Làm sao không bất an khi phải xa con nhỏ?

06/09/2024 - 18:50

PNO - Trước những vụ bạo hành trẻ em gây rúng động, bà mẹ có con nhỏ thêm bất an khi phải gửi con để đi làm.

Lực lượng chức năng kiểm tra mái ấm Hoa Hồng - Ảnh: C.T.
Lực lượng chức năng kiểm tra mái ấm Hoa Hồng - Ảnh: C.T.

Theo luật, lao động nữ chỉ được nghỉ thai sản trong vòng 6 tháng. Hết thời gian thai sản, nếu gia đình không có người nhà giúp chăm sóc, các bà mẹ phải làm thế nào, gởi con ở đâu để trở lại làm việc là cả một vấn đề không chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình.

Chỉ trong 2 ngày, tin tức chấn động về các vụ việc bạo hành trẻ em tàn độc trong mái ấm Hoa Hồng và một cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật… đã làm nhiều người nghẹt thở.

Trong số 84 trẻ được nuôi dưỡng tại mái ấm Hoa Hồng, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi. Đây cũng chính là những nạn nhân vô tội bị hành hạ, tra tấn trong các clip. Trong đó, có 2 trẻ là con của nhân viên làm việc tại mái ấm. Liệu các cháu có được “an toàn” trong suốt những tháng ngày ấy? Khi sự việc động trời ở mái ấm Hoa Hồng bị phanh phui, trái tim của những người làm cha mẹ, chắc chắn đầy vết xước vì không ngờ mình đã vô tình "giao con cho kẻ ác".

Hiện tại, một số trường mầm non, nhóm trẻ có tổ chức nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, và nhóm 18 - 24 tháng tuổi (gọi là lớp nhà trẻ). Tuy nhiên, tại TPHCM và TP Thủ Đức, số lượng lớp dành cho trẻ 6 tháng tuổi rất hạn chế: trung bình mỗi quận chỉ có 1 - 2 trường có lớp, nhưng số lượng trẻ được gửi vào cũng không nhiều. Một phần vì lứa trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi kỹ năng chăm sóc đặc thù. Một lớp có thể phải cần nhiều giáo viên trông nom, trong khi lượng giáo viên, bảo mẫu mầm non đang thiếu hụt trầm trọng. Để được cấp phép mở lớp, các trường phải đáp ứng đủ chuẩn về cơ sở vật chất và giáo viên có tay nghề. Hiện tượng một số cơ sở tuyển giáo viên, bảo mẫu mầm non không qua trường lớp đào tạo, rầm rộ trên mạng cũng đã dấy lên sự lo ngại của phụ huynh khi gửi con đi trẻ.

Như vậy, để quay lại làm việc, những bà mẹ chỉ còn cách trông cậy vào người nhà như ông bà nội ngoại, người thân gia đình. Số còn lại, chật vật đi tìm những người giữ trẻ tại gia. Những “bảo mẫu” này đều hành nghề một cách tự phát, không giấy phép, không qua bất kỳ trường lớp nào, không có giấy chứng nhận chuyên môn chăm sóc trẻ. May mắn thì có người có chút ít kinh nghiệm chăm bé. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi “rủi ro” cao, là gặp người không có cả tình thương với trẻ!

Trong khi việc chăm sóc trẻ không chỉ cần có tình thương. Người trông trẻ ngoài kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm như ọc sữa, sặc sữa, sặc cháo…, biết dỗ dành khi bé quấy khóc, biết chăm sóc trẻ khi bệnh, khi khó chịu đã đành. Trước khi biết nói, hành động giao tiếp duy nhất của trẻ là... khóc. Nhưng chính sự khóc ấy - không được giải mã đúng, sẽ bị dán nhãn là quấy khóc, là nguồn cơn để những bảo mẫu vốn đang căng thẳng vì vất vả, nặng nhọc dễ “nổi cơn tam bành”.

Bạo hành giáng xuống con trẻ. Hậu quả là trẻ tổn thương nặng về thể chất, dị tật, tàn phế hoặc tử vong, hoặc có thể khiến trẻ sang chấn nặng về sau…

Mấy ngày qua, hình ảnh các bé non nớt (có bé còn chưa đầy tháng) bị các bảo mẫu của mái ấm Hoa Hồng túm cổ quăng quật khiến người xem không thể tránh khỏi ám ảnh. Độc ác hơn là hành vi “đầu độc” các bé bằng cách cho uống siro ho (vốn chỉ được dùng cho trẻ trên 2 tuổi theo chỉ định của bác sĩ) để các bé “ngủ ngon”, không quấy rầy. Cha mẹ nào đang gửi con cho bảo mẫu để đi làm mà không lo sợ hoang mang khi xem những clip này, liệu con mình có rơi vào trường hợp như vậy mà mình không hay?

Đã đành không phải tất cả những bảo mẫu tại gia đều giống nhau. Cứ mỗi một trường hợp trẻ em bị bạo hành, dư luận dậy sóng, cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý. Nhưng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra một cách lén lút, âm thầm, che giấu kín kẽ, ngụy tạo (nhốt trong phòng kín, bạo hành ban đêm, xóa dấu vết hoặc đổ thừa tai nạn bất ngờ với trẻ…).

Điều này nói lên một sự thật đau lòng: đó là sự quản lý vẫn chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với các tổ chức liên quan tới trẻ em. Cái ác và những gì tiếp tay cho cái ác đang tàn phá lòng tin của con người!

Tôi biết không ít bà mẹ đành chấp nhận nghỉ việc hoặc chuyển sang làm bán thời gian, giảm thu nhập để có thể tự tay chăm sóc con vì không tìm được người giữ trẻ đáng tin cậy. Sự hy sinh này có thể khiến họ trở nên thụt lùi, mất cân bằng, thậm chí rơi vào tình trạng “ì” khi con lớn và họ đi làm trở lại. Đây là một thiệt thòi lớn của phụ nữ mà không phải ai cũng hiểu!

Làm sao để gửi con được an toàn? Làm sao để cha mẹ không còn bất an khi phải xa con nhỏ?

Đó là câu hỏi còn chưa có lời đáp.

Trà An (TP Thủ Đức, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI