Làm sao phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý học đường?

17/01/2022 - 11:25

PNO - Nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý nhưng công tác tư vấn tâm lý trường học vẫn hình thức, không phải nơi tin cậy để học sinh tìm đến.

Đều đặn cứ hai tuần một lần, anh Nguyễn Hữu Hưng (Hà Nội) đều phải đưa con trai lớp 3 của mình đến phòng điều trị tâm lý của một bác sĩ nổi tiếng trên địa bàn.

Anh Hưng kể, 2 năm trở lại đây con trai bỗng xuất hiện nhiều hành xử khác lạ, nói huyên thuyên và có dấu hiệu đập phá đồ chơi nếu không vừa ý. Thậm chí, ở lớp còn lao vào đánh các bạn khiến cô giáo nào cũng lắc đầu và vợ chồng anh rất chật vật để tìm nơi học cho con.

“Có lớp nhận con tôi vào nhưng trong giờ học cô giáo phản ánh thằng bé không tập trung. Và khi cho con đi khám, bác sĩ kết luận thằng bé bị tăng động nhẹ và phải điều trị tâm lý thường xuyên. Vì vậy, đều đặn, 2 tuần một lần, cứ cuối tuần là vợ chồng tôi đặt lịch và đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý. Cũng may, thời gian gần đây tình trạng của con cũng có phần cải thiện hơn”, anh Hưng kể.

Anh cũng mong mỗi trường đều có chuyên gia tâm lý để nắm bắt tâm lý của các em. Nếu giáo viên có thể phát hiện và xử lý tình huống trong lớp với những học sinh đặc biệt như con mình thì mỗi tuần anh không còn phải vất vả đưa con đi điều trị tâm lý.

Khẳng định tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em, cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - cho biết dịch vụ này ở nhà trường đã hình thành dưới dạng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên, chưa phổ biến và còn mang tính hình thức, hoạt động chưa đủ sự tin tưởng cho học sinh và phụ huynh.“Thực tế, tỷ lệ học sinh, phụ huynh học sinh biết đến dịch vụ tư vấn tâm lý học đường tại nhà trường không cao”, cô Lan nói.

Tư vấn tâm lý học đường hiện nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả
Tư vấn tâm lý học đường hiện nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả

Dù công tác tư vấn tâm lý được quan tâm nhưng hiện nhiều trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn chưa có giáo viên chuyên trách làm công tác này. Đây cũng là tình hình chung của nhiều trường phổ thông hiện nay. 

Trường nào có phòng tư vấn tâm lý thì có người trực nhưng rất ít học sinh đến tư vấn. Đôi khi giáo viên cũng chỉ tư vấn dựa trên kinh nghiệm của bản thân chứ cũng không có chuyên môn về tư vấn vì hầu hết các giáo viên trực phòng tư vấn đều là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm.

Theo cô Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) thì tư vấn tâm lý học đường là hình thức hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, sinh viên. Nhờ vào phương pháp này mà các em học sinh có đủ khả năng để tự giải quyết các vấn đề học tập, thi cử cùng các mối quan hệ xã hội. 

“Xây dựng, phát triển các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tâm lý học đường cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, rất cần xây dựng môi trường học tập lành mạnh để trẻ học được các kỹ năng quan trọng, tăng cường sức khỏe của trẻ và phòng chống bắt nạt, bạo lực, căng thẳng.

Muốn làm được điều đó thì cần có đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý tại các cơ sở đại học có đào tạo chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục chứ không phải những giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn, thiếu kỹ năng như hiện nay”, cô Loan nói.

Thiết nghĩ, trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống nhất là ở lứa tuổi mới lớn. Nhà trường cần phải xây dựng công tác tham vấn tâm lý chuyên nghiệp, ở đó người thầy phải có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh và quan trọng nhất là phải có đủ tình thương để có thể lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn.

Chúng ta không nên chờ đến khi thật sự có vấn đề rồi mới đi tìm cách giải quyết, mà phải phát hiện được vấn đề khi nó còn tiềm ẩn, ngăn chặn những tình huống xấu phát sinh.

Trong bối cảnh hiện tại, để cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em, nhà trường cần xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, cũng như thực hiện các chính sách để thúc đẩy mã nghề và chứng chỉ cấp phép hành nghề cho các nhà tâm lý học học đường.

Ngoài ra, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, nhà trường cần cởi mở với các nguồn lực xã hội hóa. Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng mô hình tham vấn học đường đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học.

Cùng với đó, các phòng giáo dục cũng cần thành lập nhóm gồm các chuyên gia tâm lý có trình độ, kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ cho nhiều cụm trường từ việc lên kế hoạch hoạt động, giám sát giáo viên đã được bồi dưỡng năng lực và nhận ca tham vấn can thiệp trực tiếp cho những trường hợp nặng.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI