Kính gửi chị Hạnh Dung,
Mẹ em là một phụ nữ khổ vì chồng cho đến tận cuối đời. Em nhìn thấy mẹ khổ, thương mẹ lắm mà không biết làm sao. Em là con gái riêng, năm em chín tuổi thì mẹ lập gia đình với ba dượng hiện tại, sinh thêm một em gái.
Ba dượng em vốn không phải người khó chịu nhưng ông nghèo. Làm giáo viên với thu nhập ít ỏi, ông mặc cảm với mọi người, có phần ganh tỵ nên ít giao thiệp, nếu có thì cũng chê nhiều hơn khen, nhìn đâu cũng thấy chỗ không ưng ý.
Mẹ em buôn bán ngoài chợ, ông đã không phụ được gì lại còn cho công việc chạy chợ của mẹ em là thấp kém. Khi hai chị em học xong ra trường đi làm, ông bắt mẹ em nghỉ chợ, ở nhà.
Ông nghỉ hưu được hai năm thì bị tai biến, không đến nỗi nằm một chỗ nhưng không đi xe máy được nữa. Từ đó, ông đổi tính.
Ông thích uống rượu, mà phải có người hầu ông uống, thường đó là mẹ em, nếu không ông sẽ đập phá, mắng chửi cả nhà. Uống rượu vô ông chửi đời, chửi người. Ông lôi tất cả những người ông biết, những chuyện ông nhớ ra để xỉa xói, kể tội. Căn nhà trở thành chỗ hết sức nặng nề.
Người quen, hàng xóm tới thăm một hai lần, nghe kiểu nói chuyện của ba dượng em, họ dần dần tránh hết. Bản thân tụi em là con cái trong nhà mà mỗi lần về cũng chỉ muốn đi ngay.
Em rất muốn đưa mẹ đi chơi đâu đó ít ngày nhưng hễ mẹ vừa đi vắng khoảng một tiếng đồng hồ là ông bắt đầu gọi điện kêu réo; nếu mẹ không về thì ông đập phá, chửi bới… Đã vài lần em khuyên mẹ ly hôn nhưng mẹ nói mẹ không làm vậy được. Năm nay mẹ em 55 tuổi rồi mà chẳng có một ngày thảnh thơi hạnh phúc.
Hồng Phúc (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Hồng Phúc thân mến,
Mỗi người có một kiểu hạnh phúc khác nhau. Đôi khi ở vị trí của em, em nhìn thấy mẹ khổ, nhưng ở vị trí của mẹ em, có thể mẹ xem việc hai đứa con gái nay đã học hành nên người, đi làm, sống độc lập là hạnh phúc. Mẹ lấy hạnh phúc đó để cân bằng lại cuộc sống hiện tại.
Thử nghĩ xem, nếu mẹ ly hôn, chắc trong hai chị em cũng có một người phải lo nuôi dưỡng, báo hiếu cha mình. Em thương mẹ - thương cũng là hiểu, là đồng cảm, chứ không thể khăng khăng bắt mẹ phải sống theo cách mình muốn.
Với hoàn cảnh hiện tại, nếu cứ để ba dượng của em chìm trong rượu chè, bị mọi người quay lưng thì mẹ em sẽ càng thêm khổ vì phải một mình với gánh nặng ấy.
Nếu thương mẹ, em hãy tìm cách giảm nhẹ. Hai chị em có thể bàn bạc với mẹ đưa ba đi khám bệnh, đi điều trị tâm lý, tham gia những hoạt động bên ngoài… Khi ông vui vẻ, khỏe mạnh, bớt rượu chè, bớt đau ốm, mẹ em sẽ đỡ vất vả.
“Qua sông lụy đò” trong trường hợp này nghĩa là khi mình thương một người, nhiều khi mình phải chấp nhận làm những điều mình không thích nhưng giúp đỡ được cho người đó, khiến người đó vui. Nếu em chán ghét căn nhà của ba mẹ, rồi càng ít về nhà, mẹ em sẽ càng buồn tủi, vất vả hơn.
Thời gian qua, mẹ lo lắng ngược xuôi ngoài chợ không chỉ vì nuôi chồng mà động lực chính của mẹ có thể là hai cô con gái đấy. Nay hai chị em đã trưởng thành, có thể đỡ đần mẹ một chút cũng là chuyện nên làm, phải không em?
Hãy hy vọng sông có khúc người có lúc, đến một ngày nào đó, mọi chuyện sẽ thay đổi. Chung sống hay ly hôn là quyết định của mẹ em.
Em có thể thương mẹ, khuyên mẹ nhưng không thể quyết định thay mẹ. Cuộc đời mẹ là của mẹ. Vậy nên em hãy cố hiểu và chấp nhận, thay vì tìm cách lái nó theo ý mình. Mong em tìm được hạnh phúc. Có thể khi có nhiều trải nghiệm hơn, em sẽ hiểu thêm về mẹ.
Hạnh Dung
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Trần Trinh (H.Châu Thành, Bến Tre): Nên sửa chữa, đừng đập phá
Khi tham gia một lớp học về tâm lý tôi mới biết có nhiều người xung quanh mình có điều bất ổn, nhưng dường như họ không nhận ra, cứ đổ lỗi và không tìm cách cải thiện. Có lẽ ba dượng của bạn cũng vậy. Muốn giúp mẹ thoát khỏi tình cảnh hiện tại, bạn có thể bắt đầu từ ông.
Cô bạn tôi đã đăng ký cho ba mẹ chồng tham gia một khóa trị liệu để ông bà quay về yêu thương bản thân, tha thứ cho quá khứ và làm lành với hiện tại. Mẹ và ba dượng của bạn cũng cần một điều gì đó để hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau hơn.
Tôi nghĩ, bạn biết mình nên làm gì lúc này. Mối quan hệ vợ chồng không phải hễ muốn bỏ là bỏ được; nên thay vì khuyên mẹ dứt bỏ, bạn hãy giúp mẹ tìm ra nguyên nhân thực sự và sửa chữa.
Linh Từ (H.Minh Long, Quảng Ngãi): Mọi thứ phải xuất phát từ tình thương
Quanh ta, những người như cha dượng bạn nhiều lắm. Thất chí, thua thiệt dìm họ trong những suy nghĩ không lối thoát. Họ hờn tủi vì thấy mình tài giỏi, có học, suy nghĩ hơn người mà sao cứ nghèo. Cái nghèo quấn lấy họ, khiến họ trở nên cộc cằn với cả thế giới. Có lẽ phải giúp đỡ họ tìm ra lối thoát để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Bạn có thể tìm những mối quan hệ thân thiết xưa cũ của ông, giúp ông kết nối. Bạn có thể mua tặng ông điện thoại thông minh để ông kết nối với xã hội, có thêm bạn bè; giúp ông có nhiều điều vui mới. Mọi thứ phải xuất phát từ tình thương thật lòng, như bạn thương ba mình.
Nếu đưa mẹ đi chơi, bạn có thể đưa ông theo cùng để những cơn cáu gắt chửi bới kia không có cơ hội xảy ra.
Bạn hãy tìm cơ hội bày tỏ sự cảm kích trước những điều tích cực học được từ ông, những việc ông đã làm được với gia đình. Đừng quên kêu gọi sự đồng lòng của em gái để cùng hỗ trợ cha, giúp đỡ mẹ. Bạn có thể tìm một việc nhẹ cho ông làm để ông thấy mình không thừa thãi, không là gánh nặng.
Đến khi nào đã cố gắng hết sức mà không có gì thay đổi, bạn mới nên nghĩ đến việc giải thoát cho mẹ.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn