Làm sao phòng tránh những hiểm họa từ cây xanh?

19/09/2024 - 06:20

PNO - Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ đất liền (ngày 7/9), hàng chục ngàn cây xanh đường phố ở TP Hà Nội bật gốc và rất nhiều trong số đó chỉ có vài cọng rễ nhỏ. Ở TPHCM, tình trạng cây xanh bật gốc, gãy nhánh đè trúng người thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Làm sao để TPHCM nói riêng, đô thị Việt Nam nói chung có nhiều cây xanh tỏa bóng mát mà vẫn an toàn?

Cây xanh liên tục ngã, gãy

Khoảng 15g ngày 4/9, trên đường An Dương Vương, phường 3, quận 5, một cành dài khoảng 6m của cây dầu loại 3 (cao trên 12m, có kích thước lớn) bị gãy, rơi từ khoảng 25m xuống dòng xe máy phía dưới, khiến bà C.T.K. - 52 tuổi, ở quận 6 - bị thương nặng, sau đó tử vong. Cành cây này còn tươi, bị gãy trong cơn mưa lớn kèm gió lốc.

Hiện trường vụ cành cây gãy làm chết người trên đường An Dương Vương, phường 3, quận 5 chiều 4/9
Hiện trường vụ cành cây gãy làm chết người trên đường An Dương Vương, phường 3, quận 5 chiều 4/9

Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong ngày 4/9, TPHCM có 39 cây xanh bị ngã, gồm 1 cây mới trồng, 10 cây loại 1 (thấp hơn 6m), 25 cây loại 2 (thấp hơn 12m) và 3 cây loại 3; có 6 cây bị nghiêng, 23 cây gãy cành. Cây gãy, đổ trong ngày 4/9 đã làm chết 1 người, đè nát 2 ô tô, 2 xe máy, 1 trụ đèn chiếu sáng và làm hư 1 rào chắn (barie) trong công viên, gây ùn tắc giao thông. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn kéo dài kèm theo gió giật mạnh.

Trước đó, chiều tối 20/8, trong cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh, nhiều cây xanh trên vỉa hè các đường Độc Lập, Tân Hương, Tân Sơn Nhì… thuộc quận Tân Phú bị bật gốc, đổ xuống đường gây ách tắc giao thông. Sáng 14/8, cành cây có đường kính tiết diện 40cm, dài khoảng 10m gãy, rớt xuống chắn ngang vỉa hè, lòng đường Võ Văn Tần, quận 3. Tối 3/8, cây xanh lớn trong khuôn viên tòa nhà 221 Lý Chính Thắng, quận 3 bật gốc, đổ gãy, phá đổ hàng rào, làm bị thương 1 người đi đường.

Gây hậu quả nghiêm trọng nhất là vụ gãy cành cây trong công viên Tao Đàn, quận 1. Khoảng 7g ngày 9/8, trời không mưa, gió nhưng 1 cành cây dầu dài khoảng 10m vẫn rơi xuống đường nội bộ, làm 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương khi đang tập thể dục. Trước đó không lâu, ngày 17/1 và 20/7, cây dầu này đã được duy tu, chăm sóc nhưng không phát hiện được khiếm khuyết kín tại cành bị gãy.

Để bảo đảm an toàn, từ đầu mùa mưa đến hết tháng 7/2024, các đơn vị quản lý cây xanh đã cắt tỉa 148.350 cây, đốn hạ 2.437 cây, cắt thấp 143 cây, giải tỏa 156 cây xanh.

Chọn cây phù hợp, “bắt bệnh” kịp thời

Hằng năm, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TPHCM đều tiến hành duy tu, chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống cây xanh đường phố, công viên; đồng loạt mé nhánh, cưa ngọn, cắt cành, đốn hạ đối với những cây xanh nghi kém an toàn.
Công ty cũng cắt cử nhân viên thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh do công ty chịu trách nhiệm quản lý để sớm phát hiện và xử lý các khiếm khuyết của cây. Nhưng việc phát hiện các khiếm khuyết cây xanh chủ yếu bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm, chuyên môn của nhân viên kỹ thuật chứ chưa có các thiết bị, máy móc chuyên dụng theo dõi, đánh giá các khiếm khuyết của cây xanh như ở các nước tiên tiến.

Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê - Trưởng bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, Trường đại học Nông Lâm TPHCM - cho rằng, chỉ nhìn hình dáng bên ngoài thì rất khó đánh giá được tình trạng bên trong của cây. Mắt thường khó nhìn ra tình trạng sâu bệnh, rỗng ruột của cây, cành cây, nên cần có những thiết bị công nghệ. Theo bà, để đảm bảo an toàn cho người dân, cơ quan quản lý phải tăng cường cắt tỉa, giảm thiểu sức nặng của cành cây, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Đối với cây đường phố, nên chọn trồng những loài sinh trưởng chậm, có chiều cao tối đa vừa phải.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TPHCM cho hay, công ty đã đầu tư 1 máy đo điện trở cơ học để kiểm tra khuyết tật của cây xanh, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học chuyên ngành lâm nghiệp thu thập dữ liệu cây xanh đường phố, nơi công cộng ở TPHCM để phân tích, xây dựng quy trình đánh giá cây một cách khoa học nhằm quản lý cây xanh hiệu quả hơn.

Theo tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường - cần có quy chuẩn về chủng loại, kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với cây xanh đường phố, công viên. Việc trồng các loài cây cao, to trên đường phố là không phù hợp bởi chúng không an toàn cho người đi đường, không tốt và cũng không phù hợp với kiến trúc liên quan như mặt đường, lề đường, công trình ngầm, công trình ven đường…

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI