Làm sao để vợ tôi chịu “ở nhà chồng nuôi”?

13/12/2021 - 19:00

PNO - Khi đã về cùng một nhà, nhiều ông chồng lại chỉ muốn vợ an phận lo việc nhà, chẳng cần quan tâm đến tiền bạc, công việc.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi cưới vợ năm 48 tuổi, khi đó nàng chưa đầy 30. Bản thân tôi cũng có chút ít tài sản, chút ít quyền chức, có lẽ vậy nên nàng mới “đổ” chỉ sau mấy tháng hẹn hò.

Chúng tôi có một con trai năm nay lên bốn. Từ khi kết hôn, tôi thấy vợ mình già đi rất nhanh, không chịu chăm sóc bản thân mà chỉ tập trung vào việc quản lý tài sản, chuyện làm ăn của tôi.

Ban đầu, tôi cũng mừng vì vợ chịu khó, ham học hỏi, nhưng càng ngày tôi càng thấy cô ấy can thiệp quá đà vào công việc của mình.

Cô ấy bắt đầu có ý kiến về việc chúng tôi nên đầu tư chỗ này hay chỗ khác, thậm chí đánh giá các đối tác làm ăn của tôi. Vợ tôi khá áp đặt và hay cảm tính trong công việc. Nếu tôi không nghe thì cô ấy giận, cho rằng tôi không tôn trọng, không khí gia đình trở nên nặng nề.

Thú thật là đến bây giờ tôi thấy lấy vợ trẻ cũng có nhiều điều phiền toái, nhất là như vợ tôi với vốn sống, kinh nghiệm làm ăn quá non nớt. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tới chuyện ly hôn vì đã từng trải qua một lần, đến giờ vẫn còn rất mệt mỏi về cuộc hôn nhân trước.

Tôi muốn vợ mình chỉ ở nhà nuôi con, quán xuyến nhà cửa. Việc nhà đã có người làm, cô ấy chỉ cần lo làm đẹp để đừng quá xuống sắc so với tuổi.

Tôi nên làm thế nào để vợ tôi chịu ở yên cho chồng nuôi?

Hoàn Phong (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Anh Hoàn Phong thân mến, 

Đối với người đàn ông đã dày dạn chuyện thương trường, chính trường, những ý kiến của phụ nữ thường chỉ được coi như hoa lá trang trí cho vui, nhất là khi người đó là vợ mình, lại thua xa mình về tuổi tác lẫn kinh nghiệm.

Có một nghịch lý là trong giai đoạn yêu đương tán tỉnh, đàn ông thích chia sẻ, thích có người đẹp lắng nghe, ngưỡng mộ, đồng điệu. Thế nhưng, khi đã về cùng một nhà, nhiều ông chồng lại chỉ muốn vợ an phận lo việc nhà, chẳng cần quan tâm đến tiền bạc, công việc.

Phải chăng trong đó cũng tiềm ẩn mối lo rằng nếu hiền thê nắm giữ hầu bao, mình sẽ không còn được tự do trong mọi chuyện? 

Hãy thử đặt mình vào vị trí của vợ, anh sẽ thấy đó là những nỗ lực của cô ấy để hiểu chồng, hiểu được giá trị lao động của chồng để ngưỡng mộ, chia sẻ cùng chồng. Việc “ở nhà chồng nuôi” còn tùy thuộc tính cách từng người. Tuy vậy, không phải lúc nào quá trình “chồng nuôi” cũng cho ra kết quả như người chồng mong đợi.

Có nhiều trường hợp, sự nhàn rỗi, cuộc sống thiếu ý nghĩa lại gây tác động tiêu cực, kiểu “nhàn cư vi bất thiện”. Lúc đó, liệu anh có can đảm nhận đó là lỗi của mình? 

Anh nên tìm một công việc, xây dựng một thương vụ vừa sức cho vợ làm, để cô ấy có thể học hỏi và trưởng thành dưới sự dìu dắt của chồng. Cách làm này vừa đáp ứng được tính ham học hỏi của vợ anh vừa giúp phụ nữ tiến bộ.

Cô ấy còn trẻ, còn nhiều khả năng phát triển. Giữ cô ấy quanh quẩn trong nhà chỉ làm cô ấy cùn mòn đi, rồi sẽ đến lúc anh chán vợ. Có công việc, có giao tiếp xã hội, cô ấy sẽ tự ý thức chăm sóc bản thân nhiều hơn để giữ gìn ngoại hình, hạnh phúc.

Chúc anh thành công. 

Hạnh Dung

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Phương Đào (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Phụ nữ cũng có khát khao khẳng định bản thân

Tôi cũng từng có những ngày tháng như vợ anh. Khi đó, khát khao chứng tỏ bản thân trong tôi rất lớn vì tôi bị quá nhiều người tác động.

Bạn bè nói tôi dại khi không có mặt ở công ty của chồng để “thị uy”. Gia đình nói tôi phải tham gia điều hành để nhà chồng biết mình có đóng góp. Tôi cũng nghĩ mình phải tham gia để san sẻ gánh nặng với chồng…

Vậy nhưng, mọi thứ trở nên rối rắm từ khi tôi bước chân vào công ty. Đó là khoảng thời gian vợ chồng lục đục suốt. Có hôm, bắt gặp tôi ngồi khóc ở hành lang công ty, anh quản đốc sản xuất thẳng thắn nói: “Chị không nghĩ cho anh ấy sao? Tôi thực sự thấy ngại cho anh…”.

Tối đó, nhìn lại mình, tôi cảm thấy quá mỏi mệt, hệt như vợ của anh hiện tại: già nua, xuống sắc. Từ hôm ấy, tôi quyết định ở nhà nội trợ.

Có lẽ bởi tôi quá háo thắng trong khi lại thiếu kinh nghiệm nên vợ chồng tôi khó mà làm việc cùng nhau. Có lẽ vợ anh cần một sự tỉnh ngộ cũng như tôi ngày ấy.

Anh có thể thử đề nghị chị làm một công việc vừa sức, miêu tả công việc rõ ràng và trả lương cho chị như mọi người. Mọi chuyện từ từ tính tiếp. 

Chu Hoài (Q.5, TP.HCM): Nên để cô ấy làm việc 

Vợ chồng tôi hiện đang làm chung công ty của gia đình và mọi thứ vẫn ổn. Tôi hỏi thật, mong anh đừng phiền: “Có phải anh đang lo lắng về chuyện tài sản của mình?”. Đôi khi nguồn cơn mọi thứ cũng từ trong lòng anh mà ra.

Có thể vợ anh đã nhìn thấy điều gì đó nên mới có những toan tính riêng, để lỡ có việc không hay thì cô ấy vẫn còn một ít chứ không đến nỗi trắng tay. Cũng có thể cô ấy làm như thế để… canh chừng tiền bạc cho gia đình, tránh thất thoát. Anh hãy cho vợ tham gia công ty và làm việc.

Anh biết năng lực vợ mình thế nào thì giao cho cô ấy việc phù hợp. Đó cũng là cách để vợ anh khẳng định bản thân trước chồng.

Như chuyện nhà tôi chẳng hạn: Ban đầu, tôi nhờ chồng làm tài xế riêng rồi đến thủ kho, quản lý xưởng sản xuất, phụ trách mua vật tư… Theo thời gian, anh quen việc và giỏi lúc nào không hay. Dần dần, chồng tôi thấy mọi thứ hợp lý hơn và chúng tôi hòa thuận hơn.

Mong anh tìm được giải pháp phù hợp.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI