Làm sao để mẹ không còn thù hận ba, và cho chúng tôi chăm sóc tuổi già của ông?

29/04/2023 - 11:59

PNO - Dù mẹ có thể cố chấp đến mức nào đi chăng nữa, thì các em cũng hãy thực hiện những điều mà mình thấy đúng.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Ba mẹ em ly hôn từ khi em còn đang học phổ thông, đến nay đã gần 15 năm. Ba em sau ly hôn về lại quê nhà ở một tỉnh miền Trung, mẹ thì ở Sài Gòn với tụi em.

Là con, tụi em không dám phán xét ai sai, ai đúng. Nhưng dù mẹ có nói về ba tệ thế nào thì em cũng vẫn thương ba. Ba về đó sống thui thủi một mình trong căn nhà của nội. Ông cô đơn và buồn. Ông cũng tiếc vì đã để mất gia đình.

Mẹ em thì khác. Bà luôn hả hê rằng đã ly dị được ba em và giành được tụi em. Từ nhỏ, bà đã cấm tụi em nhắc về ba. Hễ tụi em nói về ba hay tỏ ý nhớ ba là mẹ vật vã, khóc lóc, lên cơn đau tim. Bà nói tụi em phản bội bà.

Khi nhỏ, vì sợ mẹ, nên tụi em phải làm theo ý mẹ. Giờ lớn rồi, tụi em thấy thương ba. Nhiều khi muốn về thăm ba cũng phải lén mẹ , nói là đi công tác, đi du lịch. Nhưng mẹ tinh lắm, mẹ luôn dò hỏi, gọi điện kiểm tra... xem tụi em có về thăm ba, có cho ba tiền hay không.

Gần đây ba em yếu nhiều và buồn nhiều. Tụi em thấy thương ba lắm. Nhất là khi ba đã làm di chúc căn nhà chia cho chị em em, không phải vì giá trị căn nhà, mà vì những hành động của ba luôn chứng tỏ là ông ân hận và thấy có lỗi với tụi em.

Tụi em không biết làm sao để thuyết phục mẹ tha thứ cho ba, và cho phép tụi em được thăm ông, chăm ông, hay ít nhất là đưa ông vào Sài Gòn khám, chữa bệnh. Làm sao để mẹ em hết thù hận ba em? Làm con, phải đứng giữa ba và mẹ thật là khổ tâm chị ạ.

My Ngoan

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em My Ngoan thân mến,

Thật may mắn là các em dù được nuôi dưỡng lớn lên trong lòng thù hận của mẹ dành cho ba, nhưng vẫn không bị ảnh hưởng và trói buộc tinh thần trong sự thù hận đó, như nhiều đứa trẻ khác. Vả có lẽ, những vết thương tâm lý tưởng chừng có thể trở nên độc hại với tâm hồn các em, đã được chữa lành bằng thái độ nhường nhịn, ân hận, thương yêu của người cha.

Dù rằng có thể ba em có lỗi gì đó với mẹ em, thì phận làm con của chúng ta, bỏ qua mọi phán xét, vẫn luôn cần và nên giữ chữ hiếu, chăm sóc, lo lắng cho ba mẹ lúc họ về già. Huống hồ, nếu như ba có lỗi gì đi chăng nữa, thì cuối cùng ông cũng đã chuộc được cái lỗi đó với gia đình, với vợ con bằng sự ăn năn, hối tiếc, và bằng thái độ sống đúng mực của mình trong suốt thời gian sau này.

Lúc này ông đã ở vào tuổi già, đau ốm, bệnh tật, là lúc ông cần đến các em nhất. Các em là người thân duy nhất của ông, là những người phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc ông. Điều đó không phải chỉ vì ông đâu, mà còn vì chính các em. Nó sẽ giúp cho các em có được cái hạnh phúc của phận làm con, và cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến cách sống của một thế hệ nữa: thế hệ các con em.

Điều mà Hạnh Dung nói với các em trên đây, không phải là nói với chính các em, mà là điều Hạnh Dung nghĩ các em nên nói với mẹ, một cách thẳng thắn và cương quyết. Đừng tránh né, giấu diếm hay nương chiều theo ý mẹ một cách thái quá, để rồi vì một chữ hiếu mà phản bội một chữ hiếu.

Có thể ba em từng làm điều gì đó khiến mẹ em tổn thương đến mức không thể bỏ qua được. Nhưng sự hận thù của mẹ đã khiến vết thương lòng của bà không lành được. Thái độ chấp nhận và "nuông chiều" ý muốn của bà của các em cũng góp phần khiến bà không thể bước ra khỏi câu chuyện quá khứ đó.

Hãy giúp mẹ theo một cách khác với cách các em đã làm bao năm nay: giúp bà nhìn nhận sự hối hận, trả giá của ba em và tha thứ cho ông. Sự cương quyết của các em sẽ giúp bà nhìn lại cảm xúc của mình, và tự chữa lành cho mình, nếu như bà có thể hiểu ra và tha thứ. Hãy giúp bà hiểu được rằng các em phải thực hiện nghĩa vụ của mình, vả điều đó cũng mang đến sự thanh thản, nhẹ lòng cho các em.

Dù gì đi chăng nữa, dù mẹ có thể cố chấp đến mức nào đi chăng nữa, thì các em cũng hãy thực hiện những điều mà mình thấy đúng, vì chỉ khi các em tự tin và cương quyết vào những gì mình làm, thì đó chính là một cách thuyết phục mạnh mẽ nhất về sự đúng đắn của nó, và khi đó người khác mới có thể hiểu được đó là điều đúng!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 30-04-2023 08:14:23

    Dù Cha có thế nào thì mình nghĩ ông ấy chỉ có lỗi với Mẹ mà thôi. Và ông đã trả giá bằng cách bao năm sống cô đơn không có vợ con bên cạnh. Hãy giải thích, thuyết phục và cuối cùng cương quyết bảo vệ ý định của mình. Đừng chần chờ để đến khi Cha mất, bạn sẽ ân hận không kịp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI