Làm sao giúp trẻ “cai nghiện” túi mù?

26/04/2025 - 07:17

PNO - Hãy đặt ra giới hạn chi tiêu hợp lý, khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời và dành thời gian trò chuyện để giúp trẻ quên đi trò chơi xé túi mù.

Con gái 6 tuổi của tôi bị ám ảnh bởi trò chơi xé túi mù. Mỗi lần không xé ra được món đồ chơi yêu thích thì cháu cứ tiếc nuối mãi, tới mức đang ngủ cũng khóc thét lên. Phản ứng của bé khiến gia đình tôi lo lắng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Xin bác sĩ cho lời khuyên, làm cách nào để giúp cháu “cai nghiện” túi mù?

Nguyễn Thị Hảo (TP Thủ Đức, TPHCM)

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trả lời: Sự thất vọng và bực dọc khi không có được món đồ chơi mong muốn từ túi mù có thể khiến trẻ ám ảnh, dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Trẻ lệ thuộc vào trò chơi xé túi mù dễ gây rối loạn giấc ngủ, cáu kỉnh - Ảnh Freepik)
Trẻ lệ thuộc vào trò chơi xé túi mù dễ gây rối loạn giấc ngủ, cáu kỉnh - Ảnh Freepik

Tình trạng thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu giấc sẽ gây ra những hệ lụy xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Không chỉ vậy, việc học tập của trẻ cũng bị giảm sút do mất tập trung, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai.

Trẻ cũng có thể nảy sinh tính ganh đua không lành mạnh, luôn khao khát có được món đồ yêu thích trong túi mù. Đây là dấu hiệu của rối loạn thích ứng, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách sau này.

Để giúp trẻ loại bỏ thói quen này, cha mẹ cần giải thích rằng không phải lúc nào điều ước muốn cũng thành hiện thực. Cha mẹ chỉ nên đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, tránh nuông chiều mọi đòi hỏi của con. Việc đáp ứng vô điều kiện có thể dẫn đến những vấn đề phức tạp khi nhu cầu của trẻ vượt quá khả năng tài chính của gia đình.

Hãy đặt ra giới hạn chi tiêu hợp lý, chỉ cho trẻ một khoản tiền vừa đủ để mua những thứ cần thiết. Đồng thời, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi ngoài trời vào cuối tuần và dành thời gian trò chuyện, tâm sự để giúp trẻ quên đi trò chơi xé túi mù.

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI