Làm sao ngăn phụ huynh hành hung bạn học của con?

23/12/2020 - 07:00

PNO - Mới đây, tại tỉnh Điện Biên xảy ra vụ nam sinh lớp Sáu bị phụ huynh của bạn đến tận lớp hành hung. Trước đó, tại tỉnh Lào Cai cũng xảy ra vụ trẻ mầm non ba tuổi bị phụ huynh của bạn hành hung ngay tại lớp, trước sự chứng kiến của cô giáo.

Xem clip:

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Một số gia đình hiện vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc giáo dục con theo kiểu "nếu con bị bắt nạt, con phải dùng bạo lực để trả đũa".

Vụ phụ huynh ở Điện Biên xông vào đánh học sinh (HS) tại lớp là ví dụ điển hình. Đó là tư duy khiến cho công tác bảo vệ HS khỏi bạo lực học đường khó có thể làm triệt để.

PGS. TS Trần Thành Nam
PGS. TS Trần Thành Nam

* Phóng viên: Là phụ huynh, chứng kiến cảnh con bị đánh ai cũng đau lòng nhưng không có nghĩa là cha mẹ dạy con trả đũa bằng bạo lực? 

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: Chúng ta đều biết những hành vi như vậy là xâm phạm quyền trẻ em nghiêm trọng. Quan trọng làm gì để hạn chế vụ việc. 

Nếu chúng ta dạy con kỹ năng nhận diện xích mích sớm để hòa giải khi sự việc chưa nghiêm trọng thì tôi tin bạo lực chắc chắn được kiểm soát. Nhưng nhiều cha mẹ chưa dạy con như vậy nên sự việc đi dần đến nghiêm trọng. Và khi cha mẹ chứng kiến con mình bị đánh thì vì thương con nên không ngần ngại xông vào đánh bạn của con.

* Khi HS bị phụ huynh của bạn hành hung, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?
- Trong những trường hợp này, phải xem xét trách nhiệm của nhà trường vì có nhiều vụ việc xảy ra nhưng tại sao nhà trường không kiểm soát ra, vào trường tốt hơn để đảm bảo an toàn cho HS.

HS ở trường đương nhiên an toàn thuộc trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, sau đó là trách nhiệm của những người có liên quan, người chứng kiến việc đó. 

Tôi thấy đau lòng khi biết có nhiều người phải chứng kiến bạo lực đó xảy ra, nhất là HS. Khi mọi người chưa có ứng xử phù hợp ngăn chặn sự việc tái diễn hay khiến nó dừng lại, trong sự việc ở Điện Biên, HS bị đánh lại bị kéo ra góc khuất đánh tiếp, thì những đứa trẻ chứng kiến sự việc sẽ nghĩ gì?

Tôi nhắc lại trách nhiệm thuộc về những người chứng kiến sự việc đó và người đứng đầu nhà trường. 

Nam sinh ở Điện Biên bị phụ huynh của bạn hành hung ngay tại lớp, trước sự chứng kiến của các bạn học
Nam sinh ở Điện Biên bị phụ huynh của bạn hành hung ngay tại lớp, trước sự chứng kiến của các bạn học

* Như vụ việc HS mầm non ở Lào Cai bị bạo hành, cô giáo chứng kiến nhưng chỉ đưa tay ra ôm đứa trẻ mà không thể ngăn chặn hành vi của phụ huynh, theo ông tại sao?

- Có thể cô giáo chưa được tập huấn về kỹ năng, bối rối trước tình huống bất ngờ xảy ra. Đôi khi cô giáo còn sợ hãi nên chưa biết phản ứng ra sao. Ở khía cạnh nào đó, vị thế của giáo viên chưa thực sự được tôn trọng nên họ thấy mình thấp kém, sợ hãi và chỉ biết dùng cơ thể che chắn cho đứa trẻ.

* Trước nhiều vụ HS bị phụ huynh của bạn bạo hành, giải pháp nào để có một trường học an toàn cho HS?

- Tôi nghĩ người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Hiệu trưởng phải có kế hoạch cụ thể để đảm bảo HS của mình đến trường được an toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản về các tiêu chí của trường học hạnh phúc, trường học an toàn hay bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường, quan trọng là chúng ta triển khai đến từng trường như thế nào. 

Người đứng đầu trường học phải có sổ tay liệt kê hạng mục nhà trường cần triển khai để đảm bảo môi trường an toàn nhất cho HS. Phải phát triển nhóm hòa giải ngang hàng để giải quyết xích mích cho HS sớm nhất, trước khi nó bùng phát thành bạo lực nghiêm trọng. Đồng thời, cần có sự tham gia của phụ huynh trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện trong nhà trường.

Ngoài ra, cũng cần sử dụng mạng lưới quan hệ phụ huynh HS để tăng cường nhận thức, tạo ra cách thức ứng xử phù hợp. Trong tình huống con mình đang bị bắt nạt, phụ huynh phải có chiến lược phù hợp. Nhà trường phải có quy định về tiếp phụ huynh trong không gian an toàn, sử dụng công nghệ hạn chế và phát hiện sớm về hành vi và nguy cơ ảnh hưởng đến HS.

Cuối cùng, những HS là nạn nhân, những HS chứng kiến sự việc phải được tư vấn tâm lý và hành vi để hạn chế tối đa bạo lực học đường!

* Xin cảm ơn ông. 

Đại Minh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI