì họ lắc lư, nhảy tưng tưng như khùng cả mấy tiếng theo nhạc mà không biết mệt”, con gái chị cho biết.

Lý do con gái chị Nguyên vẫn chưa bước chân vào bar, theo cô bé là vì... tiếc tiền. Cô bé cho biết: “Bảy đứa vô bar mà phải trả gần 10 triệu đồng. Chừng đó tiền con để mua thứ khác”.

Cô bé thắc mắc: “Mà con thấy cũng lạ, tại sao các nước chỉ cho người từ 21 tuổi trở lên vô bar, còn ở Việt Nam thì vô tư?”.

Chị Nguyên “bấu” ngay đó để dạy con. Không rành luật, chị vẫn khẳng định chắc nịch: “Việt Nam cũng cấm người dưới 21 tuổi vô bar, nhưng các bar “làm lơ”. Vậy nên lâu lâu mới có thông tin trên báo đài là công an kiểm tra đột xuất các quán bar, vũ trường, quán karaoke và phát hiện trẻ vị thành niên trong bar có sử dụng chất kích thích…

Lỡ con theo các bạn vào bar, trúng đợt công an đi kiểm tra, khi công an đưa về trụ sở, có báo chí đến chụp hình, quay phim, ngày hôm sau mọi người nhìn thấy con trên ti vi… không biết sao ăn nói luôn à”. 

Chị nhẹ lòng phần nào khi nghe con nói theo mẹ: “Chắc con mắc cỡ chết. Con cũng muốn vô bar để biết sôi động thế nào, nhưng con sẽ chờ tới khi 21 tuổi”. 

Không chắc con sẽ làm đúng những gì con nói, nhưng chị Nguyên dần bớt căng thẳng chuyện con trẻ đi bar. Mỗi ngày một chút, chị rỉ rả nói cho con biết, khi đã 21 tuổi, con mới có đủ trải nghiệm và bản lĩnh để tự bảo vệ mình trước những “cái bẫy” được giăng sẵn trong những tụ điểm vui chơi. Và những “cái bẫy” được chị “liệt kê” cho con hiểu rõ. 

Lam sao quan con khoi cam bay khi: 'Con chi xin di choi mot chut roi ve'
Trong quán bar không thiếu những gương mặt học trò. Hình minh họa

Ngày nay, không khó để chứng kiến câu chuyện con gái chị Nguyên kể. Nếu chưa từng vào bar, quán nhậu, karaoke… chỉ cần ban đêm đi ngang qua phố Tạ Hiện (TP.Hà Nội), khu phố Tây như Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) ngày cuối tuần, bạn sẽ gặp đầy rẫy những nhóm thanh thiếu niên mặt non choẹt, ăn mặc sành điệu, gợi cảm, khuôn mặt trang điểm rất đậm. 

Nhiều đôi nam nữ mặt trông búng ra sữa âu yếm nhau ngỡ như ở chốn không người. Có những nhóm hít sisha, thổi bóng cười công khai. Đa phần các nhóm teen sẽ giải tán trước 10g. Trước khi chia tay, các teen tìm nơi thay quần áo, chùi bớt lớp son phấn, lại trở về những đứa con ngoan hiền. 

Quản con thời nay sao mà khó

Chị Ngọc Mi (Q.11) vẫn chưa hết xanh mặt khi nhắc chuyện cách đây 5 năm trước, khi con gái mới vào cấp III. Con xin đi học thêm, học Anh văn nhiều hơn. Mừng vì con ham học, chưa bao lâu, chị chết điếng khi có người quen bắt gặp con gái chị vào khách sạn với bạn trai. 

Té ra suốt mấy tháng cô bé không học hành gì. Mẹ chở đến cửa trung tâm Anh ngữ hoặc các trung tâm dạy kèm, cô bé ngoan ngoãn đi thẳng vào trong, chờ mẹ quay xe đi, bé ra ngoài leo lên xe bạn trai chờ sẵn. Bao giờ cũng vậy, cậu bạn trai luôn chở cô bé về lại chỗ cũ trước giờ chị Mi đón con.

Gia đình chị Mi căng thẳng suốt một thời gian dài sau đó. Con chị chỉ “khai” có trốn học đi chơi với bạn trai chứ kiên quyết không nhận đã vào khách sạn. Từng có lúc muốn ép con đến bệnh viện phụ sản để kiểm tra, nhưng khi suy nghĩ một cách thấu đáo, chị lại nghĩ, dù gì thì mọi chuyện cũng đã rồi, chị đành chấp nhận, tìm cách tách dần con khỏi bạn trai và theo dõi con sát sao hơn. 

NSƯT Trịnh Kim Chi có quan niệm rất hiện đại về những cảm xúc đầu đời của con. “Những cảm xúc yêu đương của trẻ khi mới 12-13 tuổi cũng không phải là điều gì khác thường, những mối tình học trò vẫn được kể lại từ cách đây vài chục năm trước.

Chỉ có điều ở thời điểm đó do điều kiện sống, quan điểm xã hội, gia đình, trẻ ít dám bộc lộ và nhút nhát hơn. Cấm cản chuyện yêu đương của tuổi mới lớn là điều không thể, tôi chấp nhận tình yêu của con để đặt nó trong tầm kiểm soát của mình và ra điều kiện hai đứa phải nhắc nhở nhau học hành để có kết quả tốt”.

Cùng với những tiện ích, internet, mạng xã hội, xu thế sống cởi mở… đang tấn công, “giăng bẫy” làm đảo lộn cuộc sống giới trẻ. Không cần phải tìm kiếm, những hình ảnh, clip, phim sex, chuyện phòng the của người lớn… được dẫn link hoặc bày biện nhan nhản trên mạng xã hội.

Cấm con sử dụng máy tính là điều không thể vì máy tính giờ đã là “dụng cụ học tập”.  Cấm con sử dụng mạng xã hội lại càng không vì con sẽ nói dối, sẽ tìm đủ mọi cách để lén lút sử dụng.

Lam sao quan con khoi cam bay khi: 'Con chi xin di choi mot chut roi ve'
Làm sao quản con trong thời cạm bẫy đầy rẫy ngoài đường, trên mạng? HÌnh minh họa.

Vợ chồng chị Lê Thị Thư (Q.Tân Phú) chọn giải pháp “thả lỏng”, vui vẻ kết bạn với con trên mạng xã hội, thỉnh thoảng lại bình luận hoặc đăng trên tường nhà con những hình ảnh, câu chuyện ngộ nghĩnh. Chị nói đó là cách để chị kiểm soát bạn bè trên mạng của con thông qua những lời bình luận và hiểu con hơn từ chính những dòng trạng thái con đăng trên tường.

Tuy vậy, chị vẫn hồi hộp lo những lời nói, hành động giảng đạo, lý thuyết của mình sẽ khiến con block cha mẹ vĩnh viễn như tình cảnh bạn bè chị thường gặp.

“Bảo vệ con khác với bảo bọc con. Cha mẹ không thể ở bên cạnh con mọi lúc, mọi nơi trong suốt cuộc đời để bảo vệ con. Để giúp con vượt qua cạm bẫy của xã hội, cha mẹ cần cho con sức mạnh, sự tự tin, dạy con biết nhận thức cái đúng, cái sai trong một thế giới có quá nhiều cám dỗ.

Cân bằng giữa sự yêu thương và tính kỷ luật trong giáo dục con và hãy trở thành người bạn thực sự của con, lắng nghe và thấu hiểu” - bà Nguyễn Thị Tâm, Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt chia sẻ. 

 Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI