Làm sao để hết sợ... tết

08/02/2021 - 07:02

PNO - Chẳng biết ai thích tết mong tết, riêng chị cứ thấy ngày lễ ngày tết là... sợ.

Anh là con trưởng, là đích tôn lại vào Nam sớm nhất. Trong số các anh chị em, sau này thêm đám cháu thì mới mình anh có nhà cửa gọi là đàng hoàng. Và chị bị "chết cứng" bởi cái nhà đàng hoàng đó.

Anh không thích ra ngoài vào ngày lễ lạt, nói mấy ngày ấy ra đường để ngửi mồ hôi nhau, thò cổ cho người ta... chặt chém, thà ở nhà cho khỏe. 

Và cứ đến "mấy ngày ấy" là đám em cháu cả ruột cả họ kéo nhau xuống nhà chị. Hôm nào ít thì trên dưới chục người, hôm nào đông đủ có khi đến ba chục người, chưa kể gần chục đứa trẻ.

Một mình chị phải phục vụ cho bao nhiêu em cháu. Ảnh minh họa
Một mình chị phải phục vụ cho cả đàn em và cháu. Ảnh minh họa

Ban đầu, em và cháu ghé qua chợ mua ít đồ ăn, trái cây mang tới thì anh nạt, nói “Chuẩn bị sẵn hết rồi. Mấy đứa mang tới lát nhớ mang về, chứ biết làm món gì”. Vài lần như thế nên họ thôi, đi tay không xuống.

Anh đòi họ đi tay không đến nhưng khi về phải... tay có. Từ chiều hôm trước anh đã dặn chị nên mua gì cho đám em cháu. Chị phải gọi điện dặn hoặc chạy chợ trên chợ dưới mua cho đủ các món anh yêu cầu.

Rằng em gái thích ăn nho ngón tay, em rể thích dừa. Con của em họ dạo này bệnh, chị đi chợ mua cho nó bộ óc heo với quả bí về hầm cho nó. Con cháu suốt ngày ho hen, sẵn mua cho nó mấy quả lê về làm lê hấp đường phèn...

Anh biết hết sở thích sở ghét của mọi người và hồn nhiên... xài vợ. Đôi lần chị lên tiếng thì anh nói chị là dâu trưởng, không vì các em các cháu thì vì ai. Bữa ăn tốn bao nhiêu đâu mà tính toán. Xa nhà xa quê, có dịp tụ tập để biết tình hình nhau chẳng tốt hay sao?

Anh nói cứ như thể lo bữa cho hơn chục con người, mỗi người một nết, dễ lắm vậy. Đám em cháu nhà anh thấy thế càng siêng năng xuống chơi, nói nhà anh chị ở ngoại thành, khí hậu trong lành mát mẻ, không như chúng nó ở trong thành phố lúc nào cũng bụi bặm. Khu anh chị ở có công viên, mỗi lần xuống chúng kéo nhau đi chụp mớ ảnh về “sống ảo”.

Ăn uống xong thì mạnh ai nấy rút lên lầu ngồi xem tivi hay lôi bài ra đánh. Chị lại một mình thu vén dọn dẹp, chia thức ăn chừa từ trước thành từng phần cho chúng nó mang về. Thảo nào người ta nói "khổ chủ", bởi vì làm chủ nên... khổ.

Ngoài đường bắt đầu nghe không khí tết, trong nhà đám cháu bắt đầu ướm: “Năm nay chị/bác/mợ có món gì lạ lạ không, mứt dừa mứt bí năm nào cũng ăn, chán quá rồi!” và đứa khác thông báo: “Năm nay mẹ chồng cháu ở quê vào tránh rét, mợ giúp cháu mấy món nhé!”

Chị cười cười: “Năm nay thua rồi, chị/bác/mợ chơi tết chứ không ăn tết!”

Chồng chị tròn mắt: “Tết nhất không ở nhà mà đi đâu?” Chị vẫn nhẹ nhàng: “Em có dự thi một cuộc thi trên mạng nên trúng chuyến du lịch năm ngày bốn đêm cho ba người, trị giá hai chục triệu lận anh, không đi là mất. Mùng Hai xuất phát hướng Vũng Tàu nha. Hai con nghe tin thích lắm, anh có đi chung với mẹ con em không để em mua thêm vé?”.

Nhìn anh chưng hửng, chị cười thầm. Không nói cũng biết, trong nhóm Zalo mang tên “người nhà” đang rôm rả và hoang mang. Hơn chục năm nay, chị là “đầu tàu” nên đám em cháu ỷ lại, giỗ chạp sinh nhật gì cũng réo chị. Nay đã đến lúc thân ai nấy lo, chưa kể năm nay dịch COVID-19, anh chị cũng khó khăn, đâu thể “bao” họ hàng như trước. Anh nhượng bộ, coi như bước đầu chị thành công, tết sang năm để sang năm tính!

Nghĩ tới cảnh được du lịch tết, được nghỉ ngơi, chị sung sướng khoẻ khoắn hẳn - Ảnh minh họa
Nghĩ tới cảnh được du lịch tết, được nghỉ ngơi, chị sung sướng khoẻ khoắn hẳn - Ảnh minh họa

Đến tối, chị nghe anh gọi đi mấy cuộc điện thoại, chẳng biết nói chuyện với ai mà anh còn thanh minh: “Mẹ nó được thưởng, thôi thì đi cho bọn trẻ biết đây biết đó!”

Lúc cùng hai con đi siêu thị sắm sửa đồ đi chơi, chị kể với hai con "âm mưu" của mình, cô con gái đã giơ hai ngón tay cái: "Con ủng hộ mẹ! Mẹ thật cừ!" Cậu con trai thì dụi vào lòng chị. “Con thích được đi chơi, ba cứ bắt ở nhà. Mấy cô chú anh chị xuống ăn rồi xả không hà..."

Ngọc Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI