Làm sao mà biết ai hạnh phúc!

20/03/2022 - 12:44

PNO - Tôi nhớ mãi câu trả lời của một chị bạn đồng nghiệp vui tính: “Hạnh phúc đơn giản là rửa sạch một đống chén tú ụ và mọi thứ trên bếp đã sạch sẽ, tinh tươm”.

Chị nói thêm, đi làm về chỉ cần nhìn căn nhà bề bộn, chén bát chưa rửa, áo quần phơi chưa lấy vào đã thấy… bất hạnh rồi! Và cách giải quyết vấn đề của chị rất tích cực: luôn chủ động sắp xếp sao cho cuộc sống tránh tối đa… bi kịch, nghĩa là làm đến đâu dọn đến đó, nấu ăn xong, liền lấy khăn lau bếp cho sạch sẽ, ăn cơm xong, rửa chén ngay, vật gì chỗ nấy, lấy cuốn sách ở đâu, đọc xong đặt về chỗ cũ… Chị khẳng định, đó không phải là kỹ tính mà là ngăn nắp, cẩn trọng, khoa học trong sắp xếp việc nhà. 

Ảnh minh họa
Chị bạn tôi nghiệm ra rằng, dọn xong căn bếp bừa bộn thì chị... hết bất hạnh (Ảnh minh họa)

Trong hôn nhân, nhiều người quan niệm, vợ chồng tâm đầu ý hợp là hạnh phúc. Có người phản biện: "Bao nhiêu cặp vợ chồng trên trái đất này được như vậy?". Một ý kiến khác: "Vợ chồng tôi rất hợp nhau, chẳng bao giờ cãi cọ, to tiếng bởi chúng tôi thường rất ít khi trao đổi với nhau, như thế chúng tôi có hạnh phúc không?".

Chẳng ai trả lời được câu này, bởi lẽ, tình trạng như thế, làm sao kết luận được vợ chồng anh ta hạnh phúc? Thế nhưng, nếu cho là không hạnh phúc cũng không đúng, vì nhỡ ra vợ chồng họ không có nhu cầu nói chuyện với nhau thì sao? Họ vẫn hạnh phúc, mỗi người một thế giới riêng mà vẫn giữ được thế giới chung hòa bình, yên ổn. 

Chính việc nghi ngờ về “tâm đầu ý hợp” này mà khi có người khoe vợ chồng sống với nhau mấy chục năm vẫn nói chuyện say sưa, như hồi mới yêu nhau, ngày nào cũng như ngày đầu tiên, vợ chồng nói chuyện với nhau không biết chán... khiến người ta càng nghi ngờ. Tuy nhiên, tạm thời kết luận: trường hợp như vậy hiếm có chứ không phải không có!

Một phụ nữ tuổi 40 kể rằng, vợ chồng cô có hai con còn nhỏ, bây giờ vợ chồng tối mặt mưu sinh để lo cho con. Vợ chồng còn trẻ, có nhiều chuyện trao đổi với nhau về con cái, và nhiều vấn đề khác, văn học, thẩm mỹ… Tuy nhiên, cô không dám chắc hơn 10 năm sau khi con cái đã lớn, bớt lo lắng vì sinh kế, cô hay chồng cô có cảm thấy chán nhau không, vì nhu cầu phát sinh sẽ khác hôm nay. Điều cô nói không phải không có cơ sở, cô đã thấy nhiều ví dụ chung quanh mình khi vợ chồng không còn chuyện gì để nói với nhau nữa. 

Hạnh phúc suy cho cùng chỉ là cảm nhận của người trong cuộc (Ảnh minh họa)
Hạnh phúc suy cho cùng chỉ là cảm nhận của người trong cuộc (Ảnh minh họa)

Một cậu quá 30 tuổi, chưa lập gia đình kể rằng, bố cậu bảo cậu lấy vợ đi để rồi còn có… bồ. Tất nhiên chỉ là câu bông đùa, thế nhưng cũng khiến người nghe suy nghĩ. Mới thấy, nhu cầu phát sinh tìm người tâm sự ngoài chồng ngoài vợ là có thật. Có thể họ chỉ cần tìm người “hợp gu” để nói chuyện, cũng có thể họ có nhu cầu giãi bày mà không muốn nói với vợ hay chồng mình. 

Rồi, người ta mới giật mình khi nghe một ông chồng tâm sự, có khi suốt một ngày Chủ nhật, từ 4 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều anh chat với một phụ nữ chưa gặp mặt bao giờ và cả hai cũng không có ý định gặp mặt. Ngoài ra còn có những đêm họ chat với nhau đến sáng. Bên này biết bên kia đã có chồng/vợ và họ không quan tâm hoàn cảnh chồng/vợ đối phương thế nào, họ chỉ biết họ vui khi mỗi ngày mở máy tính ra, online và chat, đủ mọi thứ chuyện trên đời, từ quan niệm sống, thẩm mỹ cho đến cả về… sex nữa. Như thế, hạnh phúc định nghĩa thế nào đây?

Một bà mẹ hay than thở vì đời mình không hạnh phúc với một ông chồng vô tâm khiến bà phải cáng đáng mọi thứ, lo từ cái chén ăn cơm đến xây cái nhà. Một hôm bà than thở với con trai nghĩ cậu là “đồng minh”. Ai dè cậu nghiêm mặt: 

- Đáng lý mẹ không nên ôm đồm mọi việc. Tỉ như, chuyện học hành của con cái hay tập những kỹ năng sống phải giao hết cho bố. Mẹ đã dạy dỗ, dìu dắt các con, thế nhưng, nếu như việc ấy giao cho bố sẽ tốt hơn, với ý nghĩa mạnh mẽ, gắn kết gia đình. Đàng này bởi mẹ ôm hết nên bố ỷ lại. Thứ hai, bố có quãng thời gian công việc làm không thuận lợi, một người có tài, có cá tính vì miếng cơm manh áo phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng sinh ra bất đắc chí. Là tâm lý bình thường của con người thôi mà. 

Bà mẹ hơi hụt hẫng, nhưng cố vớt vát: 

- Mỗi người có lựa chọn riêng, nhưng khi đã gánh trách nhiệm với gia đình, vì vợ con người ta sẵn lòng dẹp bỏ cái tôi để sống, làm việc, ít ra cho một mục đích tích cực là chu toàn nhiệm vụ gia đình. 

Cậu con trai không nói gì vì cậu biết, nếu sa vào tranh cãi sẽ mất toi một ngày đẹp đẽ của hai mẹ con, trong khi mọi chuyện đã qua rồi. Kinh nghiệm từ người lớn sẽ là bài học cho cậu. 

Chỉ là những chuyện nhỏ gia đình trong xã hội. Làm sao để con người tìm được hạnh phúc quả là một cuộc tìm kiếm cam go, có khi đến hết đời không thể. Tại sao bà mẹ này không nghĩ rằng, còn được sống, không bệnh đau, không hoạn nạn, có cơm ăn, áo mặc, con cái học hành là quá may mắn hơn nhiều người rồi?

Như vậy, hạnh phúc là gì? Người vui vẻ sẽ cho rằng, không cần định nghĩa. Vui hôm nay là hạnh phúc, mỗi ngày là một món quà. Biết cách tận hưởng món quà ấy, sống ngày nào cần xác định giá trị ngày đó đã là hạnh phúc!          

Kim Duy 

 

                                                                                                                        

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI