Làm sao cho đẹp lòng ba chồng?

09/03/2024 - 20:11

PNO - Sự trách mắng của ông cũng từ chỗ mong con, thương cháu, tủi thân mà ra. Đó là cái em có thể bỏ qua cho ông bà, đừng suy nghĩ nhiều cho nặng đầu.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Gia đình em sống xa quê, cả nội ngoại đều xa, vợ chồng em lập nghiệp ở thành phố, 2 bên gia đình cũng không giúp đỡ được gì nhiều. Dù vậy, em biết phận dâu con, vẫn luôn cố gắng chăm lo cho ông bà.

Chỉ riêng việc về quê ăn tết là vợ chồng em chưa làm được vì mỗi lần về rất tốn kém, tàu xe khó khăn, các con còn nhỏ. Tết này cũng vậy.

Trước tết, công việc khó khăn, lương thưởng trồi sụt nhưng em vẫn cố gắng hết sức để gia đình có chút tiền ăn tết, còn lo quà cáp mừng tuổi ông bà nội ngoại. Mấy tháng cuối năm, em làm việc như trâu, may mắn sao cũng có được chút đỉnh đủ xài.

Chồng em thay mặt gia đình chuyển tiền sắm tết cho ba mẹ 2 bên từ 23 tháng Chạp, chiều 30 tết anh cũng gọi điện cho 2 gia đình, chuyển tiền mừng tuổi ông bà đầy đủ. Em lo dọn dẹp, nấu nướng nên đến tối mùng Một mới gọi điện thăm hỏi sức khỏe và chúc tết ba mẹ 2 bên.

Thực sự em thấy mình đã cố gắng rất nhiều. Nhưng ngay khi em chào hỏi, chúc tết chưa xong, ba chồng em đã mắng.

Ban đầu ông nói mát mẻ kiểu mấy tháng rồi mới nghe con dâu gọi. Sau đó, ông nổi nóng, mắng em không tròn phận dâu con, không lo cúng kiếng giỗ quải, 3 ngày tết không thấy mặt cũng không có được một lời. Làm ăn chi đến nỗi năm bảy phút gọi điện về hỏi thăm ba mẹ mà cũng không được? Ham tiền ham bạc, cha mẹ già chết rồi để tiền đó mà ăn!

Em thực sự sốc, mấy ngày tết em ráng vui mà không vui nổi. Sao ba mẹ chồng em không hiểu rằng chồng em đã thay mặt rồi, để có tiền cho anh chuyển về thì em cũng phải làm lụng vất vả.

Ba mẹ chồng em năm nay mới ngoài 70, nhà còn 2 đứa em lập gia đình vẫn ở quê, gần ông bà, có gì 2 cô chú chạy qua chạy về đỡ đần. Điều khiến em tủi thân là ngay sau đó chồng em gọi thì ông bà vẫn vui vẻ nói chuyện, yêu thương dặn dò con đi làm nhớ giữ sức khỏe. Cứ như chỉ có con họ mới đi làm, còn em là thứ ăn bám, trốn bổn phận làm dâu.

Chồng em còn nói: đó, có gì đâu, ông bà vui vẻ bình thường mà! Em giận quá, không nói gì luôn. Em phải cư xử thế nào thì mới vừa ý gia đình anh ấy?

Ngọc Kim (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Kim thân mến,

Ngày tết hay ngày thường mà gặp chuyện không vui, mình có bực bội một chút cũng là bình thường. Muốn hiểu căn nguyên cơn giận của ba chồng, em thử đặt mình vào vị trí của ông.

Vợ chồng em là con cả, ngày tết ở quê, ông bà mong con cháu về đông đủ, sum vầy, tiền bạc dẫu có cũng không thay thế được. Chắc là ông bà rất mong vợ chồng em về. Vợ chồng em khó khăn không về được thì nên gọi điện nói chuyện cho ông bà hiểu. Với người già, không phải nói 1 lần là hiểu mà đôi khi phải nói đi nói lại, mỗi lần một chút.

Có thể thời gian cuối năm em quá bận, ít gọi điện, ít chia sẻ với ông bà. Tết đến nơi, biết đâu ông bà trông qua nhà hàng xóm thấy con cháu về đông đủ, rồi có ai nói câu gì đó khiến ông bà chạnh lòng nên ông buồn, ông giận. Thậm chí biết đâu ông bà đã bắt đầu lẫn, lúc nhớ lúc quên, cứ nghĩ bấy lâu nay em không hỏi thăm trong khi thực tế em vừa gọi gần đây thôi.

Nói cho cùng, sự trách mắng của ông cũng từ chỗ mong con, thương cháu, tủi thân mà ra. Đó là cái em có thể bỏ qua cho ông bà, đừng suy nghĩ nhiều cho nặng đầu. 

Đời sống của gia đình em đang khó khăn, chưa thể làm hài lòng hết mọi người. Vợ chồng em xem có lúc nào trong năm thuận tiện, tàu xe rẻ hơn thì thu xếp về thăm ông bà, gần gũi chuyện trò cho ông bà hiểu, rồi mọi chuyện sẽ qua.

Có một điều quan trọng: đừng giận lây sang chồng. Chồng em có thể vô tư, em nên nói chuyện với chồng để những lần anh gọi điện thăm hỏi ba mẹ thì không quên kể về cuộc sống, công việc của cả hai; kể về nỗi vất vả, sự cố gắng vén khéo của em… Đó mới là cách hóa giải sự hiểu lầm nếu có của ông bà nội.

Mong em bình an và những nỗ lực của em trong năm mới sẽ mang đến kết quả tốt đẹp.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Thế Bảo (Quận Bình Tân, TPHCM): Ba chồng vì thương nhớ mới trách 

Qua câu chuyện bạn kể, tôi nghĩ có lẽ đã nhiều năm rồi vợ chồng bạn chưa về quê ăn tết, mấy tháng rồi bạn cũng chưa gọi điện hỏi thăm ba mẹ chồng.

Đáng lý ra, ngay tối giao thừa hoặc sáng sớm mùng Một, bạn nên gọi điện chúc tết ông bà chứ không nên để đến tối muộn. Hành động này có thể khiến ông bà chạnh lòng, nghĩ rằng con dâu không coi trọng gia đình chồng. 

Nếu cứ chuyển tiền mà chẳng quan tâm, cho rằng chồng đại diện chúc tết ba mẹ là hoàn thành nghĩa vụ thì dần dà sẽ hình thành thói quen “sao cũng được”. Khi đó, bạn sẽ rất khó dạy bảo con cái về sự đền đáp công ơn với bậc sinh thành, ý nghĩa về sự sum họp vào dịp tết cổ truyền dân tộc. 

Cẩm Tú (Dĩ An, Bình Dương): Nên gọi điện hỏi thăm ông bà nhiều hơn

Có lẽ bạn thuộc mẫu người báo hiếu bằng vật chất, không khéo léo quan tâm bằng lời nói nên ít gọi điện hỏi thăm ba mẹ chồng. Có lẽ vì áp lực từ những lời hỏi thăm của hàng xóm trong dịp tết mà ba chồng mới la rầy bạn vài câu. 

Tôi nghĩ chồng bạn không hẳn là không quan tâm cảm xúc của vợ mà vì muốn giữ hòa khí gia đình, hóa giải sự hiểu lầm giữa bạn với gia đình chồng nên mới nói “ông bà vui vẻ bình thường mà”.

Mỗi người khi về già sẽ có những mong muốn riêng ở con cái. Nhưng, với hầu hết người già, vật chất không phải là thứ làm hài lòng họ. Chính những cuộc gọi điện hỏi han, sự hiện diện của con cái trong ngày tết mới là điều họ mong chờ. 

Nếu vì hoàn cảnh khó khăn, không thể thường xuyên về thăm ba mẹ chồng, bạn nên tập thói quen chủ động gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà nhiều hơn. Sau cuộc gọi với tất cả sự cởi mở, chân thành, tôi tin rằng ông bà sẽ vui vẻ bình thường trở lại. 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI