“Hậu sự cho tôi đã được chuẩn bị”
Cao Thanh Thà tốt nghiệp ngành điêu khắc, khoa trang trí nội thất, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Sau đó, vì muốn có thêm nền tảng nghiên cứu, thực hành nghệ thuật, chị tiếp tục học lên cao, trở thành thạc sĩ khoa lý luận.
Công việc chính của chị là sáng tạo, sản xuất và lắp đặt cụm, khu check-in cho các công trình công cộng, khối công viên chủ đề. Trong suốt nhiều năm, chị luôn lao vào học tập và chạy dự án với cường độ cao cho đến ngày biến cố xảy ra vào năm 2017.
“Lúc đó, tôi đã chuẩn bị xong cho chuyến đi Nha Trang thì bỗng cảm thấy rất mệt. Đầu đau dữ dội, người hơi âm ấm, mỏi nhừ các cơ và khó thở, cảm thấy không còn sức lực. Tôi vẫn nghĩ ốm đau bình thường thôi nên vào bệnh viện khám. Nhưng đi qua 3 bệnh viện, vì vào ngày cuối tuần không có khám chuyên khoa nên các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, cho thuốc về uống, làm vật lý trị liệu đều không đỡ” - chị Thà kể.
Trên đường từ bệnh viện về, đang ở trên taxi thì chị lịm dần, tài xế vội chở chị vào bệnh viện gần đó. Kết quả kiểm tra cho thấy chị bị viêm cơ tim cấp tính. Đây là bệnh có những biểu hiện rất đa dạng, khó lường với nguy cơ tử vong cao nếu không kịp phát hiện.
Sau 7 phút từ khi xác định được bệnh, chị Thà được đưa lên xe cấp cứu để chuyển tuyến sang Bệnh viện Bạch Mai. “Tôi được tiên lượng là cơ hội sống thấp. Với trường hợp bệnh nặng thế này, nhiều bệnh nhân đã tử vong, còn những bệnh nhân phải cấy máy thì cứ 8-12 năm sẽ phải thay máy một lần, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Lúc đó, gia đình tôi đã phải xác định chuẩn bị hậu sự. Còn tôi chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện rằng nếu đi thì hãy cho tôi đi nhẹ nhàng còn nếu cho tôi được sống thì đừng bắt tôi phải sống phụ thuộc vào người khác” - chị Thà nhớ lại.
Thời điểm đó, trong phòng hồi sức tích cực chị nằm, có 4 bệnh nhân thì 3 bệnh nhân phải vĩnh biệt cuộc sống, còn chị lại may mắn hồi phục sau 1 tháng cấy máy tạo nhịp đập. Có lẽ bản năng tiềm ẩn trong chị quá mạnh mẽ nên mọi thứ đã tự lành lại, không thể lý giải. May mắn hơn nữa là sau lần đó, sức khỏe của chị không bị giảm sút nhiều.
“Chuyện của tôi nói ra thì mọi người lại tưởng là bịa. Như có 1 lần khác, vào năm 2020, trong 1 lần đi khám định kỳ, bác sĩ phát hiện ra u, thận đa nang, chỉ định tôi cần cắt 1 bên thận. Lần này, tôi nghĩ “nếu chữa, cắt đi là sống, thế thì cắt thôi”. Đến lúc được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức, hội chẩn xong, bác sĩ lại nói rằng tôi chỉ cần cắt 1 phần chứ không cần cắt cả quả thận. May mắn là sau phẫu thuật, quả thận không nguyên vẹn đó vẫn hoạt động bình thường” - chị Thà kể.
Những lần đối diện với cửa tử càng cho chị ý thức được rằng mình cần sống trọn vẹn mỗi ngày, với những công việc mình làm, với những người mình gặp gỡ. Và một bài học quan trọng nữa là nếu làm việc chỉ vì đồng tiền, khi chết đi cũng chẳng mang theo được. “Nên tôi có một thôi thúc từ bên trong, muốn dành thời gian để cống hiến, làm điều gì đó để lại cho đời” - chị Thà chia sẻ.
Mỗi năm dành ra một khoảng thời gian để… chơi có ích
Bắt đầu từ năm 2018, mỗi năm, tùy tính chất dự án cá nhân mà chị Thà đều dành ra 1 khoảng thời gian - thường là vào dịp hè - làm những việc mà theo chị là để sống chậm lại, để chơi và “chơi có ích”. Dựa trên thế mạnh là những công việc xoay quanh nghệ thuật, chị có ý tưởng tạo nên các cụm check-in từ vật liệu tái chế hoặc rác thải công trình.
“Tôi thường làm một mình, nếu có đơn vị hay cá nhân nào muốn hỗ trợ thì tham gia cùng. Vì đặc thù công việc là sáng tác nghệ thuật, mang tính cá nhân rất cao nên khó để theo nguyên tắc hoặc cường độ của những tổ chức khác. Do xác định có thể tự lo về chi phí, tự kiểm duyệt được chất lượng, tôi làm theo sức mình, có bao nhiêu làm bấy nhiêu” - chị Thà nói về quan điểm làm việc vì cộng đồng.
Chị thường dành ra định kỳ khoảng 12 ngày hằng năm đi đỡ đẻ cho rùa biển hoặc kết hợp làm thêm việc gì đó để giúp ích cho hòn đảo chị đến. Chị từng sáng tạo điểm check-in cho du khách tại đảo Hòn Cau, Bình Thuận với chi phí, công sức tự bỏ ra hoàn toàn. Chị luôn muốn những tác phẩm của mình kể nhiều câu chuyện, truyền tải nhiều thông điệp hơn là chỉ trưng bày; sâu hơn cả là thông điệp về những tác hại của biến đổi khí hậu với rừng vàng, biển bạc của Việt Nam.
Năm 2024, chị quyết định “chơi lớn” hơn khi thấu hiểu về nguy cơ tuyệt chủng của loài rùa biển. Chị chia sẻ: “Một con số gây rất nhiều trăn trở cho tôi là tỉ lệ 1.000 con rùa thì chỉ có 1 con sống được đến tuổi trưởng thành. Vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, trứng rùa có nguy cơ bị ung hoặc khi nở ra sẽ bị đột biến, rùa con không sống được… Nếu không bảo tồn tốt, trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ chỉ còn được thấy rùa biển trong sách vở”.
Nghĩ là làm, chị Thà gấp rút bắt tay vào thực hiện dự án 1.001 con rùa biển bằng gốm. Chị muốn tạo 1 triển lãm để truyền thông, tăng nhận thức của người dân về nguy cơ tuyệt chủng của loài vật này. Và chị cũng muốn gây quỹ từ bộ sưu tập rùa biển, tặng lại cho các khu bảo tồn rùa biển.
“Những người làm công tác bảo tồn ngoài kia vẫn đang làm việc trong điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn các công cụ hỗ trợ bảo tồn… Nhiều lần tham gia công tác bảo tồn, tôi rất muốn gây quỹ để ủng hộ họ. Tôi sẽ lấy số liệu từ các trạm kiểm lâm để cân đối chi tiêu” - chị Thà chia sẻ.
1.001 con rùa biển bằng gốm thực sự là một dự án đầy thách thức từ kinh phí, thời gian, chuyên môn đến sức lực. Mong muốn lan tỏa và chia sẻ về dự án, chị Thà đã kêu gọi thêm các tình nguyện viên ở khắp nơi đến cùng làm gốm giúp mình và chuẩn bị hồ sơ để có thể ghi kỷ lục Guinness.
“Tôi làm hoàn toàn bằng tay, từ một cục đất sét, tạo hình, chỉnh dáng cho từng con, mỗi con đều là độc bản. Mỗi ngày, tôi chỉ làm hoàn chỉnh được 5-7 con. Tôi nảy ra ý làm riêng đầu, vây trước, vây sau… còn các bạn tình nguyện viên làm riêng từng chi tiết. Sau đó, tôi sẽ lắp ráp các chi tiết tạo hình dáng cho từng con, đảm bảo thống nhất về mặt tạo hình và sự khác biệt của 1.001 con rùa. Các bạn sẽ giúp tôi vẽ, tô màu cho rùa, thổi những cá tính khác nhau vào…” - chị Thà chia sẻ.
Trước đây, chị Thà thường sáng tác với các chất liệu như đồng, đá, gỗ… Lần đầu tiên đến với chất liệu gốm và với dự án rùa biển, chị phải học rất nhiều kiến thức. Nhưng càng làm, càng học, chị càng nhận ra thêm nhiều bài học khác trong cuộc đời mình.
“Tôi cảm thấy rất thú vị khi chơi với gốm. Như nhiều mẻ, mình buồn vì tạo hình xấu nhưng nung ra lại đẹp. Nhiều mẻ mình nghĩ là đẹp nhưng nung xong lại thấy rất xấu. Tôi nghĩ trong cuộc đời cũng thế, chúng ta chẳng thể tính toán hay biết trước kết quả. Chi bằng hiện tại cứ hết mình sống vui rồi mọi thứ sẽ tự nhiên đến. Và tôi cũng tâm đắc một câu mà bạn tôi nói: “Lúc nào thấy mất phương hướng, hãy hướng tới những việc phục vụ cộng đồng rồi cộng đồng sẽ chỉ cho bạn hướng đi" - chị Thà đúc kết.
Cát Tường