Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em 30 tuổi, lập gia đình 4 năm, có hai con, con lớn 2 tuổi. Chung sống đã chừng ấy năm nhưng em thật sự không biết chồng mình là người thế nào, bởi chỉ nhận được từ anh toàn những lời dối trá. Khi nào cần tiền anh mới tỏ ra quan tâm đến em, còn thì chẳng thèm ngó ngàng.
|
Ảnh minh họa |
Công việc của anh không ổn định, lại thêm thói đi đàng đông nói đàng tây, nên chẳng biết đường nào mà lần. Gọi điện, thích thì anh nghe, không thì thôi; em trách móc kiểu gì anh vẫn trơ ra không thèm phản ứng. Hai lần em sinh con đều phải nhờ mẹ ruột đưa đi, vì không thể liên lạc được với anh. Những ngày em nằm viện, anh đến thăm như… người quen.
Em lấy anh không so đo chuyện giàu nghèo, mà vì thấy anh sống tự lập, hiền lành, ít nói, có vẻ nghiêm túc. Thành vợ chồng rồi, anh mới nói rõ là thu nhập của anh đang phải trả nợ mua đất, lo cất nhà để vợ chồng ra riêng, nên em vui vẻ cáng đáng mọi chi tiêu trong gia đình.
Nhưng không chỉ bấy nhiêu. Anh “tự nhiên” mua sắm vật dụng trong nhà, hết thứ này đến thứ khác, không bàn trước một câu nhưng lại bắt em phải trả tiền. Ở nhà chồng, em đành cắn răng chịu đựng. Em sinh con, về nhờ bà ngoại chăm suốt mấy tháng, anh ghé qua vài lần cho có mặt; không mua được một hộp sữa cho con, còn hỏi… xin tiền! Miếng đất anh nói đang trả nợ, một ngày lòi ra sự thật là của người khác, tiền không mà đất cũng không. Em làm dữ, anh giải thích quanh co toàn những lời không thể tin nổi.
Chưa kể, nhiều lần em phải vay tiền mẹ ruột để trả nợ cho anh vì bị người ta đến nhà đòi gắt, dù chẳng hiểu tại sao anh lại nợ nần liên tục như vậy. Lần nào lý do đều cũng là vì anh bị ai đó… lừa, mà em chắc chắn anh chẳng phải loại người dễ bị lừa đến vậy.
Thời gian đầu, khi những chuyện xấu của anh dần hiện ra, em đã tìm mọi cách để biện minh, để tha thứ, nhưng ngày càng thất vọng và cạn kiệt lòng tin. Đến giờ kiểm điểm lại, hình như em chưa từng được nghe một lời nói thật nào từ người đang là chồng mình. Em đã nhiều lần yêu cầu, vợ chồng phải trung thực để còn tin tưởng được nhau, còn dựa cậy vào nhau, nhưng anh ậm ừ cho qua chứ chẳng thay đổi gì.
Giờ em thật sự quá mệt mỏi, ngao ngán, chỉ còn muốn chia tay để tìm lại chút bình yên. Nhưng, em lại sợ con không cha, sợ mình bị tranh mất con. Chẳng lẽ cả đời em phải chịu đựng người không nói được một câu thật lòng với mình?
Thúy (Bình Dương)
Em Thúy mến,
Thật đáng sợ khi phải chia sẻ cuộc sống với một người luôn đeo mặt nạ trước mặt mình, chỉ dành cho mình toàn những điều dối trá. Sống như thế, làm sao em có thể biết con người thật của anh ta là thế nào? Anh ta nghĩ gì, làm gì, đang tính toán những gì? Anh ta yêu thương hay lợi dụng mình? Có xem quan hệ với mình chỉ là chuyện chồng hờ vợ tạm? Hạnh Dung thật tình không hiểu em đã sống thế nào suốt những năm qua bên anh ta.
|
Ảnh minh họa |
Chính em cũng nhận ra, chỉ những lúc cần tiền anh ta mới quan tâm đến em. Không chỉ nuôi anh ta như một kẻ ăn bám, em còn không ít lần phải trả thay anh ta những món nợ chẳng biết từ đâu sinh ra; bị buộc phải sắm sửa bao nhiêu đồ đạc trong nhà anh ta, những thứ hoàn toàn không được xem là tài sản của em - người trả tiền mua chúng! Em có thấy mình chỉ như một chú bò đang bị anh ta vắt sữa?
Chuyện anh ta toan tính thế nào với em, có lẽ chỉ mình anh ta biết. Tiền bạc em đã “trả nợ” thay, có thật là “tiền nợ” hay chỉ là những màn kịch do anh ta dàn dựng, vì “em chắc chắn anh chẳng phải người khờ khạo đến như vậy”, cũng chỉ anh ta mới biết. Nhìn lại những ngày qua, em chỉ cần biết một điều duy nhất là đủ: phải thoát khỏi tay anh ta, thoát cảnh “bị vắt sữa” càng sớm càng tốt.
Một người đã chẳng có chút trách nhiệm làm cha nào thì dù có bao nhiêu đứa con anh ta cũng không thể trở thành một người cha được. Các con em có cần một người cha như vậy? Em đừng lo chuyện sẽ bị anh ta tranh mất quyền nuôi con. Về nguyên tắc, khi ly hôn, con dưới 3 tuổi đương nhiên sẽ giao cho mẹ nuôi dưỡng. Anh ta lại chẳng rõ làm ăn kiểu gì, không có thu nhập ổn định, thì càng không có cơ sở tranh chấp quyền nuôi con với em.
Mặt khác, anh ta chỉ muốn lợi dụng em chứ đâu cần gì con cái. Nếu em có thái độ cứng rắn, quyết liệt để con người đó hiểu rõ là dù anh ta có giành được con thì cũng đừng mong lấy thêm một xu nào từ em. Khi đó, chắc chắn anh ta sẽ trút sạch gánh nặng lại cho em ngay. Em vẫn còn cha mẹ ruột để tựa vào mà bắt đầu lại. Hãy mạnh mẽ lên. Mình phải tự cứu mình thôi.
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn