Những dấu ấn khó quên
Ở Liên hoan sân khấu (SK) kịch nói 2012 diễn ra tại Huế, SK kịch TPHCM gây bất ngờ với đồng nghiệp toàn quốc qua sự xuất hiện của một lứa nghệ sĩ trẻ. Đa phần đều vừa tốt nghiệp Trường đại học SK - Điện ảnh TPHCM, lần đầu tham gia liên hoan. Ê kíp trẻ của vở Đời Như Ý (SK Thế Giới Trẻ) đã chinh phục tất cả những người có mặt ở buổi thi. Ngay sau khi vở diễn kết thúc, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Khanh đã vào hậu trường chúc mừng. Chị nói, chị rất bất ngờ với một ê kíp còn rất trẻ nhưng đầy lửa đam mê, nhiệt huyết và tài năng. Tác phẩm được trao 2 giải cá nhân: Tác giả trẻ xuất sắc nhất (Bùi Quốc Bảo) và Diễn viên nam trẻ xuất sắc nhất (diễn viên Quang Tuấn).
3 năm sau, lớp nghệ sĩ trẻ của SK kịch nói TPHCM đã làm nên chuyện ở Liên hoan SK kịch nói 2015 (diễn ra tại Thanh Hóa). Vở Cõng mẹ đi chơi (SK Thế Giới Trẻ) của tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo đã vinh dự nhận chiếc huy chương Vàng đầy thuyết phục. Một “tân binh” khác là nhóm Buffalo đoạt giải Bạc với vở Vũ nữ (tác giả, đạo diễn: Nguyễn Khắc Duy). Nhiều diễn viên trẻ cũng được gọi tên ở liên hoan như: La Thành, Khả Như, Diễm Phương, Hoàng Quân, Puka…
|
Vở Chicago của nhóm Buffalo từng được xem như làn gió mới của sân khấu kịch TPHCM |
Thành công của Buffalo và SK Thế Giới Trẻ không quá bất ngờ. Buffalo từng gây tiếng vang với khán giả, đồng nghiệp TPHCM trong lần ra mắt ở Liên hoan tài năng đạo diễn SK toàn quốc 2013 (tổ chức tại TPHCM). Vở nhạc kịch Chicago với ê kíp sáng tạo đều thuộc thế hệ 9X ở thời điểm đó được xem như làn gió mới của SK kịch thành phố. Dù được làm lại từ vở nhạc kịch rất nổi tiếng của Mỹ nhưng nhiều người đã xem Chicago đều nhận xét: “Biên tập và dàn dựng một tác phẩm của SK Broadway trên SK thu nhỏ và điều kiện hạn chế là điều không đơn giản”.
Thành công của Chicago khi đó còn nhờ những diễn viên giỏi về diễn xuất lẫn khả năng ca hát, nhảy múa: Nhã Uyên, Diễm Phương, Khả Như, Hoàng Quân… Đáng nể hơn, ê kíp Buffalo còn tự viết kịch bản, dàn dựng, tổ chức biểu diễn... Sau Chicago là High school musical, Tuyết Sài Gòn, Vũ nữ, Tấm Cám, Thủy tinh - Đứa con thứ 101… Dù chưa phải là những tác phẩm xuất sắc, mỗi vở diễn đều thể hiện sức sáng tạo không ngừng và niềm đam mê khám phá những điều mới lạ của người trẻ.
SK Thế Giới Trẻ cũng là nơi tỏa sáng của nhiều gương mặt trẻ: Diệu Nhi, Puka, Hoàng Phi, Quang Tuấn, La Thành, Phương Lan… Không chỉ giỏi nghề, diễn xuất đa dạng, lứa diễn viên này còn rất nhanh nhạy trong tương tác, thích nghi với nhu cầu thưởng thức của khán giả để mang lại hiệu quả cao nhất trong từng suất diễn.
Ở các SK kịch khác cũng xuất hiện một số gương mặt trẻ, được đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ kế thừa, gìn giữ “thương hiệu” cho kịch nói thành phố như Hoàng Vân Anh, Quốc Thịnh, Khánh Vân (SK Hoàng Thái Thanh), Phạm Yến, Xuân Nghị, Lê Lộc (SK Hồng Vân), Quỳnh Trâm, Đông Hải, Thanh Trung (SK Idecaf)…
Ở lĩnh vực tác giả, đạo diễn, bên cạnh Bùi Quốc Bảo - cái tên nổi bật với nhiều vở được đánh giá cao ở hầu hết các SK kịch, còn có Phan Nhật Phi Long. Gây chú ý qua vở diễn đầu tay - Xin một cái tên - với thủ pháp dàn dựng hấp dẫn, mới mẻ, cách khai thác đề tài táo bạo và đậm hơi thở cuộc sống, Phi Long là 1 trong 2 đạo diễn được trao giải Vàng tại Liên hoan tài năng đạo diễn SK toàn quốc 2013.
Tiếc rằng, lứa nghệ sĩ này đã rơi rụng dần vì nhiều lý do khác nhau. Có người ngưng hoạt động SK, có người không thường xuyên gắn bó và cũng không còn những vai diễn, tác phẩm ấn tượng.
Vẫn mong chờ một thế hệ mới
Mùa kịch tết Giáp Thìn đầy sôi động với hàng chục vở diễn vừa khép lại. Tuy nhiên, khó có thể tìm được vai diễn nào thực sự xuất sắc, cho khán giả kỳ vọng về một nghệ sĩ sẽ tỏa sáng trong tương lai. Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “Thế hệ trẻ hôm nay không thiếu tài năng, nhưng cơ hội để các em phát huy tài năng, sự sáng tạo để khẳng định tên tuổi lại không nhiều. Đa phần các vở diễn gần đây đơn thuần chỉ mang tính giải trí. Một số tác phẩm yêu cầu sự sáng tạo, bứt phá của diễn viên thì các đơn vị sản xuất lại chưa mạnh dạn giao vai cho lớp trẻ. Kịch bản là chất liệu đầu tiên và quan trọng giúp diễn viên có thể thể hiện tài năng và tỏa sáng. Nhưng SK vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng những kịch bản hay”.
|
Sân khấu Thế Giới Trẻ là nơi nhiều gương mặt mới có cơ hội tỏa sáng |
Sự thiếu tập trung cho SK của người làm nghề; SK xã hội hóa với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”…, phải dựng những vở giải trí nhẹ nhàng để có thể nhanh chóng thu hồi vốn, tái đầu tư… đã được nói đi nói lại rất nhiều lần khi bàn về SK kịch nói, trong những kỳ đại hội SK… Nhưng mọi chuyện vẫn vậy.
Quỹ hỗ trợ tài năng cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có SK, là điều đã được ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc công ty nghệ thuật và biểu diễn Thái Dương - nhắc đến từ khi nhóm Buffalo đứng trước nguy cơ tan rã. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng cho biết, thành phố sẽ thành lập một số quỹ hỗ trợ phát triển về văn học nghệ thuật. Đây là tin vui với những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi quỹ hỗ trợ và những chính sách cụ thể, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “Cần có chính sách đầu tư hợp lý để Hội SK TPHCM có kế hoạch phát triển cụ thể hơn cho Nhà hát kịch SK Nhỏ. Nhà hát này cần giữ phong cách riêng và mang nhiều tính thử nghiệm để tìm ra những tài năng mới, những sáng tạo mang tính đột phá cho SK TPHCM”.
SK đã “để vuột” một lứa nghệ sĩ tài năng, từng được kỳ vọng sẽ vẽ lại diện mạo mới cho SK kịch TPHCM. Những tên tuổi từng được xem như nhân tố mới vẫn hiện diện ở các lĩnh vực nghệ thuật khác và cả ở SK kịch. Nhưng khi nhắc về họ, chỉ còn là những hoài niệm. Gần như không một ai tiếp tục tạo được dấu ấn mới cho mình ở lĩnh vực kịch nói. |
Quan điểm của NSND Trần Minh Ngọc nhận được sự đồng tình của nhiều người làm SK. Tiền thân của nhà hát là SK kịch thể nghiệm 5B, nơi định hình phong cách mới cho SK kịch TPHCM. Đây cũng là chiếc nôi nuôi dưỡng nhiều tài năng của SK kịch thành phố: NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Châu, NSƯT Thanh Hoàng, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Ái Như, Thanh Thủy… Nhưng từ nhiều năm nay, nhà hát vẫn phải duy trì hoạt động dựa vào nỗ lực của 1 cá nhân và câu chuyện “bà bầu” - NSND Mỹ Uyên phải bán nhà để giữ cho nhà hát sáng đèn vẫn làm nhiều người băn khoăn.
Nhà hát kịch TPHCM cũng là nơi được gửi gắm nhiều kỳ vọng có thể giữ “màu cờ sắc áo” cho SK kịch thành phố. Nhiều thập niên trước, đoàn kịch nói Cửu Long Giang, tiền thân của nhà hát kịch TPHCM đã làm rất tốt công tác đào tạo tài năng. Bên cạnh những tên tuổi thành danh từ đoàn kịch Cửu Long Giang như NSND Đàm Loan, NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Tấn Thi, Tấn Thành…, đoàn còn đào tạo được một lớp kế thừa: Hoàng Trinh, Hương Giang, Minh Trí, Mai Hoa…
Đang được thành phố đầu tư từ nguồn ngân sách, nhiều người làm nghề khi được hỏi đều có chung suy nghĩ: Nhà hát kịch TPHCM có khá nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ nghệ sĩ trẻ thuộc tất cả các thành phần sáng tạo. NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: “Ở các đơn vị nghệ thuật công lập, hiện vẫn còn không ít khó khăn do những vướng mắc về quy định, cơ chế… Nhưng nếu người làm công tác quản lý năng động và quyết tâm, vẫn sẽ có rất nhiều cách làm để hỗ trợ các tài năng trẻ hoặc góp sức đưa những tác phẩm mang nhiều dấu ấn sáng tạo của các cá nhân, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đến với công chúng”.
Thảo Nguyên - Hoa Nguyễn