Làm phim từ vốn cộng đồng: Thành công nhờ 'lì'

26/07/2019 - 18:30

PNO - Trường hợp gọi vốn không thành công, đó sẽ là thước đo khả năng sáng tạo của các ê-kíp.

Đa số dự án phim ảnh gây quỹ từ cộng đồng tại Việt Nam đều hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng. Thế nên, để đưa một dự án vào hiện thực, những người làm ra nó phải truyền cảm hứng đến người khác bằng lòng kiên trì cùng sự năng động, sáng tạo của mình. Nói cách khác, bí quyết thành công nằm ở một chữ “lì”.

Hôm nay, 26/7, ê-kíp thực hiện dự án Việt sử kiêu hùng tổ chức buổi triển lãm artwork và talk show Việt sử kiêu hùng, đánh dấu cột mốc dự án đã kêu gọi được 1 tỷ đồng, kể từ khi ra đời tháng 6/2017. Sau 7 tập phim, bao gồm: Võ Tánh, xê-ri Tử chiến thành Đa Bang (3 tập) và Lý Thường Kiệt (3 tập), tháng Tám tới, dự kiến xê-ri tiếp theo - Lam Mộc Kỷ - sẽ ra mắt dưới hình thức từng video ngắn 15-20 phút/tập và truyện tranh có minh họa. Số vốn kêu gọi cho xê-ri Lam Mộc Kỷ giai đoạn một lên đến 500 triệu đồng và hiện đã nhận được 400 triệu đồng (80%) - tín hiệu lạc quan cho một dự án phim đề tài lịch sử.

Lam phim tu von cong dong: Thanh cong nho 'li'
Việt sử kiêu hùng

Cùng Việt sử kiêu hùng, một dự án nghệ thuật gây quỹ cộng đồng khác là Memento Mori cũng công bố thực hiện dự án phim điện ảnh, sau thành công của tiểu phẩm sân khấu vào năm ngoái. Memento Mori phiên bản điện ảnh sẽ bắt đầu tuyển diễn viên tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 31/7. Chuyện phim lấy bối cảnh Việt Nam thời hiện đại, kể 3 câu chuyện của 3 bệnh nhân ung thư cận kề cửa tử, nhằm chuyển tải thông điệp trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc của sự sống.

Dự án khuyến khích các bệnh nhân ung thư còn đủ sức khỏe và khả năng lao động tham gia đóng phim cùng người nhà của họ, nhằm tăng sức nặng của thông điệp mà phim truyền tải. Ngoài Memento Mori, còn có dự án phim hành động 578, đề tài ấu dâm, cũng thực hiện dưới hình thức gây quỹ cộng đồng, đang được đạo diễn Lương Đình Dũng tích cực triển khai để kịp phát hành vào năm tới.

Nhờ cộng đồng chung tay làm phim không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Với một nền điện ảnh còn non trẻ, đây cũng là cách để các nhà làm phim có kinh phí thực hiện tác phẩm. Chia sẻ về khó khăn của hình thức làm phim này, anh Trần Minh Tuấn - người khởi xướng dự án Việt sử kiêu hùng - cho biết: “Khó nhất là lấy được sự tin tưởng của cộng đồng, vì có nhiều dự án hoàn thành không đúng như những gì đã hứa trước đó, khiến công chúng thất vọng. Nhờ sự đồng lòng, kiên trì, cùng việc liệu cơm gắp mắm, chúng tôi mới có được thành quả như hiện nay. Hai năm qua, cả nhóm đều làm việc không công, thậm chí còn bỏ thêm tiền túi”.

Marcus Mạnh Cường Vũ - một trong những người khởi xướng dự án Memento Mori, đồng thời đạo diễn Memento Mori phiên bản điện ảnh - cũng đồng tình: “Mọi ủng hộ tinh thần hay vật chất đều đáng quý. Nếu kêu gọi vốn không đủ cũng không quá đáng lo, vì vốn ít vẫn có thể xoay xở làm phim được, dù sẽ phải nỗ lực sáng tạo nhiều hơn, vất vả hơn. Năm ngoái, dự án Memento Mori biểu diễn trên sân khấu, nhận được 600 triệu đồng tiền ủng hộ. Làm phim điện ảnh tốn kém gấp mấy lần số đó, nhưng chúng tôi vẫn quyết định thử sức. Quan trọng nhất là làm ra một sản phẩm tốt, truyền tải được thông điệp ý nghĩa của dự án”.

Lam phim tu von cong dong: Thanh cong nho 'li'
Dự án Memento Mori từ sân khấu sẽ bước lên màn ảnh rộng

Đạo diễn Lương Đình Dũng có góc nhìn khác: “Không có định nghĩa nào về một dự án hay quy mô một dự án để có thể thực hiện theo hình thức gây quỹ cả. Quan trọng là nội dung và phương pháp thể hiện, giúp người đầu tư hay ủng hộ nhìn thấy được thành công của bộ phim thôi. Ngay cả các nhà làm phim Hollywood cũng gặp nhà sản xuất, trình bày dự án, xét cho cùng cũng là một hình thức kêu gọi đầu tư. Quan điểm của tôi là đạo diễn cần có đầy đủ yếu tố, từ bản thân, ê-kíp, phương pháp làm việc thì kêu gọi hay đề nghị đầu tư đều có khả năng thành công cao”.

Trường hợp gọi vốn không thành công, đó sẽ là thước đo khả năng sáng tạo của các ê-kíp. Như trường hợp Việt sử kiêu hùng, để có thêm nguồn thu làm phim, nhóm phối hợp với Grimm DC và 8K Studios sản xuất mô hình Lê Lai và Thuận Thiên Kiếm để bán đấu giá. Dù số tiền nhóm thu được từ việc đấu giá này chỉ 10%, đó cũng là cách “góp gió thành bão”. Chuyện bán các sản phẩm ăn theo phim không mới ở Hollywood, nhưng khá mới với phim Việt. Đây có thể xem là ý tưởng táo bạo của nhóm Việt sử kiêu hùng.

Theo anh Trần Minh Tuấn: “Những sản phẩm hữu hình như vậy sẽ giúp lan truyền tình yêu sử Việt qua phim ảnh. Làm ra những vật phẩm xuất hiện trong phim để bán là điều nhóm hướng đến, để có vốn đi đường dài với niềm đam mê làm phim sử Việt. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là thực hiện một tác phẩm hoạt hình 3D. Kinh phí trung bình cho một sản phẩm như vậy tốn tầm 7-8 tỷ đồng và với số tiền như vậy thì chắc chắn chúng tôi phải kêu gọi các nhà tài trợ đầu tư chứ không thể gây quỹ cộng đồng như hiện nay”. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI