Làm sao bỏ văn mẫu ở bậc tiểu học?

18/05/2023 - 11:24

PNO - Dù Chương trình GDPT 2018 “trao quyền” cho thầy cô nhiều hơn, nhưng tình trạng học theo văn mẫu vẫn xảy ra ở bậc tiểu học.

Phụ huynh phát hoảng

Chị Trần Tuyết Mai (ngụ TP Thủ Đức) có 2 con đang học tiểu học. Trong nhiều lần kèm con học bài ở nhà, chị phát hoảng khi con viết những bài văn “phi thực tế”. 

Chị kể, khi tả về món đồ chơi mà con yêu thích nhất, con chọn tả về cây súng nước và tả rất chi tiết, tỉ mỉ. Tôi thắc mắc với con là mẹ đã bao giờ mua súng nước cho con chơi đâu mà con lại chọn đây là món đồ chơi yêu thích nhất. Sao con không chọn những món đồ chơi mà hàng ngày con vẫn chơi để tả, con nói “cô không cho, cô nói phải tả như thế này…”.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) thích thú đọc các bài thơ do bạn bè tự sáng tác
Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) thích thú đọc các bài thơ do bạn bè tự sáng tác

“Cây súng nước chỉ là một ví dụ thôi, còn những bài văn tả như tả về tủ quần áo, bàn học, tả về mẹ… là những điều rất gần gũi với con nhưng các câu văn tả đều không hề gắn với thực tế của con trong gia đình. Những câu văn của con dù được trau chuốt nhưng xa vời, thậm chí con cũng không hiểu mình viết gì” - chị Mai nói.

Tương tự, chị Tú Quyên (ngụ quận 3) phải phì cười với bài văn tả ông ngoại của con khi “tối nào ông cũng đọc truyện cho em nghe”, bởi vì ông ngoại đã già yếu rồi, mắt kém nên không thể nào đọc truyện được.

“Khi tôi hỏi vì sao con lại tả ông ngoại đọc sách mỗi tối cho con, con trả lời, cô nói rằng khi tả về ông bà là phải có ông bà đọc truyện cho các cháu nghe. Theo tôi, chính những điều rập khuôn này sẽ làm trẻ mất đi sự hứng thú với những điều xung quanh, không thể góp phần giúp trẻ hình thành nên tình cảm trong quá trình học…” - chị Quyên bày tỏ.

Làm sao bỏ văn mẫu?

Nhiều năm gắn bó với giáo dục tiểu học, nhà văn Nguyễn Thị Nguyệt Thu - nguyên phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) -  khẳng định, sở dĩ thầy cô chưa thể thoát ly ra khỏi văn mẫu cho đến tận thời điểm này, khi Chương trình GDPT 2018 đã triển khai được qua 3 năm ở bậc tiểu học, là vì ngoài việc văn mẫu trở thành thói quen còn do ngại thay đổi. Thầy cô còn quá nặng nề về việc dạy theo kịp chương trình mà chưa có sự chú trọng đến yếu tố dạy văn…

“Có dịp đến các trường tiểu học chia sẻ về việc dạy văn, tôi hỏi nhiều giáo viên đang dạy lớp 3 Chương trình GDPT 2018 rằng liệu các thầy cô đã buông được văn mẫu hay chưa? Câu trả lời tôi nhận được luôn là “chưa thể”, các thầy cô cho biết không có quá nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, đổi mới, nhất là khi sĩ số lớp luôn ở mức cao…” - cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu chia sẻ.

Trong khi đó, bà cho rằng, với Chương trình GDPT 2018 thầy cô có nhiều thuận lợi hơn để “buông” văn mẫu, đạt tới mục tiêu giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, hình thành phẩm chất, năng lực.

Cụ thể, chương trình mới có hẳn nội dung hoạt động trải nghiệm cho học sinh, nếu thầy cô linh hoạt thiết kế các hoạt động trải nghiệm gắn với môn học, hướng dẫn học sinh cách quan sát thì từng bước sẽ thoát ly dần ra khỏi văn mẫu… Ngoài ra, chương trình mới có cái hay là giúp học sinh bộc lộ tình cảm của mình trong câu văn, là điểm nhấn để các em sáng tạo nhiều hơn.

Thiết kế các hoạt động trải nghiệm gắn với môn học là cách để thầy cô từng bước thoát  ly khỏi văn mẫu
Thầy cô có thể thiết kế các hoạt động trải nghiệm gắn với môn học để từng bước "thoát ly" khỏi văn mẫu

“Để thoát được văn mẫu thì quan trọng nhất là thầy cô phải mạnh dạn vượt ra ngoài các khuôn mẫu, vượt qua những e dè, sợ sệt để trẻ được phát huy khả năng sáng tạo. Thầy cô phải thay đổi suy nghĩ, phương pháp dạy với môn tập làm văn… Trong quá trình dạy cần hướng học sinh khả năng quan sát theo trình tự, tư duy. Bên cạnh đó phải khuyến khích học sinh đọc, hình thành thói quen đọc sách, yêu đọc sách để giúp các em mở rộng vốn từ, suy nghĩ. Đặc biệt, thầy cô cần đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ nhiều hơn, chấp nhận góc nhìn quan sát của trẻ, uốn nắn những tư duy chưa phù hợp” - cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu chỉ rõ.

Cô ví dụ: "Khi học sinh tả, “mái tóc của cô như dòng suối nhỏ”, mái tóc đẹp như vậy nhưng cô giáo lại gạch bỏ và phê rằng em viết kỳ quá. Như vậy rõ ràng là thầy cô đã triệt tiêu sự sáng tạo, tư duy, liên tưởng của học sinh. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Tôi mong thầy cô nên chấp nhận các ý tưởng của trẻ, ví dụ con có thể tả “cây dưa nhìn từ xa giống như cây chổi dựng ngược”, tả đuôi con thỏ như cái bánh bao…, bởi đây là những ý tưởng hình thành từ chính sự quan sát, tư duy của trẻ. Chỉ khi chấp nhận những ý tưởng này của trẻ, mới có thể khuyến khích trẻ sáng tạo, từ đó vượt ra ngoài khuôn khổ các bài văn mẫu…”.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI