Làm sao bảo vệ gia đình trước nguy cơ ngộ độc thức ăn?

17/10/2023 - 12:06

PNO - Thời gian qua, nhiều vụ trẻ em, người lớn bị ngộ độc hàng loạt sau khi ăn bánh ngọt, bánh mì… khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng trong việc bảo vệ con em mình trước nguy cơ này.

Chực chờ nguy cơ ngộ độc thức ăn

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, ngộ độc thức ăn, nhất là ngộ độc hàng loạt thường do 3 tác nhân phổ biến gồm: tụ cầu vàng, vi khuẩn salmonella spp và E.coli. Trong đó, vi khuẩn E.coli và salmonella có trong phân của động vật, người; hoặc xuất hiện trong quá trình chế biến, bảo quản không tốt, làm cho thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn. Càng để lâu, vi khuẩn càng sinh sôi nảy nở.

Tùy theo môi trường ngộ độc, tụ cầu vàng, salmonella và E.coli sẽ gây hại cho sức khỏe người bệnh. Nguy hiểm nhất là vi khuẩn E.coli, sau đó là salmonella. Tuy nhiên, nếu một người ăn quá mức, cấp cứu trễ đều có khả năng tử vong như nhau.

Bệnh nhi nhập viện điều trị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH MINH HỌA
Bệnh nhi nhập viện điều trị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh minh họa

Theo đó, một người ăn phải thức ăn đã bị nhiễm khuẩn, tùy vào số lượng thực phẩm ăn vào, thể trạng người bệnh, mức độ rối loạn tiêu hóa… sẽ có những biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Trường hợp bị ngộ độc nặng, bệnh nhân có nguy cơ tổn thương nhiều cơ quan, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong. 

Theo bác sĩ Khanh, tất cả các loại thức ăn, thực phẩm đều có thể bị nhiễm độc. Những ca ngộ độc gần đây đều ghi nhận sự có mặt của vi khuẩn salmonella.

Quy trình chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, thành phẩm, bảo quản thức ăn rất quan trọng bởi ở mỗi khâu đều có khả năng nhiễm khuẩn, gây ngộ độc. Ví dụ như một người mua nguyên liệu nấu ăn, bản thân nguyên liệu đó có thể đã bị nhiễm khuẩn rồi mà người nấu không biết. Hoặc sau khi chế biến đồ ăn xong, thực phẩm được để gần với dụng cụ, hay vị trí đó bị nhiễm khuẩn thì món ăn mới mang lên cũng sẽ nhiễm khuẩn. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, thức ăn cũng có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập… 

Vì vậy, tại mỗi gia đình, hàng quán, trường học… đều phải an toàn chứ không chỉ ở nơi sản xuất của nhà máy.

Phòng tránh ngộ độc thức ăn

Bác sĩ Khanh lưu ý, đối với người dân, khi chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy tắc an toàn như không để thức ăn sống, cạnh thức ăn đã nấu chín. Sau khi chế biến, mọi người phải đáp ứng quy trình bảo quản như trữ lạnh, nóng, khu vực lưu trữ sạch sẽ…

Nếu mua thức ăn đóng gói, nấu sẵn, người tiêu thụ phải đọc và làm đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất như món cần ăn lúc tươi, món ăn nóng, món sống… Khi đã mở gói đồ ăn, cần phải ăn hết, nếu thức ăn còn dư, hãy bảo quản đủ độ lạnh, kín, không trữ chung với thức ăn sống. 

“Giai đoạn hiện tại lúc mưa lúc nắng, đặc biệt khi thời tiết nóng, mọi người phải hết sức lưu ý bởi thức ăn càng dễ ôi thiu. Nhất là thức ăn để qua đêm, một khi có vi khuẩn thì chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhiều. Vì vậy, trước khi ăn món gì, cần kiểm tra món ăn đó đã bảo quản đúng chưa, an toàn không. Dễ nhất là ngửi đồ ăn xem có mùi hôi không, bởi đa số thức ăn nhiễm khuẩn sẽ có mùi riêng rất đặc trưng. Trường hợp nếu không may bị ngộ độc thì nên bình tĩnh, đánh giá mức độ ngộ độc để kịp thời tới bệnh viện ngay, đừng chần chừ, tự chữa” - bác sĩ Khanh chia sẻ.

Ngộc độc thức ăn có nhiều mức độ nên triệu chứng cũng khác nhau, triệu chứng khởi phát ngay hoặc từ 2-6 tiếng sau khi ăn. Có người không ói nhiều, không đau bụng nhiều, đi phân lỏng… có thể theo dõi tại nhà và uống bù nước. Nhưng nếu người bệnh bị nôn ói, tiêu chảy nhiều, cơ thể mệt lả không thể bù nước. Đặc biệt cảm thấy choáng váng, lừ đừ, đau quặn bụng liên tục, nôn ói, tiêu chảy ngày càng nhiều; trẻ em sẽ li bì, sốt cao, không chơi, hay sốt cao đến mức mê sảng… thì chắc chắn bệnh đã diễn tiến nặng, khả năng độc tố đã diễn tiến toàn thân. Hãy đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay để được bác sĩ đánh giá, điều trị đúng. Tuyệt đối không được ở nhà chịu đựng, hay chờ đợi vì có nguy cơ tử vong. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI