Làm sao có bức tranh gia đình trọn vẹn, viên mãn?

03/07/2024 - 20:32

PNO - Con dâu điện về mắng vốn: "Ba xử vụ này giùm con: chồng con đi nhậu về áo có vết son". Anh phải tìm hiểu sự việc, rồi hoà giải các con

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi lần đi dự tiệc cưới, tôi luôn để ý quan sát đôi tân lang tân nương. Họ rạng ngời hạnh phúc từ ánh mắt tới nụ cười. Có lần trong một đám cưới, cặp đôi khoác tay nhau lên sân lễ, áo cưới cô dâu dài lượt phượt làm cô vấp, suýt té. Chú rể nhanh tay đỡ vợ, lo lắng hỏi xem chân có đau không, có bị gì không, sau đó cẩn thận sửa chiếc áo cưới của cô dâu cho ngay ngắn… Nhìn cách chú rể ân cần và quan tâm, ai cũng mừng cho cô dâu đã chọn đúng người.

Trong lễ cưới, lời chúc phúc của hai họ dành cho cô dâu chú rể luôn là “trăm năm hạnh phúc”, “đầu bạc răng long”… Hai họ cầu chúc cặp đôi sẽ già đi bên nhau, hôn nhân sẽ tròn vẹn, hạnh phúc. Khi lập gia đình, ai mà chẳng mong cầu được tròn vẹn hạnh phúc; nhưng từ mong cầu tới thực hành đôi khi là khoản cách khó vượt qua.

Anh bạn tôi có con trai cưới vợ. Trong ngày cưới của con, anh cầm tay con trai đặt vào tay sui gia, ân cần gửi gắm: “Con còn trẻ dại, lỡ làm việc gì không phải, mong chị thương, dạy dỗ giùm”. Tôi có cảm giác những lời anh thốt ra khó nhọc vô cùng, bởi con trai đi ở rể, anh biết sẽ chẳng dễ dàng gì nên mới lựa lời nhờ cậy sui gia.

Mấy lần con dâu anh gọi điện cho anh: “Ba xử vụ này giùm con, chồng con đi làm ngày nào cũng về muộn”, “Ảnh đi nhậu về, có vết son trên áo đó ba”… Lần nào cũng vậy, anh phải tìm hiểu sự việc rồi lựa lời hoà giải con trai - con dâu.

Bà sui của anh rất nuông chiều con gái, trước giờ bà không để con động tay vào việc nhà. Con gái lấy chồng, bà luýnh quýnh dạy con cách chăm sóc gia đình, nhưng cô con gái không quan tâm, luôn ỷ vào mẹ.

Bà sui đi chợ, nấu cơm, giữ cháu; áo con rể đứt nút, cũng bà khâu giùm. Con trai anh nhắc vợ phụ mẹ một tay, nhưng cô vợ hồn nhiên: “Em không biết làm những việc này”.

Sui gia choàng gánh hết những yếu dở của con gái, mục đích cũng chỉ để giữ cho hôn nhân của con được ấm êm. Nhưng hạnh phúc gia đình không do chính người trong cuộc vun vén, sao có thể tròn vẹn?

Bạn tôi thấp thỏm dõi theo những hờn giận, bất hoà của con trai và con dâu. Mỗi lần điện thoại đổ chuông, thấy số của con trai hoặc con dâu là anh giật thót. Anh tự dặn mình bình tĩnh, rồi tìm chỗ ngồi xuống, nhẹ giọng: “Ba đây, chuyện gì vậy con?”.

Rồi cuộc hôn nhân của con anh cũng tan vỡ, dù anh và sui gia cố hết sức hàn gắn. Anh bất an khi nghĩ đến tương lai của con, đàn ông sắp qua tuổi 40 còn lận đận chưa yên. Con trai anh hồn nhiên: “Không ở được với vợ này thì cưới vợ khác, ba lo gì”. Con vô lo vậy anh mới rầu. Phải chi con chín chắn, biết trân trọng gia đình…

Con trai anh cưới vợ lần 2. Anh nghĩ qua một lần đò con đã đủ trưởng thành, có nhiều bài học cho bản thân. Anh vét tiền dưỡng già, làm đám cưới cho con. Cô gái mà con anh chọn, dù là tập 2, vẫn phải được tôn trọng và đường đường chính chính bước vào nhà.

Anh đi cưới dâu lần này cũng bỏ tiền mua 2 cây vàng, 50 triệu đồng tiền sính lễ và đôi bông tai gắn hột xoàn, y như lúc cưới con dâu đầu. Chẳng phải anh ra vẻ gì, chỉ là cố hết sức để vun vén hạnh phúc cho con trai. Anh ráng sức dọn bớt sỏi đá trên đường con đi, để hành trình của con được nhẹ nhàng. Hy vọng lần này con biết trân quý hạnh phúc gia đình.

Những người trẻ đôi khi vì cái tôi cá nhân hoặc vì muốn chứng tỏ bản thân đã không chịu hạ mình, không kiên trì cố gắng để gìn giữ hôn nhân. Sau vài cuộc cãi vã là đòi ly hôn. Họ chẳng sợ miệng đời, cũng không nhìn thấu nỗi thấp thỏm của mẹ cha.

Đôi khi con cái mang về tặng mẹ cha vài hộp thuốc bổ, hàng tháng gửi tiền, rồi dặn mẹ cha đừng lo lắng, cứ yên tâm an hưởng tuổi già. Nhưng làm cha mẹ, vui sao được khi con cái còn lận đận, vợ chồng chúng nay cãi, mai huề. Người già trái tim bỗng trở nên yếu đuối và sợ sệt. Họ không sợ cho bản thân, chỉ lo lắng cho con cái. Ăn gì mà ngon, đi đâu mà thấy vui một khi con cái còn chưa yên ổn trong tổ của nó.

Ảnh minh họa
Cha mẹ chỉ cần con yên ấm trong cái tổ của chúng - Ảnh minh họa

Trải nhiều gừng cay muối mặn, mẹ cha hiểu lắm giá trị của hai chữ “bình yên”. Nhiều nhà treo bức ảnh gia đình được phóng to ở ngay phòng khách. Trong ảnh có đủ 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cháu. Những cặp vợ chồng trẻ tay bế, tay dắt con đứng phía sau ba mẹ. Già trẻ bên nhau yên hoà. Bức ảnh gia đình thật đẹp, thật viên mãn. Để tạo nên bức tranh gia đình trọn vẹn, đòi hỏi mỗi thành viên phải biết nhẫn nhịn, hy sinh và cố gắng rất nhiều.

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI