Làm sao để thay món đồ chơi “ghiền” của trẻ tự kỷ?

07/07/2023 - 06:42

PNO - Phụ huynh phải thật kiên nhẫn, giám sát để trẻ không thực hiện những hành động nguy hiểm với bản thân.

 

* Khi con tôi lên 4 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cháu bị tự kỷ. Từ đó, tôi nuôi dạy con theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Con tôi có sự phát triển nhất định, có thể thực hiện một số kỹ năng cơ bản, hiểu được một số từ ngữ. Cháu rất thích chơi một con thú nhồi bông, do lâu ngày món đồ chơi này đã cũ, đến lúc phải thay mới. Nhưng mỗi lần tôi mang gấu bông đi, cháu đều giận dữ, tự cào cấu mình. Tôi phải làm sao để cháu nghe lời mình?

Nguyễn Thị Thu Hằng (quận 8, TPHCM)

Bác sĩ Trần Quang Huy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - trả lời: Rối loạn phổ tự kỷ có 3 dạng chính: rối loạn phổ tự kỷ điển hình, rối loạn phổ tự kỷ không điển hình và hội chứng Asperger. Ngoài ra, rối loạn phổ tự kỷ thường đi kèm với các rối loạn khác như rối loạn tăng động hoặc rối loạn chậm phát triển tâm thần. Phụ huynh phải thật kiên nhẫn, giám sát để trẻ không thực hiện những hành động nguy hiểm với bản thân. Đặc biệt, hãy luôn luôn ngọt ngào với con.

Trẻ tự kỷ thường chỉ tập trung vào một vài thứ cố định. Vì vậy, dễ hiểu khi con có món đồ chơi “ghiền”. Tức là trẻ chỉ thích chơi những món đồ chơi này và không muốn thay đổi. Thế nên, nếu chị muốn dùng món đồ chơi khác để thay thế sẽ rất khó. 

Ban đầu, chị có thể tiếp cận con, kiên trì chơi chung với con xoay quanh món đồ chơi “ghiền” của bé. Trong lúc chơi, cha mẹ có thể bắt đầu ở món đồ chơi này, từ từ cho trẻ làm quen với một món đồ chơi mới. Vừa chơi chung, vừa giải thích, hướng dẫn chi tiết, nhiều lần về cách sử dụng món đồ chơi mới cho con làm quen, thích nghi. Khi trẻ chấp nhận, mới nghĩ đến việc thay thế.

Trường hợp trẻ mắc rối loạn tự kỷ, đang được can thiệp ở trung tâm, chị nên trao đổi, liên lạc thường xuyên với giáo viên để có thể đánh giá sự phát triển, đồng thuận thay đồ chơi ở con. 

An Khuê (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI