Chuyện làm tuyên giáo được gọi là “chuyện cũ”, vì ông đã rời vị trí trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM tròn 20 năm (nhiệm kỳ 1995-2000). Chúng tôi chờ nghe những chuyện kể quá khứ với màu sắc của thời kỳ đổi mới.
Nhưng cuối cùng, ông Tư Tạo không có chuyện cũ. Phần vì “cái gì đã qua thì tôi quên luôn”. Phần vì những chuyện nổi bật còn nhớ lại, đều như chưa từng cũ. Chuyện đã hơn hai thập niên. Đất nước, và cả TPHCM đã rời xa cái buổi ban đầu đổi mới, mở cửa. Nhưng, lối làm việc với “tư tưởng văn hóa” của vị tư lệnh ngành một thành phố lớn nhất cả nước vẫn còn mới nguyên.
Mô tả về thời mình làm tuyên giáo (lúc đó là Ban Tư tưởng Văn hóa), ông Tư Tạo nói: “Đó là thời đổi mới, nhiều vấn đề phức tạp. Ta phải giành từng con người đứng về phía mình, tránh đẩy họ rời ra xa”. Lý giải này như một đúc kết trường kỳ cho công việc của một người làm công tác tư tưởng.
|
Ông Trần Văn Tạo nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TPHCM |
Ông Tạo còn nhớ, thời đương chức ở Ban Tư tưởng văn hóa TPHCM, ông từng nhận điện thoại của vị trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Trong điện thoại, đồng chí tư lệnh ngành gay gắt chỉ đạo: “Anh phải kỷ luật báo Tuổi Trẻ!”. Ông Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa thành phố bình tĩnh hỏi: “Kỷ luật vì lý do gì, thưa anh?”.
Bên kia đầu dây nhắc đến tấm ảnh đăng trên báo Tuổi Trẻ ngay sáng hôm đó, chụp cảnh Tổng bí thư Đỗ Mười tiếp đón bà ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chuyến thăm của bà này đến Việt Nam. Trong ảnh, Tổng bí thư Đỗ Mười đang đưa tay mời bà ngoại trưởng Hoa Kỳ vào bên trong. Hình ảnh đưa tay đó được cho là gây ảnh hưởng đến vị thế của Tổng bí thư trước vị ngoại trưởng nước bạn.
Với lý do đó, báo Tuổi Trẻ bị đề nghị kỷ luật. Trước câu chuyện có phần nghiêm trọng kèm chỉ đạo cụ thể đó, ông Tư Tạo nói: “Tôi thấy tấm hình đó đẹp. Một người đàn ông là lãnh đạo quốc gia, nghiêng mình đưa tay mời một người phụ nữ là đại diện của một quốc gia khác. Đó là hình ảnh rất văn minh, lịch lãm. Sao lại kỷ luật tờ báo đã đăng tấm ảnh đó?”.
Nhưng, ông Tư Tạo không thuyết phục được vị Trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ương. Vị tư lệnh ngành dọc vẫn kiên quyết chỉ đạo kỷ luật. Lúc này, ông Tư Tạo nói: “Nếu anh muốn kỷ luật thì anh tự vào mà kỷ luật. Còn nói về quản lý thì tôi không chịu sự quản lý của anh. Anh không có quyền chỉ đạo tôi. Tôi trực thuộc Thành ủy và chỉ chịu sự chỉ đạo của Thành ủy”. Cuộc “chỉ đạo” dừng tại đó. Sau khi thẳng thắn bày tỏ quan điểm lẫn xác tín về nguyên tắc làm việc, ông Tư Tạo đã sẵn sàng cho những động thái tiếp theo. Nhưng, ông không cần làm gì thêm để bảo vệ báo Tuổi Trẻ. Vì sau câu trả lời đanh thép đó, không ai còn nhắc đến việc kỷ luật cùng bức ảnh đó nữa.
Câu chuyện thoát án kỷ luật của báo Tuổi Trẻ tưởng là sự thắng thế của quan điểm và lời lẽ cùng sự đanh thép. Nhưng, nghe xong hồi tưởng lẫn phát ngôn hiện tại của ông Tư Tạo về nghề tuyên giáo, mới thấy cái đúng cái sai - dù là trong tư tưởng - vẫn không hề bị chi phối bởi quan điểm cá nhân. Câu chuyện tư tưởng luôn có thể soi xét rạch ròi bằng hiểu biết nghiêm ngắn, đúng mực.
Ông nói: “Đừng tưởng người ta nói ngược ý mình là chống đối. Đừng thấy người ta im lặng thì nghĩ là họ đồng thuận hay đã ổn về tư tưởng”. Ông liên tục nhắc đến “cái bề ngoài” và “cái thực chất” dù không dùng những từ này.
Ông kể, thời mới giải phóng và tập trung xây dựng đất nước, thỉnh thoảng anh em vẫn hay nghe những bà mẹ nuôi giấu bộ đội thời kháng chiến nhắn lời chê “đứa này, đứa kia làm ăn kỳ cục”. Mấy “đứa” được nhắc trong lời má đều đang là cán bộ. Nghe lời chê bai, nhiều người dễ nghĩ mấy bà má năm xưa đã “tự chuyển hóa”.
Nhưng, ông Tư Tạo luôn tự mình nhắc nhở: “Còn bị chê là vẫn đáng mừng. Đáng sợ nhất chính là khi người ta không thèm chê nữa, người ta im lặng hoặc lờ đi. Khi ấy thì một là họ không còn quan tâm đến mình nữa, hai là họ xem như cái tiêu cực đó đã là bản chất của mình rồi, không còn gì đáng nói nữa…”.
Câu chuyện tư tưởng được phân định rạch ròi là thế, nhưng thực tế, mọi vấn đề đều khó tránh khỏi khoảng cách vời vợi giữa hiện tượng và bản chất. Người đơn thuần, lười biếng, hoặc kém năng lực có thể dễ dàng kết luận đúng/sai qua hiện tượng bên ngoài. Ở đó, lời khen, tiếng chê, thông tin tiêu cực, thông tin tích cực dễ dàng được dán nhãn bằng phép định lượng - như một cỗ máy được lập trình với vài thuật toán đơn giản. Nhưng, đó không phải là cách đo đếm của người làm tư tưởng. Người làm tư tưởng không luận giải bằng khen/chê, tích cực/tiêu cực thuần túy.
Vấn đề của một thông tin không nằm ở “cấu trúc” câu, loại câu, hay tính chất mà thông tin đó biểu đạt. Ông Tư Tạo nói điều này đơn giản như cái cách mà mọi ông già Nam bộ hay nói: “Đừng thấy bề ngoài người ta toàn nói tốt mà nghĩ là xã hội đang ổn. Phải biết đi tìm những ẩn số. Vấn đề luôn là ẩn số mà ta phải nắm bắt nó, giải quyết nó thì xã hội mới ổn định”.
Những câu chuyện rời rạc kèm bàn luận tự nhiên rồi nhất quán thành tư duy làm nghề, thành triết lý tuyên giáo đầy hy vọng. Ở đó, chuyện “giành về từng người cho đất nước” chợt cụ thể, sống động, và dễ hiểu. Nó phải đâu là việc đối diện với từng người trong cả chục triệu dân để “kiểm tra tư tưởng”. Nó đơn giản hơn, là việc xác tín và nhất quán những nguyên tắc căn bản, những giá trị cốt lõi để mà hành xử và ứng biến trong cái vạn biến của tình hình.
Một bà má nuôi giấu cán bộ năm xưa có thể bị đẩy ra xa nếu bị hiểu lời chê trách nọ như một sự “chuyển hóa”, chống đối. Cũng bà má đó, lại chính là một nhân tố tích cực, một đồng chí tỉnh táo, nhiệt tình và trung thành nhất - nếu được tiếp nhận bằng cách nhìn khiêm cung, thiện chí. Có lẽ, đó không chỉ là triết lý tuyên giáo, mà còn là triết lý nên có ở mọi cán bộ, mọi con người còn biết mưu cầu sự đúng đắn, nhân văn.
Thanh Tân