Làm ra 9 đồng, xài mấy đồng?

18/12/2023 - 15:25

PNO - Cách dạy con phụ thuộc chủ quan của mỗi cha mẹ, nhưng làm ra tiền mà không dám tiêu, không biết tiêu là một sai lầm.

2 đứa con gái song sinh của chúng tôi đang học năm thứ ba đại học. Kinh tế gia đình chúng tôi cũng “tầm tầm bậc trung”. 2 con hiểu hoàn cảnh nên chăm chỉ học hành, rảnh là đi làm thêm kiếm tiền đổ xăng, chi tiêu lặt vặt. 

Hôm hè, nhận lương làm thêm, các con mời ba mẹ đi ăn, chọn quán ngon, chọn món yêu thích cho ba mẹ. Vợ chồng tôi bữa ấy là... khách VIP của các con. Chúng tôi thầm lặng xem cách các con gọi món, tính tiền. Không khí ấm áp, vui vẻ ngập tràn. Ở quán ăn, các con nhận mấy cuộc điện thoại của người giao hàng. Thấy thế, chồng thầm thì vào tai tôi: “Mới đi làm thêm được mấy đồng mà con đã chịu chi, mai này không biết có chịu dành dụm không. Việc này giao cho mẹ chỉ dạy con gái”. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chồng tôi bảo, anh sợ nhất cái tính đua đòi ở phụ nữ, tiền chất như núi cũng hết. Anh dặn con: làm ra 9 đồng, thêm 1 đồng nữa cho đủ 10, đảm bảo con sớm giàu; nếu không thì cũng phải biết chi tiêu chừng mực, tiết kiệm bao giờ cũng tốt. Anh bảo các con nhìn mẹ mà học cách chi tiêu. 

Thật ra, vì khả năng kiếm tiền của tôi hạn chế nên đành chi tiêu chừng mực, vun vén, dành dụm; chứ nếu có tiền, tội gì không tiêu. Nghe chồng nói về phương châm “làm ra 9 đồng, thêm 1 đồng nữa cho đủ 10”, tôi buồn cười. Chồng tôi cũng thường chi vung tay, lại hay nhậu nhẹt, cũng biết sắm đồ xịn, đồ ngon. Nhiều khi tôi nghĩ, hay tại anh nhận ra mình chi tiêu quá trớn, nên dặn con đừng bắt chước ba. Cũng có thể đó là cách nói “trừ hao”, mong con đừng phung phí. Nhưng tôi không hài lòng cách dạy con tiết kiệm kiểu “trừ hao” ấy, như thế sẽ thiệt thòi cho con. 

Phụ nữ nên biết làm đẹp, biết chọn lựa mua sắm. Tôi nói với chồng, người vất vả kiếm tiền thì phải ăn tiêu để bù lại công sức mình bỏ ra, để nâng niu, chăm sóc cơ thể và tái tạo năng lượng làm việc. Không ít người rất giỏi dành dụm, giỏi “cày bừa”, nhưng đối xử tệ với bản thân, với người thân. Dành dụm vài năm đủ mua cái nhà để cho thuê, rồi tiếp tục dành dụm mua thêm nhà khác, mọi chi tiêu trong khoảng thời gian đó đều hết sức dè sẻn. Dành dụm là điều tốt, tích lũy tiền bạc phòng rủi ro, phòng khi cần thì dùng đến; nhưng tích lũy kiểu “may miệng”, ức chế mọi nhu cầu, để rồi chưa kịp hưởng thụ đã nằm một chỗ vì lao lực thì có nên không.

Chết trên đống tiền dành dụm không dám xài là cái chết tức tưởi và uổng phí. Tôi bày tỏ quan điểm trước mặt chồng con. Chồng nhìn tôi bằng ánh mắt trợn ngược, kiểu: sao lại vẽ đường cho hươu? Tôi vẫn “bồi” tiếp: làm ra tiền, tội gì không lên kế hoạch hưởng thụ. Tôi nói với con: các con còn trẻ, không cần thiết phải dè sẻn, thích gì cứ ăn, cứ mua, dĩ nhiên là mua trong khoản tiền mình kiếm được và suy nghĩ kỹ trước khi chi.

Nghe vậy, chồng tôi hốt hoảng, cho rằng dạy con thế là hỏng, phải tiết kiệm ngay khi biết kiếm tiền, để duy trì thói quen có lợi; đàn bà con gái vung tay chi tiêu, sẽ quen tay, khó sửa. Tôi nói với chồng và các con rằng, con đang son rỗi, cứ tận hưởng thành quả lao động của bản thân, sau này có chồng, có con, sẽ có phương án chi tiêu khác hợp lý là được.

Tôi biết tính con không hoang phí nên mới động viên vậy, chứ nếu con là đứa tiêu tiền vô độ thì tôi đã nói kiểu khác rồi. Tùy tính cách mỗi đứa trẻ mà dạy con cách chi tiêu và tiếp thu hay không còn là quyền của con. Các con tôi, cái gì đáng mua là sẵn sàng chi. Có lần con bảo, thật ra cái gì mình chưa có cũng rất muốn mua, đã mua thì mua cái xịn xịn. Tủ quần áo của con không nhiều như các bạn, nhưng cái nào cũng đẹp, từ kiểu dáng đến chất liệu, tiền nào của nấy.

Được mua sắm cái mình thích, thật hạnh phúc. Cách dạy con phụ thuộc chủ quan của mỗi cha mẹ, nhưng làm ra tiền mà không dám tiêu, không biết tiêu là một sai lầm. Có tiền, con có thể du lịch để mở mang tầm nhìn, con có thể thưởng thức những món ăn ngon và những dịch vụ tiện ích, có thể làm được những điều con muốn; chứ ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, dành dụm kiểu ấy là dành cho… thần chết. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Làm cha mẹ, không nên cố cày dành tiền cho con, vì con cái của chúng ta khi lớn lên cũng sẽ có một công việc, có thể làm ra tiền và ba mẹ cũng có nhu cầu hưởng thụ thành quả lao động của mình. Tôi nói với con, chi tiêu và dành dụm có thể ngang nhau, tùy theo hoàn cảnh và mức độ làm ra tiền của bản thân con; nhưng tuyệt đối đừng làm theo phương châm của ba con.

Một người ki bo, sẽ khó có bạn. Ki bo với bản thân không chỉ có lỗi với bản thân, mà có lỗi với mẹ cha, với những người thương quý con. Dĩ nhiên, để có tiền chi tiêu, con phải có công việc làm ổn định. Khả năng kiếm tiền phụ thuộc vào trình độ, thái độ, kinh nghiệm... nhưng trước mắt con phải hoàn thành chương trình đại học.

Buổi tối, sau khi đi ăn về, ở phòng riêng, tôi và chồng có trao đổi thêm về chuyện chi tiêu của con cái. Anh vẫn khá bảo thủ khi luôn miệng cho rằng tôi vẽ đường cho con vung tay. Tôi thì vẫn giữ quan điểm của mình. Quan trọng là chúng tôi đã chịu nói ra trước mặt con và tôi tin từ những tranh luận của ba mẹ, con cái sẽ biết nên làm gì. 

Phi Khanh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hồng Hà. 18-12-2023 18:23:50

    Theo mình biết đủ là đủ và có hạnh phúc ngay hiện tại. Mình thích cuộc sống thảnh thơi chỉ tiêu hợp lý vừa phải. Không đua đòi, se sua tổn phước. Làm vất vả để có tiền rồi lại tiêu ào ào... mình không thích lối sống ấy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI