Làm sao để khi con cần, cha mẹ là người đầu tiên con nghĩ đến!

07/04/2022 - 14:18

PNO - Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, giải quyết... các vấn đề của con một cách đồng cảm, cha mẹ sẽ là trung tâm khi con lớn.

Sáng 7/4, Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức chương trình trò chuyện "Cho con điểm tựa" với sự tham gia của TS.BS Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM và tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada.

Buổi trò chuyện nhằm giúp cha mẹ lắng nghe, hiểu thấu, nhận diện dấu hiệu bất ổn của con, về tâm lý và về sức khỏe tâm thần, để kịp thời có phương án thích hợp giải tỏa áp lực học hành cho trẻ.

TS.BS Đinh Thạc và TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải) đã có những chia sẻ bổ ích tại chương trình
TS.BS Đinh Thạc và TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải) đã có những chia sẻ bổ ích tại chương trình

2 giai đoạn quan trọng nhất đối với trẻ và cha mẹ

Trong cuộc sống hàng ngày, người lớn và trẻ em, ai cũng đang phải đối diện với những khó khăn riêng của mình. Cha mẹ có biết bao lo toan về chăm sóc gia đình, con cái, công việc… trẻ con phải học tập, ngoan ngoãn, nghe lời… chưa kể đến các xáo trộn, tổn thương, khủng hoảng từ các mối quan hệ, các hội, nhóm trên mạng xã hội. Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19 đầy khó khăn, khốc liệt, cha mẹ, con cái càng yêu thương nhau, càng vô tình làm cho nhau cảm thấy tổn thương, bế tắc, trầm cảm.

TS.BS Đinh Thạc chia sẻ, trong các cuộc tư vấn, cha mẹ cần hiểu được những giai đoạn phát triển của con mình để hiểu và đồng hành cùng con. Theo ông, có 2 giai đoạn cần lưu ý: đầu tiên là từ khi trẻ được sinh ra đến lúc con học hết cấp I, tiếp đến là từ lớp 6, tức giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. 

“Lúc trẻ sơ sinh đến học hết cấp I, cha mẹ là người thay con quyết định từ dinh dưỡng, quần áo, đồ chơi đến trường lớp, thầy cô, bạn bè… giúp con tránh khỏi những xáo trộn khi làm quen với môi trường mới đồng thời tập cho con giao tiếp, thích nghi…

Đến khi trẻ bước vào những năm cấp II, việc làm cha mẹ sẽ có đôi chút phức tạp hơn, bởi lúc này trẻ có những thay đổi trong tâm sinh lý, tính cách và mọi thứ. Lúc đó, những suy nghĩ, hướng dẫn, chọn lựa mà cha mẹ nghĩ rằng tốt cho con chưa chắc phù hợp với con mình. Vì vậy, cha mẹ hãy tạm bỏ qua “quyền làm cha mẹ” mà hãy đồng hành cùng con”, bác sĩ Thạc cho biết.

Theo TS.BS Đinh Thạc có những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, nhất là từ khi sinh ra đến hết bậc tiểu học, và khi trẻ bước vào cấp 2
Theo TS.BS Đinh Thạc, có những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, nhất là từ khi sinh ra đến hết bậc tiểu học, và khi trẻ bước vào cấp II

Rõ ràng không ít lần, người lớn chưa hiểu rõ về suy nghĩ của con, chưa kể khi trẻ đang lớn, các em cũng sẽ tìm hiểu về mạng xã hội, và có những quyết định, tâm tư, tình cảm riêng. Nhiều khi cha mẹ càng muốn… xen vào vấn đề riêng tư của con nhiều quá càng cảm thấy bất lực. Có nhiều phụ huynh đặt câu hỏi vì sao con sẵn sàng chia sẻ với người khác, thích trải lòng trên mạng xã hội mà không chia sẻ với mình. Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thạc đưa ra lời khuyên: “Thay vì trách con, bất lực trước sự phản kháng của trẻ, cha mẹ nên bình tĩnh, điều chỉnh suy nghĩ, hướng tiếp cận con của mình. Chúng ta cần thừa nhận một người nói giỏi không bằng một người nghe giỏi".

"Ở đây, người lớn phải thực sự lắng nghe một cách tích cực chứ không phải nghe rồi cho qua. Bên cạnh đó, gợi chuyện mở như hôm nay con học ra sao, con thấy thế nào…  song song đó kết hợp biểu cảm từ ánh mắt, hình thể để trẻ cảm nhận mình được chú ý, lắng nghe.

Trong cuộc trò chuyện, cha mẹ hãy nắm bắt suy nghĩ, cảm xúc của bé. Trẻ càng ít nói, hãy càng gợi mở, và nên nhớ bất cứ trẻ nào cũng thích được khen, đây cũng là kỹ năng mà tôi nghĩ chúng ta nên tập.

Đừng để trẻ nghĩ không có cha mẹ cũng không sao bởi vào trường đã có cô giáo, trò chuyện đã có bạn bè, thậm chí những hội nhóm trên mạng xã hội. Thay vào đó, cha mẹ nên là mối quan hệ đầu tiên trẻ nghĩ đến khi cần thiết”, bác sĩ Thạc chia sẻ. 

Về vấn đề này, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada, nói thêm: “Gần đây tôi từng nói chuyện với một người mẹ trong 1,5 tiếng. Chị không hài lòng về việc con đóng cửa quá mạnh, chị không hiểu vì sao con không lắng nghe mình từ việc quần áo, học hành… vì theo chị, những hướng dẫn của chị sẽ giúp con rất nhiều. 

Đến khi con trai lớn nói vì mẹ nói đúng quá, chúng con không muốn nghe, bởi vì chúng con thấy mình không còn giá trị gì cả, đến việc quần áo, bạn bè cũng phải cần mẹ. Khi nghe con nói, chị nhận ra mình đã lầm khi đi quá sát với con”.

Chúng ta thấy rõ một điều, dù thương yêu con rất nhiều nhưng nếu cha mẹ không hiểu con thì tình thương khó kết nối được với trẻ, như vậy sẽ không thể trở thành điểm tựa cho con. Chưa kể, nếu trẻ không hiểu tình thương của cha mẹ thì khi con lớn có thể làm cho cha mẹ cảm thấy thất vọng. Chúng ta hãy lắng nghe trẻ và làm cho trẻ tốt hơn, nhưng điều này không dễ, cha mẹ nghe nhưng có hiểu, có đồng cảm với con hay không.

TS Thu Huyền cho biết sự tinh tế trong gợi mở câu chuyện và cách giải quyết của cha mẹ sẽ giúp con trẻ tự tin chia sẻ những khó khăn mình đang gặp phải
TS. Thu Huyền cho biết sự tinh tế trong việc gợi mở câu chuyện và cách giải quyết của cha mẹ sẽ giúp con trẻ tự tin chia sẻ những khó khăn mình đang gặp phải

Tiến sĩ Thu Huyền cho biết, việc lắng nghe con nên đến từ bên trong để thấu hiểu, phụ huynh cũng từng trải qua những vấn đề này. Đôi khi người lớn thường nghĩ vấn đề đó đâu có gì to tát mà con lại quan trọng, buồn bã như vậy. Cũng như khi trẻ chia sẻ, chúng ta đã có ngay rất nhiều phương án giải quyết, hãy kiên nhẫn hỏi và lắng nghe cách giải quyết của con. Sau đó từ phương án của con, cha mẹ cùng con tháo gỡ, bổ sung và cho con quyết định, dù quyết định đó không phải tốt nhất, nhưng chắc chắn con sẽ cảm thấy ổn hơn, tin tưởng cha mẹ hơn. 

Với những trẻ ít nói, cha mẹ nên nói chuyện với trẻ ở một không gian gợi mở hơn như với bé gái, mẹ có thể gội đầu cho con, thư giãn, với bé trai thì rủ con đi tập thể dục, uống trà sữa… sau đó mở đầu câu chuyện bằng những câu hỏi nhẹ nhàng. Đừng hỏi “Sao con buồn vậy, nói mẹ nghe” khi thấy con buồn. Khi thấy con đóng kín cửa, đừng gõ cửa để hỏi có chuyện gì, yêu cầu con phải mở cửa… đó là một sự quan tâm rất thật, nhưng trẻ sẽ không muốn nói và không để tâm. 

“Điều khó của cha mẹ là ngoài con trẻ còn có công việc, kinh tế, mối quan hệ với gia đình nội, ngoại… nên sẽ luôn cảm thấy thiếu thời gian, từ đó khó kiên nhẫn với con. Tuy nhiên, khi trẻ rơi vào căng thẳng, cha mẹ phải sớm biết và tháo gỡ cho con, điều này rất khó khăn, nhất là với trẻ ở tuổi vị thành niên, ít nói, trẻ có thế giới riêng của mình. Lại có nhiều trẻ rất nghe lời, rất cố gắng để được như cha mẹ muốn, nhưng khó để đạt được, đâm ra chán nản, lại càng thu mình. Điều cuối cùng, con quá căng thẳng có thể dẫn đến hành động tiêu cực”, tiến sĩ Thu Huyền nói.

Chia sẻ với MC Sơn Ý, bác sĩ Thạc cho biết có rất nhiều trường hợp trẻ có IQ cao nhưng bị rối loạn về giao tiếp
Chia sẻ với MC Sơn Ý, bác sĩ Thạc cho biết có rất nhiều trường hợp trẻ có IQ cao nhưng bị rối loạn về giao tiếp

Làm sao trở thành điểm tựa cho con?

Trong quá trình là sợi dây gắn kết giữa nhà trường và gia đình, giữa học sinh và cha mẹ, tiến sĩ Thu Huyền cho biết, nổi bật nhất có 2 nhóm phụ huynh: một nhóm không tạo áp lực gì cho con, sao cũng được miễn con thích và nhóm còn lại luôn muốn con phải làm theo điều mà cha mẹ cho là tốt, vượt ngoài khả năng của con.

Đồng cảm với tiến sĩ Thu Huyền, bác sĩ Đinh Thạc cho biết, điều chúng ta cần làm là mỗi giai đoạn, cha mẹ ghi chú lại trẻ cần gì, từ vấn đề tự chăm sóc đến học tập, tạo thói quen, thử thách cho trẻ. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là cha mẹ làm tất cả cho con bất kể việc cho ăn, uống nước, soạn bài… thậm chí các bé 3, 4 tuổi cũng còn được đút ăn, nên trẻ không biết và cũng khó để hòa nhập khi vào trường.

Cũng có nhiều cha mẹ kỳ vọng vào con quá nhiều khi con có kết quả học tập không tốt, liền có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng con lười biếng, đổ lỗi con không nghe lời, thậm chí so sánh trẻ… mà không dò xem con mình có vấn đề gì. Trong khi đó, trong một lớp có bé nhanh, bé chậm, hoặc có những bé bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tự kỷ nhưng cha mẹ lại không hề hay biết, vẫn xem con mình bình thường và đổ hết lỗi cho trẻ. Những trường hợp này rất tội nghiệp cho con, bởi vốn dĩ con rất khó để hòa nhập, không thể tập trung và không thể học chung được với các bạn. 

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM (thứ 2 từ trái sang)
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cảm ơn cho các khách mời 

“Trên thực tế, có những em bé có chỉ số IQ rất cao, thông minh lắm nhưng không thể học được do có những rối loạn mà cha mẹ không hay biết và giúp con điều chỉnh. Thậm chí các bé cần phải được thăm khám, sử dụng thuốc. Lúc này, thật sự con cần cha mẹ, cần điểm tựa. Cha mẹ đừng dồn hết cho thầy cô, bởi nhiều lúc thầy cô cũng đã làm hết sức và trông giữ, hỗ trợ nhiều trẻ nên cũng rất mệt mỏi”, bác sĩ Thạc cho biết.

Làm cha mẹ vốn khó, làm con càng khó hơn, nhưng hơn hết, gia đình hạnh phúc thực sự không có nghĩa là luôn tồn tại nụ cười, mà còn xen lẫn những giọt nước mắt, hờn trách, nóng giận và nỗi buồn. Vì là gia đình, chúng ta thường bỏ qua “ngôn ngữ có phép màu” như cha mẹ giúp được gì cho con, hôm nay con đi học vui không… Chúng ta đổ lỗi cho điện thoại, công việc, lịch học dày đặc của con mà quên đi yêu thương cần được vun vén mỗi khi chiều về bên mâm cơm nóng hổi, hay đơn giản cùng nhau giải trí bằng những bộ phim hài hước vào cuối tuần.

Đừng để các dự định trôi đi theo thời gian, trẻ càng lớn càng có xu hướng độc lập, đặc biệt là khi con bước vào tuổi dậy thì, mối quan tâm của con chuyển từ người thân sang bạn bè hay những bài viết tiêu cực, các nhóm ảo trên mạng. Khi ấy, cha mẹ không còn là trung tâm cuộc sống của con nữa. Tới lúc con trẻ chới với, vấp ngã sẽ rất khó để vượt qua.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, cha mẹ thương con đừng nghĩ trong lòng, nói với nhau để con tin tưởng rằng khi mọi thứ dường như trở nên tồi tệ, khủng hoảng, vẫn sẽ có người đứng bên con mà không hề do dự, đó chính là gia đình. Cha mẹ cần “cho con điểm tựa” để con sẻ chia và nương náu, nắm chặt tay con vượt qua điều bản thân nghĩ là bế tắc, tiêu cực.

Phạm An

Ảnh: Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI