Làm sao để con gái không bị cha cho ăn tát?

24/06/2018 - 17:30

PNO - Một lần nhà có tiệc, ông bé say rượu ôm bé lên lòng, cô bé hét lên và bố đứa bé đã cho con gái một cái tát vì hỗn láo!

Từ khóa “#me too” có nghĩa là “tôi đã từng bị…”, là “tôi đã phải im lặng chịu đựng…”, là “tôi đã thấy…”. Đó là những ô nhục, đau đớn, tổn thương mà chia sẻ, tố cáo ngày hôm nay có thể chỉ làm vơi bớt nỗi đau chứ không thể nào thay đổi được nữa.

Từ trong quá khứ của mỗi cá nhân, hợp thành quá khứ của cộng đồng, “#metoo” cũng hàm chứa một thông điệp: đừng để những con yêu râu xanh còn đường làm hại người khác, đừng để có thêm những nạn nhân mới. Và điều này đặc biệt ý nghĩa với trẻ em. 

Lam sao de con gai khong bi cha cho an tat?
Con vào tuổi mẫu giáo, bạn đã phải nói với trẻ về việc bảo vệ thân thể

Hạnh Dung vẫn hay nhận được những lá thư kể nỗi đau riêng của mình, nhưng rất ít lá thư kể về chuyện người mẹ, người vợ, người chị gái trong gia đình lo lắng cho con gái, em gái của mình có thể bị xâm hại, bị lạm dụng.

 Hình như chúng ta còn rất chủ quan, theo kiểu những người thân, họ hàng… là vô hại, là an toàn. Bé gái được mẹ dạy phải chào thưa, phải ôm cổ, phải thơm ông thơm bác như một kiểu “ngoan, lễ phép”.

Thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng, chống bạo hành trẻ em cho biết, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi, trung bình 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục.

Đồng thời, có tới 93% trường hợp nạn nhân và gia đình có quen biết kẻ xâm hại mình, hơn 47% kẻ xâm hại là những người thân, họ hàng, hàng xóm xung quanh gia đình nạn nhân.

Xã hội, con người đang có nhiều thay đổi. Chất kích thích, bia rượu, phim ảnh, tệ nạn… đang trở thành những độc tố vô hình. Chỉ một phút người lớn không kiềm chế được con thú trong mình, đứa trẻ ở gần bên có thể trở thành nạn nhân, có thể bị xâm hại và tổn thương vĩnh viễn.

Một giáo viên cấp II kể, trong một giờ ngoại khóa cô đã dạy học sinh của mình bộ quy tắc “PANTS ” (tạm dịch là quy tắc đồ lót), để những đứa trẻ có thể tự bảo vệ mình. Một lần nhà có tiệc, ông bé say rượu ôm bé lên lòng, cô bé hét lên và bố đứa bé đã cho con gái một cái tát vì hỗn láo!

Mẹ bé hỏi tại sao, con kể ở trường cô dạy như thế. Chị lên trường đòi gặp giáo viên, và khi nghe hết câu chuyện về bài học, chị mới hiểu con mình bị oan. Nhưng người mẹ ấy tâm sự thật lòng, rằng không thể nói chuyện với chồng mình, không biết nói làm sao để chính chị không ăn một cái tát nữa!

Để danh sách những nạn nhân phải nói “#metoo” không dài thêm, không chất chồng thêm nữa, phải dựng lên bức tường bảo vệ trước trẻ em, phải để lớp trẻ được trang bị hiểu biết và quyền tự vệ của mình.

Và muốn có những thay đổi ở trẻ em, phải bắt đầu những thay đổi ở người lớn. Ở nhiều quốc gia, không phải cứ muốn cưng nựng hôn hít trẻ là cứ vậy mà làm. Chạm vào trẻ em mà không có sự cho phép đã là phạm pháp. Ranh giới này không phải không có lý do, trẻ em mỏng manh, ít nhận biết, ít kinh nghiệm và khả năng tự vệ. 

Lam sao de con gai khong bi cha cho an tat?
Hãy dạy con bảo vệ thân thể theo quy tắc PANTS ( quy tắc quần lót) trước khi chuyện đau lòng xảy ra

Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng để trẻ học hỏi, khám phá bản thân và xã hội, tạo dựng nhân cách, lòng tin. Khi những điều này bị tổn hại nghiêm trọng từ thơ ấu, những đứa trẻ bị quấy rối, bắt nạt và lạm dụng tình dục có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, khả năng học tập và lệch lạc hành vi xã hội kéo dài mãi về sau.

Chừng nào mà người mẹ trẻ còn chưa thể nói chuyện được với chồng mình về những quy tắc như “PANTS”, chừng đó, rất có thể vẫn còn những nạn nhân, rất có thể những đứa trẻ phản kháng còn phải ăn tát.

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI