Làm sao giữ được mùa trăng ấy?

28/09/2020 - 16:58

PNO - Đêm Trung thu xưa, tiếng trẻ con vang vọng trên khắp con đường quê. Đứa đẩy xe lon, đứa cầm đèn lồng, rồi ca hát, hò reo… như thể cả thế giới này là của riêng chúng.

Những ngày này, khi cánh đồng lúa vàng ươm được gặt trơ gốc rạ, những hạt lúa múp mẩy được đổ đầy bồ, cũng là lúc đám trẻ con miền Tây quê tôi háo hức hơn thảy. Chúng chờ từng ngày để mặt trăng từ lưỡi liềm cong vút “biến hình” thành chiếc mâm vàng rực rỡ giữa nền trời đêm huyền diệu. 

Khái niệm tết đoàn viên, rằm tháng Tám xa lạ lắm. Với bọn nhóc chúng tôi, chỉ cần biết đây là những ngày dành cho mình, với những niềm vui bất tận. Ánh sáng vàng vọt tỏa ra từ những chiếc đèn lon, kèm theo âm thanh vui tai của chúng mang đến sinh khí trên những con đường quê tối om, tĩnh mịch.

Với trẻ con miền quê ngày trước, đây là một loại đèn Trung thu phổ biến. Chúng gồm hai chiếc lon được nối với nhau qua một trục quay, trong đó một lon được dùng làm bánh xe đẩy, nối với một nhánh cây dài, thẳng để cầm. Còn một chiếc sẽ được biến thành đèn bằng cách đục nhiều lỗ nhỏ theo hình dạng tùy thích để ánh sáng thoát ra ngoài, bên trong có chỗ để gắn đèn cầy. 

Ngày đó, lon thiếc rất ít nên đứa nào cũng phải chạy ngược chạy xuôi tìm xin của hàng xóm. Đứa nào không may chỉ kiếm được một lon, thì phần bánh xe được biến tấu bằng những vật dụng có dạng tròn (nắp keo, đế dép bỏ đi được cắt tròn…) để có thể đẩy lon di chuyển.

Hoặc sang hơn, lũ trẻ sẽ được chơi đèn lồng giấy kiếng. Có nhà sẽ mua giấy, nhà chịu trách nhiệm vuốt nan tre, còn nhà thì hùn đèn cầy… Những chiếc đèn ông sao được dán giấy kiếng đỏ với đầy đủ kích thước, xung quanh trang trí thêm ít dây kim tuyến màu, thật bắt mắt. 

Những chiếc đèn tự chế lung linh trong ký ức. Ảnh: Internet
Những chiếc đèn tự chế lung linh trong ký ức. Ảnh: Internet

Đứa nào cũng háo hức chờ một “siêu phẩm” ra đời dẫu so với những chiếc đèn được treo bán ngoài chợ, có hình thù đa dạng như con bướm, hoa sen, cá chép, trang trí rực rỡ… Nhưng đó là cả một thế giới nhiệm mầu, mà sau này không ai có thể tìm lại.

Những chiếc đèn được treo cao trước nhà hoặc bên hiên nhà, cứ tối đến lại được thắp lên trông rất vui mắt. Trẻ con cũng sẽ quần tụ quanh nhà một ai đó, cùng đẩy xe lon hoặc chơi mấy trò con nít: banh đũa, thảy đá… lặp đi lặp lại nhưng dường như chúng chưa bao giờ biết chán. 

Bánh pía là món ăn trung thu xưa của quê tôi. Ảnh: Nguyễn Thành Lâm
Bánh pía là món ăn trung thu xưa của quê tôi. Ảnh: Nguyễn Thành Lâm

Với những nhà đông con, đèn lồng trở thành một thứ xa xỉ. Thế là chúng cắt bẹ chuối làm thuyền, gắn đèn thả trên sông. Gọi là thuyền cho sang chứ chỉ đơn giản, phía dưới sẽ là một bẹ chuối dài, to, bên trên có 4 miếng bẹ nhỏ hơn gắn vào nhau để tránh cho đèn bị gió thổi tắt. Đèn cầy cũng được chế lại từ vụn sáp xin từ ngôi chùa gần nhà kèm theo một ít dây tim mà sư ông dành tặng cả đám. 

Mùa Trung thu năm đó, lũ nhỏ cùng nhau chèo xuồng dưới con rạch, cúp điện tối om, ánh sáng từ những con thuyền trở nên lung linh, tuyệt diệu hơn bao giờ hết. Có lúc, chúng ngỡ mình như những họa sĩ đang điểm tô lên nền đen một thứ gam vàng rực rỡ.

Đêm Trung thu, tiếng trẻ con vang vọng trên khắp con đường quê. Đứa đẩy xe lon, đứa cầm đèn lồng, rồi ca hát, hò reo… như thể cả thế giới này là của riêng chúng. 

Lồng đen lon chúng tôi tự làm khác hẳn lồng đèn công nghiệp bây giờ. Ảnh: Internet
Lồng đèn đục lỗ lon sữa bò chúng tôi tự làm, khác hẳn lồng đèn công nghiệp bây giờ. Ảnh: Internet

Ngày đó, bánh Trung thu cũng hiếm nên đa số phá cỗ với bánh pía, một loại bánh cũng có nhân đậu xanh, trứng muối nhưng vỏ bánh xốp, mềm hơn. Nhà nào cầu kỳ sẽ có thêm đĩa trái cây, nồi chè đậu trắng béo ngậy nước cốt dừa, một món quen thuộc của người miền Tây trong những dịp cúng rằm. 

Họ ngồi trước sân, cùng trò chuyện về vụ mùa đã qua, chuẩn bị cho những ngày nước tràn đồng sắp tới và đôi khi ngân nga một vài bài vọng cổ quen thuộc dưới ánh trăng vàng, lẫn vào mùi của cây lá, và tiếng gió kêu xào xạc.

Gần chục năm sống ở Sài Gòn, tôi mới có dịp đón Trung thu với gia đình vào mùa trăng năm trước. Trăng rằm tháng Tám vẫn sáng và tròn vành vạnh nhưng cảnh tượng rước đèn, tiếng trẻ con cười nói năm nào đã không còn. Bên kia sông, nơi đầy những đứa trẻ lên năm vẫn chơi lồng đèn, nhà nhà vẫn ăn bánh Trung thu, nhưng nhà nào biết nhà nấy.

Làm sao trở lại trung thu xưa... Ảnh: Nguyễn Thành Lâm
Làm sao trở lại trung thu xưa... Ảnh: Nguyễn Thành Lâm

Tôi chờ đợi trăng tròn, từ lúc còn mờ mờ nơi rặng tre cho đến khi thật tỏ vươn lên giữa bầu trời, cắt vội mấy vỏ lon bia, rồi nhẹ nhàng uốn thành chiếc đèn lồng nhỏ xinh treo nơi cổng ra vào, như một chiếc vé đi về tuổi thơ.

Thành Lâm
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI