Làm quen tiếng Anh từ ba tuổi: Lo trẻ bị đánh cắp tuổi thơ

26/10/2020 - 07:36

PNO - Với dự thảo lần hai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi lo trẻ sẽ bị đánh cắp tuổi thơ, phụ huynh thêm gánh nặng…

Tôi lo chương trình khi ban hành sẽ làm cho trẻ quá tải bởi lượng từ, lượng mẫu câu phải đạt được trong độ tuổi. Chương trình cũng sẽ làm phụ huynh thêm nỗi lo tiền học, sách giáo khoa. Còn giáo viên sẽ bị triệt tiêu sự sáng tạo khi nhất cử nhất động bám theo sách giáo khoa. Trong khi cả kho tàng ngữ liệu phong phú, miễn phí có trên internet bị bỏ qua. Trên hết, sẽ “giết chết” hứng thú học tiếng Anh ở trẻ...

Dự thảo chưa tính đến các trường quốc tế dạy tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Trong ảnh: Học sinh Royal school trong giờ học tiếng Anh
Dự thảo chưa tính đến các trường quốc tế dạy tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Trong ảnh: Học sinh Royal school trong giờ học tiếng Anh

Có bảy vấn đề khiến tôi băn khoăn và lo lắng. 

Thứ nhất, mục tiêu tổng quát của chương trình không phù hợp với hoạt động chủ đạo của trẻ là: vui chơi. Vì dự thảo cho thấy mục tiêu hướng tới hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ; góp phần chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Bắt đầu cho trẻ làm quen với khái niệm “học” quá sớm. Điều này sẽ gây quá tải và không tạo hứng thú cũng như nuôi dưỡng hứng thú cho trẻ khi tiếp xúc với môn tiếng Anh. 

Thứ hai, thiếu logic giữa phương pháp giáo dục đối với yêu cầu cần đạt và nội dung chương trình. Ví dụ: phần III (mục 2) quy định kỹ năng và số lượng từ trẻ cần đạt: 3-4 tuổi nhớ 35 từ, đếm từ 1-3; 4-5 tuổi nhớ 70 từ, đếm từ 1-5; 5-6 tuổi nhớ 100 từ, đếm từ 1-10 và quy định nội dung từng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở từng độ tuổi cần đạt. Như vậy là không phù hợp với việc hình thành hứng thú giao tiếp tiếng Anh cho trẻ và không hợp lý với phương pháp giáo dục (phần V): “Giáo viên cần tôn trọng các giai đoạn lĩnh hội ngôn ngữ qua nghe, hiểu không đi kèm hồi đáp bằng lời giúp trẻ tích lũy đủ ngữ liệu trước khi sẵn sàng sản sinh lời nói.

Do đó, trẻ cần được nghe và tham gia các hoạt động giao tiếp có ngữ cảnh nhưng không cần đòi hỏi phải nói khi trẻ chưa sẵn sàng”.

Để trẻ mẫu giáo tiếp cận tiếng Anh hiệu quả, tất cả ngữ liệu phải được cung cấp trong một ngữ cảnh có ý nghĩa, vừa sức và gây hứng thú, tò mò, như phần V yêu cầu phải cho trẻ thời gian tích lũy “ngữ liệu trước khi sản sinh lời nói”. Nếu học theo như phương pháp này, trẻ có thể sẽ trải qua khoảng thời gian “im lặng tích cực” để tích lũy ngữ liệu qua nghe, nhìn và năm giác quan. Khoảng thời gian này, theo lý thuyết có thể kéo dài từ sáu tháng tới một năm.

Thế nhưng ở phần III, yêu cầu cần đạt ở độ tuổi 3-4 tuổi là phải “nghe và nhắc lại”, “nghe và hiểu được nội dung truyện tranh đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trả lời, kể lại được một số tình tiết rất đơn giản theo trình tự của truyện”. Điều này không đúng đặc điểm của trẻ mẫu giáo khi làm quen tiếng Anh.

Thứ ba, cần thể hiện nội dung dạy học (phần IV) có hệ thống, không nên đi vào các chi tiết vụn vặt, rất khó cho giáo viên khi chọn ngữ liệu. Nội dung dạy học nên theo hệ thống chủ điểm và chủ đề, đi từ những động lệnh trong lớp học đến những điều gần gũi với trẻ như tên, tuổi, các bộ phận trên cơ thể, màu sắc, con vật, gia đình, trường học…

Thứ tư, dự thảo quy định học liệu và tài liệu sử dụng để triển khai chương trình phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt. Điều này rất dễ hạn chế sự sáng tạo của giáo viên trong việc lựa chọn học liệu làm phong phú hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh. Trong khi trẻ cần được tạo cơ hội để tiếp cận, trải nghiệm với những ngữ cảnh có ý nghĩa khác nhau và được cung cấp môi trường học tiếng đa dạng: với âm nhạc, vận động theo nhạc, các bài thơ, hò, vè, nghe đọc chuyện và kể chuyện, xem phim… Nguồn học liệu này rất phong phú.

Thứ năm, dự thảo chưa thể hiện được thực tế cho học sinh mầm non làm quen tiếng Anh ở các thành phố lớn. Trong khi một số trường quốc tế, trường tư thục ở Hà Nội, TP.HCM đang thực hiện việc dạy và học tiếng Anh cho trẻ mầm non như song ngữ hoặc tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt như ngoại ngữ thì không thấy dự thảo có yêu cầu, quy định gì.

Thứ sáu, việc tạo môi trường ngôn ngữ trong quá trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo không được nhắc đến. Trong khi đây là một trong những điều kiện rất quan trọng hỗ trợ phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ.
Cuối cùng, cho phép trẻ từ ba tuổi bắt đầu làm quen tiếng Anh là quá sớm. Đây là giai đoạn trẻ cần tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ thật nhiều. Lứa tuổi phù hợp để cho làm quen tiếng Anh có thể từ bốn tuổi. 

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI