Theo cuốn sách Phương pháp giáo dục con của người Mỹ (tác giả Trần Hân), rèn luyện cho bé ngủ một mình là cách hạn chế thói làm nũng, dựa dẫm, tránh tự ti, nhút nhát sau này. Nó có ích cho việc bồi dưỡng ý thức độc lập để sau này con dựa vào năng lực bản thân mà sinh tồn.
Cha mẹ Mỹ thường cho trẻ ngủ riêng từ sáu - bảy tháng tuổi. Khi ngủ riêng, trẻ sẽ học cách tự nói chuyện, tự chơi một mình, học cách đối diện với bóng tối, tự an ủi bản thân, làm chủ tâm lý, dũng cảm đối mặt với khó khăn... Bằng cách đó, cha mẹ có thể vừa bồi dưỡng tính tự tin, tự lập. Sau này, khi gặp khó khăn hay cảm thấy cô đơn trong cuộc sống, bé sẽ nhanh chóng điều chỉnh bản thân để tự mình vượt qua những thử thách.
Ngủ chung hay ngủ riêng?
Nhiều gia đình Việt Nam vẫn có thói quen cho bé ngủ cùng cha mẹ đến khi trẻ lớn, thường là đến khi con có em hay khi con đi học. Thậm chí, có ông bố tâm sự trong một diễn đàn làm cha mẹ rằng con gái anh học lớp 8 vẫn ngủ cùng bố mẹ. Bố vẫn vỗ lưng và ru cho ngủ. Điều này liệu có ảnh hưởng không tốt đến bé? Chưa có nghiên cứu khoa học nào về tác động của vấn đề ngủ chung quá lâu với cha mẹ. Nhưng dựa trên khoa học tâm lý, trẻ được bố mẹ bao bọc, cho ngủ chung quá lâu sẽ dựa dẫm, làm nũng, chậm trưởng thành về mặt tâm lý.
Trẻ sẽ khó độc lập, tự tin, sợ bóng tối, khó thích nghi khi hoàn cảnh sống thay đổi... Hơn nữa việc chung giường, chung phòng ngủ với bố mẹ sẽ có thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như con cái thức giấc và vô tình chứng kiến cảnh riêng tư của cha mẹ. Nhiều nhà ở của người Việt khá chật chội, cha mẹ và con khó có không gian riêng nên gây ra những chuyện khó xử. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý của trẻ, thậm chí có trẻ bị sốc, rối loạn tâm lý.
Nhiều cha mẹ Việt Nam cũng đã cho con ngủ riêng khi con được vài tháng tuổi. Điều này gây ra tranh cãi giữa ông bà với cha mẹ, ngay cả giữa cha và mẹ cũng không thống nhất. Người ủng hộ ngủ riêng cho rằng cách này giúp con tự lập, người phản đối cho rằng tình cảm cha - mẹ - con sẽ xa cách, trẻ có thể gặp nguy hiểm... Có bà mẹ tâm sự trong một hội thảo làm cha mẹ về việc thử áp dụng cho con gái ngủ riêng nhưng thất bại vì thấy không phù hợp với điều kiện gia đình mình.
Cô không yên tâm để con ngủ một mình, cô thường xuyên phải thức dậy kiểm tra xem con ngủ có an toàn không và để cho con bú... Điều này khiến cô mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sữa, ban ngày mệt mỏi không chăm bé, chơi với bé được vui vẻ. Chồng và mẹ chồng cô cũng phản đối nên cuối cùng cô đã cho bé ngủ chung để tiện chăm sóc.
Làm sao cho bé ngủ riêng?
Ngủ riêng có nhiều lợi ích cho bé. Nhưng những lo lắng của nhiều người về việc cho bé ngủ riêng sớm cũng cần lưu tâm.
Đặc biệt phải lưu ý sự an toàn của bé. Cha mẹ không được để những vật có thể chèn bé, làm bé khó thở khi ngủ vì trẻ em ngủ hay giãy đạp, xoay xở ngang dọc... Phòng của trẻ cần sự yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ giúp trẻ dễ ngủ. Phòng con cần ở sát phòng cha mẹ. Trong thời gian cho con bú, cha mẹ nên cho con ngủ giường nhỏ, hay nôi ngay cạnh giường cha mẹ để tiện chăm sóc. Cha mẹ nên chuẩn bị những đồ vật quen thuộc với trẻ như gối ôm, thú bông để trẻ thấy gần gũi, yên tâm đi vào giấc ngủ.
Mối quan hệ gắn bó mẹ con rất cần được quan tâm khi quyết định cho bé ngủ riêng. Theo học thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby, trẻ cần phải phát triển được mối quan hệ lành mạnh với người chăm sóc, đặc biệt là mẹ, để có thể phát triển tốt về mặt cảm xúc và xã hội. Trẻ rất cần lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc âu yếm, ân cần của cha mẹ; từ đó tạo cho trẻ mối quan hệ gắn bó an toàn, giúp trẻ lớn lên tự tin, hạnh phúc, tin tưởng, yêu thương bản thân và người khác.
Nếu chúng ta cho trẻ ngủ riêng mà không chú ý xây dựng mối quan hệ gắn bó này, trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực như quấy khóc, bướng bỉnh, buồn chán, thiếu kiềm chế cảm xúc và hành vi trong tương lai... Cha mẹ nên dành thời gian ôm trẻ, hát ru, nói chuyện, đọc chuyện cho trẻ... Chỉ cần từ 15-20 phút được thực sự quan tâm, yêu thương bên cha mẹ, trẻ sẽ thấy an tâm, ngủ ngon hơn.
Cha mẹ hãy tập cho con ngủ riêng càng sớm càng tốt. Nếu tập muộn khi con đã quen ngủ chung thì sẽ khó khăn cho cả trẻ và cha mẹ. Sự thích nghi với việc ngủ riêng của trẻ sẽ rất khó khăn. Trẻ sẽ sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ đủ thứ (nhất là trẻ nào hay bị dọa ma, ông kẹ...), nhất là giai đoạn trẻ từ ba - bốn tuổi. Vì vậy, nên cho trẻ ngủ riêng sớm trước giai đoạn này.
Khó khăn của cha mẹ là tâm lý thương con, lo cho con, không nỡ xa con. Nhiều cha mẹ tâm sự thấy buồn, hụt hẫng khi cho con ngủ riêng, không chịu nổi sự xa cách, cộng thêm sự đòi hỏi ngủ chung của con nên đã không đủ kiên nhẫn và kiên quyết tách con ra.
Việc cho con ngủ riêng là cần thiết. Cha mẹ cần chuẩn bị chu đáo cả không gian riêng của con cũng như chuẩn bị tâm lý cho con và cả cho mình. Để quá trình tập cho con ngủ riêng được thuận lợi, rất cần sự thống nhất của cha mẹ và những người thân sống cùng trẻ. Cần sự kiên quyết nhưng khéo léo để trẻ thích nghi và dần chấp nhận sự tự lập đầu tiên này. Cha mẹ muốn con trưởng thành, hãy bắt đầu từ việc tập cho con ngủ riêng!
PHẠM THỊ THÚY
Khi ngủ riêng, trẻ sẽ học cách tự nói chuyện, tự chơi một mình, học cách đối diện với bóng tối, tự an ủi bản thân, làm chủ tâm lý, dũng cảm đối mặt với khó khăn... Sau này, khi gặp khó khăn hay cảm thấy cô đơn trong cuộc sống, bé sẽ nhanh chóng điều chỉnh bản thân để tự mình vượt qua những thử thách.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.