Làm sao để lì xì không là nỗi ám ảnh?

09/02/2015 - 07:32

PNO - PN - Nghe mọi người bàn chuyện đổi tiền mới để lì xì trong mấy ngày Tết, chợt nhớ mình cũng cần chuẩn bị cho khoản lì xì đầu năm dù tự bao giờ, nhắc tới vụ lì xì, tôi chỉ thấy ngán ngẩm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Có năm, đến nhà bạn chơi, ngồi trong nhà nghe bé con của bạn (vừa nhận lì xì của tôi xong) "than" với bạn nó ngoài sân: "Sáng giờ mới được có nhiêu đây, chán quá".

Tôi với bạn cùng cười xoà, quả thật, cả hai đều bất ngờ trước câu nói vô tư của con trẻ.

Lam sao de li xi khong la noi am anh?

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Lần khác, vừa lì xì cho con của một người quen xong, thằng bé mở ngay phong bao lấy tiền cất vào chiếc ví nhỏ đang để sẵn trong túi rồi đếm lại tất cả số tiền lì xì đang có trong ví, hình ảnh chiếc phong bao rỗng bị vét ngay trước mặt khiến trong tôi cứ lợn cợn một cảm giác gì đó.

Vậy đó, nhưng không phải người lớn nào cũng biết dạy con cách "ứng xử" với tiền lì xì cũng như với người lì xì. Thay vì quan tâm đến việc bỏ bao nhiêu tiền vào bao lì xì, người trao nên gửi kèm những lời chúc, những lời dặn dò mang tính giáo dục, ý nghĩa.

Bố mẹ cũng cần dạy con mình cách nhận lì xì sao cho lịch sự để hướng trẻ vào ý nghĩa văn hoá, tinh thần của việc lì xì thay vì quan tâm đến độ "dày hay nặng" của chiếc phong bao.

Nhận tiền lì xì là một chuyện, trẻ sử dụng tiền lì xì như thế nào lại là chuyện khác. Thế mới nói quanh mỗi vụ lì xì thôi cũng có nhiều điều để nói. Có lần, đến thăm nhà cô bạn sau Tết, thấy bé con của bạn đang học lớp hai khóc tấm tức, tôi hỏi thì bé ấm ức bảo bị mẹ "tịch thu" hết tiền lì xì dù bạn tôi đã giải thích là bạn chỉ "giữ dùm", con cần mua gì bạn sẽ dùng tiền đó mua cho con.

Chị tôi thì cho phép con mình giữ tiền để rồi bực bội khi thằng bé chỉ nằng nặc đòi dùng số tiền đó để mua mấy thứ đồ chơi vô bổ.

Chuyện lì xì đôi khi làm người lớn khốn khổ. Có năm, anh bạn đồng nghiệp đi lì xì mọi người sau Tết, chủ yếu cho vui. Mở bao lì xì, có người phát hiện một cô trong nhóm được nhiều hơn những người còn lại dù số tiền chẳng là bao, thế là cả nhóm nhao nhao so bì, có người nháy nhau ngụ ý chắc anh kia "gì gì" với cô này mới lì xì đặc biệt vậy.

Cô em họ tôi thì khổ kiểu khác. Em nghèo nên Tết đến chỉ biết hì hụi làm món này món kia biếu mẹ chồng chứ không biếu tiền. Gặp bà mẹ chồng coi trọng vật chất, năm nào cũng khoe cô con dâu út giàu có, lì xì bà tiền triệu này nọ làm cô em tôi tủi thân, từ đó cho rằng bà hay bắt bẻ, khó chịu với cô này nọ là do cô không lì xì cho bà.

Nhỏ bạn tôi từng phát hiện một số đồng nghiệp trong phòng có thói quen đến thăm và lì xì hậu hĩ cho con của sếp rồi quy ra rằng những người ấy được cất nhắc là vì họ biết lấy lòng sếp, nhất là những dịp tết nhất, không như nó suốt đời lẹt đẹt dậm chân tại chỗ vì không giỏi "đi cửa sau"!

Nhiều người nói vui: "tiền bạc là phù du" nhưng quả thực, quanh chuyện lì xì ngày Tết, nội chuyện lì xì hay không, lì xì nhiều hay ít cũng đủ làm người ta thấy việc lì xì đã bị "vật chất hoá" đến độ mất đi ý nghĩa văn hoá tốt đẹp của nó.

Biết làm sao để lì xì không còn là nỗi ám ảnh?

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI