PNO - “Vô phúc đáo tụng đình” là suy nghĩ của rất nhiều người. Thật sự, người dân e ngại phải ra tòa, nhất là những vụ việc liên quan đến “chuyện nhà”.
Ngày 1/1/2021 tới đây, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo các chuyên gia, đây là một bước tiến lớn trong cải cách tư pháp. Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TPHCM đã có cuộc trao đổi cùng Báo Phụ Nữ xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa bà, loại tranh chấp nào, yêu cầu nào, khiếu kiện nào sẽ thực hiện hòa giải đối thoại tại tòa án?
Bà Phạm Thị Thu Hà giới thiệu về hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án cho các nữ trí thức TPHCM
Bà Phạm Thị Thu Hà: Tại Khoản 2 Điều 1 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định: “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”.
Như vậy, đối tượng hòa giải đối thoại tại tòa án gồm hòa giải các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), theo quy định của Bộ luật Tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Còn đối thoại thì đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tóm lại, hòa giải, đối thoại tại tòa án chỉ thực hiện đối với những vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính theo pháp luật tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nếu không thuộc thẩm quyền của tòa án thì không hòa giải, đối thoại.
Thời điểm thực hiện hòa giải, đối thoại là sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng trước khi tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.
Các hòa giải viên, đối thoại viên làm việc ở Trung tâm hòa giải TPHCM
* Kết quả hòa giải thành có khi nào bị một bên phản đối không? Người dân lo lắng đến Trung tâm hòa giải sẽ mất thời gian, khi hòa giải, đối thoại không thành có ảnh hưởng đến thời hiệu khiếu kiện không?
- Một trong những nguyên tắc của hòa giải là sự tự nguyện của các bên, nếu sau khi hòa giải thành mà một bên thay đổi ý kiến thì xem như hòa giải không thành. Hoặc sau khi có Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay.
Tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định đó vi phạm những điều kiện công nhận, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải có cơ chế khắc phục. Hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án là hoạt động ngoài tố tụng, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của tòa án ban hành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cho nên quyết định này không phải là văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Do đó, không thể xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm mà có cơ chế xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án theo thủ tục riêng được quy định từ Điều 36 đến Điều 39 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.
Thời hạn hòa giải, đối thoại được thực hiện là 20 ngày, những vụ việc phức tạp là 30 ngày, các bên có thể thỏa thuận kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Người dân tìm đến Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án
* Được biết TPHCMlà một trong 16 tỉnh, thành phố được chọn để triển khai việc thực hiện thí điểm đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính (theo kế hoạch ngày 1/10/2018 của Tòa án tối cao). TAND TPHCMđã triển khai thực hiện và được đánh giá như thế nào, thưa bà?
- Để triển khai kế hoạch này, TAND TPHCM đã chọn Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TPHCM và tại 9 tòa án nhân dân quận, huyện gồm: quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp và hai huyện Bình Chánh, Củ Chi để thực hiện thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là 10 tháng (1/11/2018 - 30/9/2019) của 10 trung tâm (9 quận, huyện và TAND TP) có 5.736 đơn đủ điều kiện để hòa giải, kết quả có 4.632 hòa giải thành, đạt tỷ lệ 80,75% (4.632/5.736). Kết quả trên được Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao và hiệu quả.
* Các vụ hòa giải thành có ý nghĩa như thế nào với các vụ án hôn nhân?
- Hòa giải thành không có nghĩa là sau khi hòa giải viên hòa giải thì đương sự rút đơn, hoặc đoàn tụ, mà qua việc hòa giải, hai bên thống nhất trở về, cùng nuôi dạy con chung, hoặc một bên rút đơn ly hôn, hoặc một bên trước đây không đồng ý ly hôn mặc dù mâu thuẫn đã trầm trọng, khả năng hàn gắn không còn, mục đích hôn nhân không đạt nhưng cố kéo dài hôn nhân trên pháp lý, gây khó khăn cho cuộc sống của vợ hoặc chồng.
Khi được hòa giải viên giải thích, hòa giải, và có giải pháp ly hôn để chấm dứt về mặt pháp lý, quan trọng là ly hôn nhưng họ hiểu và giữ lại được các mối quan hệ gia đình, hóa giải mâu thuẫn, giữ lại những tình cảm tốt đẹp và cùng nhau chăm lo cho con, cùng thỏa thuận về việc chia tài sản mà không phải ra tòa.
Quá trình hòa giải, đối thoại phải bảo đảm quyền bình đẳng về giới, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định. Những nguyên tắc này sẽ hạn chế tối đa việc có thể gây tổn thương đến quan hệ gia đình, đặc biệt cho những đứa trẻ (nếu có).
Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại tòa án là bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em
* Bà có tin rằng việc hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ là xu hướng lựa chọn của nhiều người khi có tranh chấp?
- Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc hòa giải, đối thoại được thực hiện kể cả trong tố tụng và ngoài tố tụng với nhiều cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện. Việc thực hiện hòa giải hiện nay đã mang nhiều kết quả tích cực, rất nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện đã hòa giải thành, đối thoại thành.
Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Hoạt động hòa giải, đối thoại đã tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội tại địa phương, giải quyết kịp thời các tranh chấp theo tinh thần “hai bên cùng thắng”, trong đó, nhiều tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản phức tạp được hòa giải theo hướng các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, không mất thời gian theo đuổi vụ kiện tại tòa qua các quy trình tố tụng.
Tôi tin rằng trong tương lai, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ là xu hướng lựa chọn của người dân và doanh nghiệp khi có tranh chấp.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.