Tôi cũng như các bà mẹ khác, tìm cách biến những ngày phong tỏa bức bối thành dịp gia đình quây quần bên nhau mà niềm vui dễ thấy nhất là công việc bếp núc. Cứ như đây là cơ hội trổ tài nấu nướng, trang Facebook đầy những hình ảnh món ăn và còn mời nhau nếm thử.
Cái loa thường xuyên lặp lại yêu cầu của ban phòng, chống dịch mà ban quản lý chung cư nói toẹt ra là đừng vì ở nhà rảnh quá mà sinh chuyện rủ rê túm tụm. Nghiêm chỉnh chấp hành, ai nhà nào ở yên trong nhà đó, nên tíu tít tin nhắn chủ nhà mở cửa lấy quà nhanh nhanh kẻo kem tan chảy mất. Những món quà nho nhỏ hàng xóm tặng nhau trong cơn phong tỏa rất giống bọn tuổi teen tán tỉnh nhau mà làm ra vẻ. Người tặng đặt túi quà trước cánh cửa đóng kín rồi quay lưng đi thật nhanh, chủ nhà đợi tiếng bước chân xa dần thì mở cửa lấy quà rồi vội vàng đóng cửa lại.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lời khen tấm tắc “ăn ngon quá nên xin công thức để bắt chước”. Tận tình ghi rõ công thức xong mà sợ bị đổ thừa nên người tặng cẩn thận nói thêm rằng “còn tùy nguyên liệu nữa nghen, nguyên liệu nơi khác thì mùi vị không ngon lành được như vậy đâu đó!”. “Món măng hầm này là măng lưỡi lợn mọc ở rừng Tây Bắc, bà chị mình ở ngoài đó gửi cho”. “Kem bơ này là bơ sáp nhà ông anh mình trồng ở Đắk Lắk”. “Chả thác lác thơm ngọt dẻo quẹo này là cá ao nhà ba má mình ở Đồng Nai”…
Kết thúc phong tỏa, tôi đi siêu thị mua về thùng bánh và nói phần Tý một hộp, còn lại để mẹ tặng hàng xóm gọi là đáp lễ cho những món quà mẹ con mình nhận bấy nay. Đang vui vẻ, Tý bỗng nín thinh một hồi rồi bật hỏi: “Mẹ không có quà ở quê ai gửi để tặng lại hả mẹ?”. Cùng với câu hỏi, tôi thấy trong mắt Tý nỗi niềm hệt như ngày nào nhìn mấy đứa nhóc cùng khu trọ có món đồ chơi đẹp đẽ mà Tý không có.
***
Quê nhà, với tôi là nơi mình kiếm ra tiền trang trải cuộc sống và có một chỗ ở mà mình là chủ. Định nghĩa này cho tôi sự yên ổn, khiến tôi thôi không nghĩ ngợi buồn đau về gia đình cũng như nơi chốn mình sinh ra. Những khi hội bà tám ở công ty nói cười về đề tài này thì tôi cũng nói nói cười cười kể về cha mẹ anh chị của mình - một vài mảnh ghép đó đây từ kỷ niệm xa lắc của thời thơ bé, đủ cho sự góp vui trong giờ giải lao.
Mùa hè những năm trước, sôi nổi bàn chuyện đưa con cái về quê nội quê ngoại, đóng vai bà mẹ thời hiện đại muốn con mình được rèn luyện trong môi trường mới mẻ, tôi đăng ký cho Tý tham gia những chuyến dã ngoại về vùng núi để luyện tập đôi chân mạnh mẽ, cho Tý về biển khơi vẫy vùng giữa mênh mông bao la… Mùa hè của Tý đầy ắp những điều mới lạ và ước muốn được đi thêm lần nữa. Niềm vui của Tý là điều có thật. Vậy là ổn.
Yên ổn rất quan trọng. Thấu hiểu điều này bằng chính đoạn đời lạc lối của mình, tôi không để bất kỳ điều gì làm tổn hại đến sự yên ổn của con tôi. Dù đôi khi, ừ, cũng có đôi khi… Tý lớn rồi, tuổi lên mười đã có những câu hỏi như là: “Sao nhà mình không có ba?”. Tôi cho Tý xem bộ phim hơi nặng đầu một chút, nhân vật chính là đứa con 12 tuổi phải bới rác kiếm sống bởi người cha suốt ngày say xỉn bét nhè còn bà mẹ chỉ biết than khóc…
Vậy là tôi dạy con so sánh để nhận diện hạnh phúc mình đang có.
***
Câu hỏi của Tý khiến tôi nhớ lại đoạn đời đó, tuổi 20 ngu dại, tôi yêu bất chấp. Cha mẹ tôi ra tối hậu thư hoặc là “thằng đó” hoặc là gia đình. Tôi chọn “thằng đó”. Đang là sinh viên năm thứ hai, dính bầu, tôi bỏ học, trộm tiền cha mẹ rồi trốn nhà theo “thằng đó” về thành phố. Sau bốn tháng, số tiền tôi trộm cạn kiệt, “thằng đó” biến mất cùng cái điện thoại là tài sản cuối cùng của tôi.
Bà chủ trọ tốt bụng cưu mang tôi đến khi cu Tý được ba tháng. Bà nói ông bà ngoại có giận đến mấy mà nhìn thấy đứa cháu bé bỏng thì cũng động lòng. Nghe lời khuyên, tôi bế con về quê xin được tha thứ.
Điều kiện để được tha thứ là tôi phải coi như không có Tý trên đời. Cha mẹ muốn tôi làm lại cuộc đời. Tôi đến chị Hai nhờ thuyết phục cha mẹ cho tôi được nuôi con. Chị chặn tôi từ đầu xóm, rằng “đừng để nhà chồng chị nhìn thấy em, nhục lắm”. Tôi đến nhà anh trai thì nghe một bài thuyết giáo đạo đức cho tôi hiểu mình là đồ cặn bã.
Tôi bế Tý quay lại thành phố. Buổi sáng bưng bê quán hủ tíu, chiều tối tôi chạy bàn quán cháo vịt; giữa hai ca làm việc đó, tôi dọn nhà theo giờ và giữa những công việc đó, tôi tranh thủ chạy về chỗ trọ cho con bú. May mà bà chủ trọ kiêm luôn việc giữ trẻ nên 10 giờ đêm tôi về tới phòng trọ là đón cu Tý về luôn, cũng tiện nhưng thân thể tôi rã rời. Chưa hết, đêm đêm tôi còn phải vài lần thức giấc cho con bú. Được một năm, tôi hết cố gắng nổi.
Đi làm nhà hàng đỡ cực mà thu nhập cao hơn, tôi trân mình chịu đựng những câu tán tỉnh thô bỉ và những cú đụng chạm cố tình. Cho tới khi tôi đụng anh trai mình. Đèn mờ, son phấn và áo váy màu mè khiến anh tôi không nhận ra em gái đang ngồi bàn đối diện, còn tôi thì trả đũa cho bài thuyết giáo đạo đức hôm nào bằng cách chờ đợi tới khi anh vuốt ve tôi. Tôi bật cười đắc thắng: “Anh mà cũng tới đây à?”. Anh trợn mắt như nỗi tổn thương là vô cùng tận.
Nhà hàng cũng là nơi tôi học lóm được cách buôn bán từ những người bỏ mối rượu bia và các loại mỹ phẩm. Dành dụm được ít tiền, tôi chuyển qua nghề tiếp thị. Tôi buông thứ này bắt thứ kia rồi lại buông… Không đủ vốn cho những mặt hàng cao cấp, tôi chuyển qua bán những mặt hàng mà ai cũng cần. Cực nhọc suốt ba năm lặn lội về các tỉnh vùng ven tạo lập thị trường riêng cho mình, giờ tôi là nhà phân phối các loại dầu ăn và nước chấm.
Ngày đặt cọc mua căn hộ chung cư này, tôi có hai ý định: một ngày nào đó tôi dắt con xênh xang về quê hoặc không bao giờ.
Ý thứ nhất khiến tôi dễ cáu kỉnh và tức giận vì nhớ nhà là nhớ luôn nỗi tủi nhục và oán hận. Ừ thì tôi có lỗi, nhưng khi đó tôi còn quá trẻ. Bà chủ trọ là người dưng còn mở lòng độ lượng mà ruột thịt sao nỡ? Vậy nên tôi chọn điều thứ hai. Ngay cả khi cô chủ quán tạp hóa vùng ven nói: “Mẹ cô hay tin cô bỏ mối hàng ở đây nên mấy bữa có tới hỏi thăm”. Người già dễ mềm lòng hay thời gian khiến cha mẹ tôi thay đổi? Thế nhưng dù vì gì đi nữa, lòng tôi vẫn dửng dưng. Ngày đó, đôi khi tôi ước mong đi làm về khuya nhìn thấy mẹ bế cu Tý chứ không phải bà chủ trọ, cho cơ thể rã rời của tôi được ngủ một giấc tới sáng…
Giờ đây tôi đã ổn rồi. Tôi không cần.
***
Nhưng điều đó cần cho Tý.
Tý tuổi lên ba thèm thuồng nhìn những món đồ chơi của đứa cháu bà chủ nhà trọ, tôi mua cho con đồ chơi to hơn đẹp hơn. Tý tuổi lên năm nhìn thằng nhóc cùng xóm bon bon trên chiếc xe đạp bốn bánh màu xanh xám, tôi mua cho con chiếc xe màu nâu đỏ rực rỡ hơn. Tý tuổi lên bảy mê mẩn nhìn đứa bạn cùng lớp có cái cặp in hình Messi, tôi mua cho con cái cặp Messi xịn hơn. Tuổi lên tám lên chín lên mười… Tý thích gì có nấy.
Nhưng làm sao có được quê nhà?
***
Không thể có được quê nội cho Tý nhưng quê ngoại thì tôi có thể. Dạo này, chị tôi hay thả tim những tấm hình tôi chụp cảnh đẹp lúc đi chơi hoặc cảnh thổi nến hôm sinh nhật Tý mà tôi đăng trên Facebook. Có lần chị còn bình luận: “Nhóc lớn quá ha”. Tôi im lặng.
Nửa đêm trở mình, đắp mền cho Tý, tôi tự hỏi mình có còn oán hận không. Tôi mệt lử vì giằng co giữa nỗi oán hận và quê ngoại cho con mình. Tý có tội tình gì? Lần đầu tiên tôi tự hỏi, mình có nên đưa Tý về quê ngoại.
Nguyên Hương