|
Vợ luôn cố gắng vun vén gia đình sẽ làm chồng thay đổi bản thân (ảnh minh họa) |
Vợ chồng chị có tiệm bán hải sản. Mấy con cua biển vừa bị ngộp chết, thay vì bán lỗ hoặc luộc ăn trừ cơm, chồng chị nghĩ ra cách sốt bơ tỏi, sốt me rồi rao bán trên các hội nhóm trên Facebook. Anh thật thà cho biết cua vừa bị ngộp, khách ưng thì mua. Khách thích cách anh mua bán thật thà, nên ủng hộ. Nhờ sáng kiến của anh mà cửa hàng không lỗ vốn.
Hồi mới cưới, anh không chăm chỉ như bây giờ. Chị từng có lúc tự hỏi cuộc hôn nhân này rồi sẽ kéo dài được bao lâu, khi gánh nặng áo cơm chồng chất, chồng lại vô tâm. Rồi từng ngày, anh làm chị ngạc nhiên khi cố gắng chia sẻ, vun vén gia đình.
Nhớ ngày đám cưới, lúc mở mâm trầu cau, má chồng chị dặn: “Con hái cau trước, rồi tới lượt chồng con”. Chị ngạc nhiên, bởi tục lệ hái cau trong ngày cưới thường là đàn ông hái trước để giành quyền làm chủ gia đình. Má chồng lại muốn trao quyền “trụ cột” đó cho chị.
Sau này chị mới biết, anh từng ăn chơi bạt mạng khiến ba mẹ rầu lòng. Ba mẹ thuê đất nuôi cá sấu. Cá vừa xuất chuồng, thu về số tiền lớn. Nửa đêm anh cạy tủ, ôm trọn số tiền cực khổ cả năm của cha mẹ ra Vũng Tàu chơi bời xả láng. Lần khác, ba vay tiền về làm ăn, cũng bị anh cuỗm sạch rồi trốn đi chơi.
Ba mẹ bạc mặt tìm anh khắp nơi, nhờ cả công an truy tìm, vì sợ anh bị lừa bán qua biên giới. Tìm được anh về, ba mẹ mừng rớt nước mắt. Lỗi lầm gì cũng chỉ nhắc cho có…
Gần 30 tuổi anh mới chịu “dừng bước giang hồ”, đi học nghề tóc. Chị học cùng khóa với anh. Lần đầu gặp mặt, không hiểu sao chị đã cảm mến người đàn ông có tính cách ngang tàng nhưng lại rơi nước mắt khi kể lại quá khứ đã lỡ để mẹ cha buồn khổ.
Cưới nhau về, anh chị mở tiệm làm tóc hoành tránh. Nhưng có lẽ không có duyên với nghề nên tiệm ế khách. Chị mang bụng bầu xách giỏ đồ nghề đi làm móng dạo. Anh ôm vai chị, nghẹn ngào: “Để em cực khổ là lỗi của anh”.
Anh chị dẹp tiệm tóc, gom vốn liếng mở tiệm bán hải sản. Món lẩu cua biển nấu bầu, sò huyết sốt bơ tỏi, rang me… được khách khen hết lời. Anh nghĩ ra cách kê thêm vài cái bàn, chế biến cho khách ăn tại chỗ. Tay nghề nấu nướng của anh khá nên tiệm rất đông khách. Chị lo khâu nhập hàng, bán hàng. Anh lo việc bảo quản và chế biến.
Bà mẹ thấy anh sáng nào cũng chăm chỉ đi chợ lựa từng trái bầu, mớ rau, bà mừng rơi nước mắt. Bà khoe với lối xóm: “Vợ nó vậy mà nắm quyền được chồng”. Chị nghe vui trong bụng nhưng biết rõ, nếu không có anh gánh vác, chị chẳng thể quán xuyến từng ấy việc.
|
Đàn ông trưởng thành luôn có ý thức chăm sóc gia đình (ảnh minh họa) |
Một người bạn của tôi cũng được cho là có số “nắm quyền chồng”. Ngồi cà phê với bạn chưa ấm chỗ đã nghe chồng bạn gọi, hỏi “Chú út mượn xe chở bạn gái đi chơi, cho mượn không em?”, “Đám cưới con cô Sáu, đi bao nhiêu tiền vậy em?”… Bạn đến khổ vì ông chồng “động dao, động thớt” gì cũng hỏi vợ.
Ngày còn trai trẻ, chồng bạn ăn nhậu bạt mạng. Tiền lương vừa lãnh xong anh đã trả nợ sạch túi. Có khi ba mẹ còn phải cho thêm tiền ăn sáng, đổ xăng. Bạn chấp nhận lấy chồng là bước đi “liều mạng”, như thể ngoắc hú họa chuyến xe cuối ngày, vì khi đó bạn đã sắp qua tuổi 30. Ở quê, tuổi đó là ế nhệ rồi.
Bạn hiểu rõ chồng nên không cấm chồng nhậu, chỉ yêu cầu chồng an toàn về nhà, không té bờ té bụi. Lần đó, chồng về muộn, thấy bạn chờ cửa mà ngủ gục trên sô pha. Trên bàn là hồ sơ sổ sách bạn nhận về làm thêm. Chồng hổ thẹn, thấy có lỗi với vợ. Vợ đã cố gắng vậy rồi, chồng không phải là gỗ đá nên không thể không thay đổi bản thân.
Tôi nhớ trong tiệc cưới một người bạn, anh nói với bạn bè: “Từ nay phòng mình có nhậu cũng đừng rủ tui nhen. Có vợ rồi, đâu thể ăn chơi hoài”. Cả bọn cười, chọc quê anh chưa gì đã sợ vợ, nhưng ai cũng hiểu rõ đó là người đàn ông có ý thức trách nhiệm. Ngay từ lúc vợ chồng bái gia tiên là đã bước sang một đoạn đời khác, gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ. Vai trò đã khác thì cách sống cũng phải khác đi.
Người ta hay nói có những người phụ nữ cao số, có thể "nắm quyền chồng", cải tạo chồng hư thành chồng ngoan. Tôi thì nghĩ chẳng phải chị vợ cao tay gì, chỉ là cô ấy cố gắng hết sức để vun vén gia đình. Người chồng sẽ nhìn vào nỗ lực của vợ để thay đổi bản thân, sống có trách nhiệm với gia đình. Tóm lại là phải từ cả 2 phía.
Các nhà tâm lý học thì cho rằng trong mỗi người đàn ông luôn có sẵn bản năng bảo bọc, chở che cho phái yếu. Khi đã lập gia đình, bản năng làm chồng làm cha trỗi dậy, người đàn ông sẽ nhận lấy trách nhiệm gánh vác kinh tế, chăm sóc vợ con.
Nếu ai đó lấy phải người đàn ông cứ mãi mải chơi, thiếu trách nhiệm với gia đình, thì không phải tại bạn kém cỏi, chẳng qua do chồng bạn không chịu trưởng thành.
Đức Phương