Làm sạch Ngọ Môn - Huế bằng máy phun rửa áp lực cao

15/03/2019 - 18:18

PNO - Cổng Ngọ Môn - biểu tượng văn hóa Cố đô Huế được làm sạch ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên các bức tường, bằng công nghệ hơi nước nóng (steam cleaning).

Ngày 15/3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Tập đoàn Karcher (Đức) - chi nhánh Việt Nam, làm sạch công trình Ngọ Môn tại Đại nội Huế bằng công nghệ phun hơi nước nóng áp lực cao.

Lam sach Ngo Mon - Hue bang may phun rua ap luc cao
Các chuyên gia đến từ Đức thực hiện rửa sạch các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên các bức tường bằng công nghệ hơi nước nóng

Tại khu vực cổng Ngọ Môn, các chuyên gia của Tập đoàn Karcher đã sử dụng các máy phun rửa áp lực cao nhằm loại bỏ các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên các bức tường.

Phương án này sử dụng công nghệ hơi nước nóng, bằng cách sử dụng một đầu phun đặc biệt tạo ra áp lực hơi nước lên bề mặt đá vôi.

Hệ thống gia nhiệt có thể tạo ra hơi nước với nhiệt độ tối đa khoảng 100°C, loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn/ô nhiễm sinh học, cũng như tiêu diệt chất bẩn ở dưới bề mặt, cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng.

Đồng thời, giúp thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại trở nên chậm hơn. 

Tuy nhiên, do đã tồn tại bền vững gần 200 năm, di tích hiện tại cũng đang trong tình trạng bị tổn hại do các chất bẩn, ô nhiễm cũng như sự phát triển sinh học khác như rêu mốc, cây con xâm lấn, làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có.

Lam sach Ngo Mon - Hue bang may phun rua ap luc cao
Hướng dẫn sử dụng công nghệ cho các học viên Việt Nam

Do đó, việc thực hiện các phương pháp phục hồi là hết sức cần thiết trong thời điểm này để có thể bảo tồn Ngọ Môn, một hình ảnh tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới.

Theo bà Andrea Teufel - chuyên gia bảo tồn di sản đến từ CHLB Đức, cơ chế rửa sạch này sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn, rêu, mốc trên bề mặt tường Ngọ Môn, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá ở dưới bề mặt nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng.

Ngoài ra, một số nhân viên kỹ thuật của Trung tâm BTDTCĐ Huế được phối hợp đào tạo để có thể ứng dụng công nghệ này nhiều hơn ở khu di sản Huế.

Trước sự băn khoăn liệu sau khi làm sạch cổng Ngọ Môn sẽ trở nên “mới quá”, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế - cho rằng, nếu có “mới quá” thì cái mới này cũng chính là màu sắc nguyên thủy của di tích.

Việc làm sạch hoàn toàn không tác động màu sắc, chất liệu, mà chỉ là vệ sinh toàn bộ rêu mốc, vi sinh vật gây hại trên bề mặt công trình.

Lam sach Ngo Mon - Hue bang may phun rua ap luc cao
TS.Phan Thanh Hải (áo trắng) khẳng định rửa sạch Ngọ Môn bằng công nghệ hơi nước nóng không làm mới di tích. Việc làm sạch bằng công nghệ mới có ưu điểm vừa sạch, vừa ngăn rêu mốc, vi khuẩn quay trở lại lâu hơn so với cách làm thủ công thông thường

Sau Ngọ Môn, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Karcher làm sạch để bảo vệ tính bền vững cho nhiều công trình di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, trong đó ưu tiên những công trình chưa quét màu và được xây dựng bằng những vật liệu phù hợp, như gạch.

“Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của Karcher trong việc bảo tồn và phục hồi nguyên trạng Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của Karcher. Đây là một dự án vô cùng ý nghĩa khi có thể giúp bảo tồn những công trình di tích lịch sử, đồng thời giữ lại giá trị nghệ thuật vốn đã rất lâu đời của một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong Quần thể di tích cố đô Huế”, ông Hải chia sẻ.

Ngọ Môn - có nghĩa là "cổng tý ngọ" - hướng về phía Nam, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Đại nội Huế.

Trước đây Ngọ Môn chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần. Ngọ Môn được xây dựng vào năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng.

Do thời gian và chiến tranh, Ngọ Môn đã bị hư hỏng nặng. Từ năm 1970 cho đến nay Ngọ Môn cùng nhiều công trình khác mới được trùng tu.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI