Làm sao để con thoát thân khi bị nhốt trong ô tô?

07/08/2019 - 16:29

PNO - Câu chuyện cậu bé 6 tuổi chết trên chiếc xe đưa đón học sinh ở Hà Nội khiến cho vấn đề kỹ năng sống được nhắc lại lần nữa ở một góc độ khác: kỹ năng sinh tồn.

Dạy được những gì khi con 6 tuổi?

Thạc sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), một tổ chức giúp đỡ cho thanh thiếu niên - nhận định, trẻ em Việt Nam thiếu kỹ năng sinh tồn.

Trẻ 6 tuổi có thể học được rất nhiều thứ để tự cứu mình. Đây là lứa tuổi rất quan trọng vì lần đầu tiên trẻ sống trong một môi trường khác, không còn cô bảo mẫu đến dỗ dành hay đút cho ăn. Môi trường tiểu học đòi hỏi trẻ phải có tính tự lập. Thay vì ngồi khóc khi gặp chuyện, trẻ nên được dạy phải chạy ngay đi kêu cứu.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong các hoạt động dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, thạc sĩ Trần Minh Hải cho biết, 2 tuần đầu tiên khi trẻ vào lớp 1 là thời gian rất khó khăn với trẻ; có trẻ không chịu hòa nhập với các bạn, chỉ tìm cách ngồi một mình.

Lam sao de con thoat than khi bi nhot trong o to?
Trước khi cho con rời xa vòng tay cha mẹ, hãy cho con kỹ năng sinh tồn 

Khi đưa con đến trường, bố mẹ phải động viên con chơi với các bạn. Khi chơi trong một nhóm, có chuyện gì xảy ra, các bạn cũng sẽ báo cho cô giáo.

Con cũng phải nhớ rõ số điện thoại của cha hoặc mẹ; mỗi tháng, phải kiểm tra lại xem con có nhớ rõ hay không.

Làm sao để con thoát thân khi bị nhốt trong ô tô?

Chiếc xe 16 chỗ Ford transit (và nhiều dòng xe khác) mà cậu bé 6 tuổi ở Hà Nội bị nhốt có một đặc điểm mà nhiều người lớn không để ý. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thắng Nhật Tuệ - Trưởng phòng Điều hành, Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) - dù tắt máy, rút chìa khóa, người bên trong xe vẫn bấm còi xe kêu, đèn xi nhan vẫn sáng. Với đặc điểm này của xe, chỉ cần chỉ dẫn thì bé sẽ biết.

Khi bị nhốt trong xe, có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết cho trẻ: chết do sốc nhiệt, do thiếu oxy hay do sốc tâm lý.

Bác sĩ Nhật Tuệ cho biết, khi rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, sự hoảng sợ sẽ khiến con người rơi vào tình trạng sốc tâm lý, từ đó mất hết khả năng suy nghĩ để tự cứu mình. Vì vậy, để con tự cứu mình, phải huấn luyện cho trẻ khả năng bình tĩnh khi rơi vào nguy hiểm.

Chỉ khi bình tĩnh, trẻ mới có thể tự mình kêu cứu.

Trước tiên, trẻ cần phải đi tìm nguồn nước còn sót lại trên xe. Để tránh ngạt do thiếu oxy, trẻ phải được dạy tìm đến chỗ cánh cửa hoặc nơi có khe hở để ngồi. Trẻ cũng phải được dạy tìm vật cứng để đập cửa kính hoặc đập vào thành xe để kêu cứu.

Lam sao de con thoat than khi bi nhot trong o to?
Trẻ phải được huấn luyện kỹ năng giữ bình tĩnh khi rơi vào hiểm nguy

Những kỹ năng sinh tồn cơ bản, theo các bác sĩ, hoàn toàn có thể huấn luyện được cho trẻ 6 tuổi. Tuy nhiên, dường như người lớn đã quên mất điều này. Khi đưa con đến trường, phụ huynh giao phó hoàn toàn cho trường học.

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) - dù các trường học có mở các khóa huấn luyện kỹ năng sống thì vẫn có những khoảng trống vì mỗi trẻ em có một môi trường sống, một hoàn cảnh khác nhau.

Chỉ có phụ huynh khi sống cùng con mới hiểu được con thiếu kỹ năng gì. Do đó, trước khi đưa con ra khỏi vòng tay, phụ huynh phải cho con kỹ năng sống, mà trước hết là kỹ năng sinh tồn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI