Làm sao dám đổi thay?

16/12/2015 - 07:53

PNO - “Con thương con của con, nhưng ba cũng thương con của ba!”, ba tôi đã buông một câu như thế với chị!

Không hiểu sao tôi nghe như có tiếng sỏi đá lao xao trong giọng nói của ba. Lâu nay vẫn biết tóc ba bạc, nhưng sao hôm nay tôi thấy tóc ba lại như bạc nhiều đến thế. Hay lâu lắm rồi tôi mới ngồi gần ba?

Chị tôi ngồi gần như lọt thỏm trong chiếc ghế salon. Dường như chị cố thu mình cho nhỏ đi, sao cho ba tôi không thấy chị càng tốt! Tôi có cảm giác chị như con thú bị thương. Câu nói của ba kết liễu sự chịu đựng trong chị, làm vỡ òa những nỗi niềm của gần 20 năm làm vợ, làm mẹ, những nỗi niềm mà chị không dám trải lòng.

Chị lấy chồng dù ba mẹ không đồng ý. Ngày cưới chị, tôi còn nhớ, ba vừa bình phục sau một năm biến chứng mổ thoát vị đĩa đệm, người hãy còn yếu, di chuyển còn nhờ đến cây gậy của bà cố. Ba gần như lặng im, mọi nghi lễ ông nội tôi lo hết.

Đến lúc chị run run dâng trà cho ba, ba chỉ nói đúng một câu: “Ba không đồng ý nó nhưng con chọn thì sướng khổ gì con phải chịu, không bao giờ được kêu với ba mẹ”. Mẹ và các cô dì sững sờ nhìn ba, không khí chùng xuống. Chị tôi khóc! Tôi nhớ lúc đó mình đang núp ở rèm cửa sau bàn thờ, cũng len lén lau vội nước mắt.

Lam sao dam doi thay?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhà có bốn chị em gái, tôi và hai em đều được học hết đại học, chỉ có chị là dang dở chuyện học hành. Giờ mỗi lần dấm dúi vào tay chị một ít tiền, mẹ lại quẹt nước mắt, thở dài: “Chị con chậm chạp, thật thà, ai bảo sao nó nghe vậy, ra đời cũng không khôn khéo, thua thiệt là không tránh khỏi”.

Ba tôi xem các con gái như bảo vật. Cả đời ba cơ cực, có lúc vì mưu sinh phải vác trên vai từng bao lúa, bao đường 50kg, thức trắng đêm này qua đêm khác lái chiếc ghe thương hồ giữa mịt mùng sông nước. Nhưng, ba luôn dành mọi điều tốt nhất cho chúng tôi.

Tôi nhớ những năm 80, bạn bè cùng lớp đã thèm thuồng ra sao khi mấy chị em tôi đến trường với những cây bút máy xanh đỏ, những chiếc cặp xinh xinh đeo chéo bên hông. Khi đó, nhiều bạn phải chăn trâu cắt cỏ, mò tôm bắt cá, lúc đói lúc no, còn chị em tôi thì phẳng phiu áo trắng đến trường.

Tôi nhớ lần đầu ba ngã bệnh ở tuổi 49, cái tuổi vẫn còn sung sức của một người đàn ông. Ba phải phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, hậu quả của một quá trình lao động nặng nhọc. Mấy chị em tôi nâng đỡ ba, đứa nào cũng nước mắt chảy dài. Chúng tôi dường như tự che chắn lấy mình, không đem buồn vui cuộc đời chất thêm lên đôi vai ba nữa. Chị về làm dâu một gia đình rất khác với nhà tôi.

Chị đâu biết có một người cha chỉ chải chuốt cho bản thân, ra ngoài nói chuyện hào hoa nhân nghĩa nhưng về nhà tàn nhẫn với vợ bằng cả lời nói và hành động. Chị làm gì biết có cảnh tuy là vợ chồng nhưng ăn uống riêng biệt, không bao giờ nói chuyện với nhau.

Chị làm gì biết, ngày lễ tết, người mà cha chồng chị chở đi thăm bạn bè dòng họ không phải là mẹ chồng mà khi thì bà này, lúc lại bà khác, công khai trước mọi người. Chị nào biết có một thân phận đàn bà lầm lũi nơi xó bếp trong ngôi nhà ngỡ như gia giáo đó. Chị cũng làm gì biết, chồ ng chị hít thở hằng ngày hằng giờ, từ năm này sang tháng khác, muốn hay không rồi vết xe đổ của đời trước, đời sau cũng khó tránh sẽ sa vào.

Đôi mắt trong veo của chị bắt đầu phảng phất những chênh vênh khi mang thai. Bụng mang dạ chửa nhưng chị vẫn phải hứng chịu những trận đòn tàn nhẫn của người chị yêu thương. Có lần, chị gõ cửa phòng trọ em gái, thều thào “Hai đói!” rồi ngất lịm, trong túi chị lúc ấy không có một xu.

Chị sinh cháu tay này nắm chặt thanh giường, tay kia níu mẹ khi anh rể bảo: “Đẻ gì! Nhậu chưa xong!”. Mẹ cũng không thể nắm mãi tay chị. Chị vẫn về nhà ấy, với người chị đã chọn, ánh nhìn ngày càng ngơ ngác.

Tôi nhận ra chị như con thuyền đã nhổ neo rời xa bến, dần xa lạ với gia đình tôi bởi vẻ cam chịu đến yếu hèn. Thật ra, bến vẫn ôm ấp thuyền đấy thôi. Mẹ tôi, chị em tôi vẫn thi thoảng giúp chị vài món tiền. Nhưng, trên đời liệu có ai có thể yêu đời khi không làm gì để có thu nhập, liệu có ai có thể hạnh phúc khi không có tình yêu?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI