Làm sao biết trẻ bị COVID-19, sốt xuất huyết hay tay chân miệng?

05/05/2022 - 06:11

PNO - Số lượng trẻ mắc tay chân miệng ở các bệnh viện nhi cũng đang có xu hướng tăng.

TPHCM và các tỉnh, thành lân cận đang bước vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, số lượng trẻ mắc tay chân miệng ở các bệnh viện nhi cũng đang có xu hướng tăng do người lớn đa phần lầm tưởng rằng con sốt là do COVID-19, dẫn đến nhiều trẻ khi được đưa đến bệnh viện đã vào giai đoạn nặng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, phụ huynh rất giới hạn việc đưa con đến bệnh viện thăm khám vì lo sợ nhiễm bệnh. Hiện nay nhiều phụ huynh thường cho rằng trẻ sốt là do COVID-19 nên đã vô tình bỏ qua giai đoạn điều trị cần thiết của con.

Cả ba loại bệnh trên đều có thể gây sốt cao. Tuy nhiên, với sốt xuất huyết, trẻ sốt kéo dài từ hai đến bảy ngày, có cảm giác ớn lạnh, khó hạ. Một số trường hợp, trẻ có thể than đau đầu, nhất là hai bên thái dương và sau gáy, hốc mắt nóng, nhức, cũng có trẻ ho khan, rát họng đi kèm.

Vài ngày đầu, cha mẹ có thể theo dõi trẻ tại nhà, nếu trẻ sốt trên 38,5oC, cho uống thuốc, siro hạ sốt; mặc đồ thoáng mát, không trùm kín. Cha mẹ cho bé ăn thức ăn lỏng, chia nhiều bữa nhỏ. Tránh cho trẻ ăn những thức ăn có màu đỏ, sậm màu nếu trường hợp trẻ nôn ói, tiêu chảy người lớn sẽ phân biệt được trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài sốt, theo dõi da phía trong cánh tay, đùi có các mụn đỏ, xuất huyết, một vài trường hợp trẻ bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi tiêu phân đen.

Ở bệnh tay chân miệng, giai đoạn khởi phát, trẻ sốt, mệt mỏi, đau họng, quấy khóc… Đồng thời, trẻ chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, bỏ bú… do các mụn nước nổi trong khoang miệng, má, lưỡi gây đau rát. Quan sát trên da có phát ban, lòng bàn tay, đầu gối nổi mụn nước li ti. Nếu để lâu, trẻ sốt cao dễ bị co giật, mê sảng, đi đứng loạng choạng…

Trường hợp trẻ sốt cao hoặc sốt nhẹ, kèm các triệu chứng ho, đau họng, nghẹt hoặc sổ mũi, trẻ than nhức đầu, khó thở, mệt mỏi… nếu có yếu tố dịch tễ (từng đến nơi, tiếp xúc với người mắc COVID-19), người lớn nên test nhanh cho trẻ. 

Trong trường hợp người lớn quá lo lắng, không thể xác định nguyên nhân sốt của con mình, hoặc nghi ngờ trẻ vừa là F0 vừa bị sốt xuất huyết, tay chân miệng, trẻ có bệnh nền, béo phì… nếu sốt cao ba ngày không hạ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để bác sĩ thăm khám, điều trị đúng bệnh. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI