PNO - Phim truyền hình chuyển thể từ các kịch bản sân khấu ngày càng thịnh vì có sẵn nguồn kịch bản hay, có khán giả là những người hâm mộ vở diễn. Nhưng bên cạnh cái khỏe, thì dòng phim này cũng có cái khó khi thực hiện.
Sau khi Duyên kiếp kết thúc, khán giả được thưởng thức thêm một bộ phim nữa phóng tác từ cải lương là Rồi ba mươi năm sau (35 tập, Đài Truyền hình Vĩnh Long phát lúc 20g từ thứ Hai đến thứ Bảy). Tuy hiệu ứng khán giả không cao bằng Duyên kiếp nhưng phim cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người xem nhờ cốt truyện gay cấn.
Còn trên nền tảng mạng, phim ngắn Nước mắt trong mưa - ngoại truyện của phim Tiếng sét trong mưa (chuyển thể từ vở cải lương cùng tên) - cũng đang được yêu thích. Trong dòng phim Nam Bộ xưa, những phim phóng tác từ kịch, cải lương luôn có sức hút hơn phim chuyển thể từ tiểu thuyết. Lý do là tác phẩm sân khấu dễ dàng được nhiều người tiếp cận và yêu thích hơn tác phẩm văn học, và các vở được chọn làm lại thành phim đều rất nổi tiếng.
Cách đây gần 10 năm, các nhà làm phim truyền hình đã bắt đầu đào xới nhiều kịch bản sân khấu hay để chuyển thể như Sông dài, Tần nương thất, Tấm lòng của biển, Khúc tương tư, Dòng nhớ, Con gái chị Hằng. Tuy vậy, phải đến phim Tiếng sét trong mưa (2019, chuyển thể từ vở Lôi Vũ), dòng phim này mới gây tiếng vang rộng rãi. Sau phim Tiếng sét trong mưa, đến gần đây mới có phim Duyên kiếp tạo ra “cơn sốt” trên màn ảnh nhỏ. Tiếp nối thành công của Duyên kiếp, bộ đôi biên kịch Hạ Thu - đạo diễn Chu Thiện chuẩn bị triển khai một kịch bản khác cũng phóng tác từ cải lương.
Biên kịch Hạ Thu - người có kinh nghiệm chuyển thể năm phim từ cải lương - cho biết: “Tìm về những kịch bản cải lương cũng là cách người làm phim giới thiệu đến khán giả trẻ những điều hay ho về người xưa. Rất có thể nhờ phim, người trẻ sẽ quay lại tìm hiểu những vở diễn mà phim chuyển thể. Thuận lợi của phim làm lại từ cải lương là có sẵn cốt truyện hay, nhiều cao trào, đậm tính nhân văn và có sẵn khán giả. Nhưng có cái khó là thời lượng một vở cải lương ngắn, mà phim dài mấy chục tập, nên phải thêm thắt nhiều tình tiết, nhân vật. Trong Duyên kiếp, vai Hai Thiện và chi tiết hai đứa trẻ sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm là sáng tạo riêng của tôi để khắc họa sâu hơn số phận nhân vật Thành, và sự phân chia giai cấp thời đó. Ngoài ra, phim chuyển thể cũng cần thay đổi cái kết theo hướng có hậu hơn vở diễn, để phù hợp tâm lý xem phim của khán giả”.
Phim Rồi ba mươi năm sau được chuyển thể từ cải lương
Hạn chế bối cảnh, diễn viên
Dẫu phim chuyển thể từ kịch, cải lương phần lớn chỉ giữ lại tứ truyện, còn lại phải sáng tác thêm khá nhiều, nhưng khâu làm kịch bản vẫn khỏe hơn nhiều so với khi triển khai làm phim. Đạo diễn Chu Thiện chia sẻ nỗi vất vả ở khâu bối cảnh: “Hiện nay gần như không thể tìm ra ngôi nhà lá nào để quay, nhà ba gian cũng không còn nhiều, các con đường ở quê giờ đa số cũng trải bê tông, ít còn đường đất. Việc săn lùng bối cảnh mất khá nhiều thời gian, quanh quẩn cũng chỉ xung quanh khu Nhơn Trạch (Đồng Nai), Hóc Môn, Củ Chi”. Khó khăn như vậy, nên khi xem phim, khán giả dễ thấy tình trạng một ngôi nhà cổ xuất hiện trong nhiều phim xưa.
Đạo diễn trăn trở với bối cảnh, còn người xem “lăn tăn” khâu diễn viên. Hiện nay, hầu hết các nghệ sĩ cả nam lẫn nữ đều chạy theo xu hướng làm răng sứ, tẩy trắng răng, nên thật khó chịu khi nhìn những diễn viên vào vai người ở, nông dân, con nhà nghèo… nhưng hàm răng sáng lóa. Một số diễn viên nữ lộ rõ dấu vết can thiệp thẩm mỹ trên mí mắt, mũi, nhìn sắc sảo, hiện đại, nhưng vẫn được chọn vào vai người xưa. Đạo diễn Chu Thiện cho rằng: “Giờ hiếm diễn viên nữ nào không phun xăm chân mày hay làm trắng răng. Quan trọng là diễn xuất của họ đủ sức tải được tinh thần của nhân vật, không khí của thời xưa hay không thôi. Làm được, thì người xem sẽ quên đi hạn chế về ngoại hình”.
Trailer phim Duyên kiếp:
Ngoài ra, còn một điểm nữa ở dòng phim này khiến khán giả chưa ưng ý là lực lượng diễn viên quanh đi quẩn lại chỉ chừng đó người, và bị “chết vai”. Tuyến diễn viên nam có Cao Minh Đạt, Trương Minh Quốc Thái, Khương Thịnh, Lương Thế Thành, Bạch Công Khanh, Hà Trí Quang. Nữ có Thân Thúy Hà, Nhật Kim Anh, Oanh Kiều, Thanh Trúc, Quỳnh Lam. Trong đó, Cao Minh Đạt, Khương Thịnh chuyên vào vai những ông chủ hà khắc, những ông chồng gia trưởng chuyên quyền. Dạng vai công tử thường giao cho Lương Thế Thành, Bạch Công Khanh, Hà Trí Quang. Thân Thúy Hà chuyên trị các nhân vật phú bà độc ác. Nhật Kim Anh, Oanh Kiều, Quỳnh Lam đóng khung các vai diễn hiền lành tội nghiệp, bị ức hiếp.
Thời gian gần đây, phim truyền hình phía Nam, đặc biệt là dòng phim xưa vay mượn từ sân khấu lên ngôi. Nhìn ở khía cạnh tích cực, điều này góp phần kết nối người xem, nhất là giới trẻ, với những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của ngày xưa. Tuy vậy, nhìn vào sự thịnh hành của những bộ phim chuyển thể từ kịch, cải lương, có thể thấy kịch bản phim truyền hình phía Nam quá thiếu những ý tưởng mới, hay. Đó cũng là nỗi buồn chung của phim Việt, chứ không riêng mảng phim truyền hình.