Thiếu và yếu
Một trong những phim Việt hiếm hoi lên kế hoạch chiếu hè vừa tung ra những hình ảnh đầu tiên để quảng bá là Bằng chứng vô hình (khởi chiếu ngày 10/7, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) đã lập tức thu hút chú ý của người xem, vì đây là phim đề tài tội phạm, trinh thám - chủ đề ít thấy trên màn bạc.
Chuyện phim kể về Thu, một cô gái mù tình cờ trở thành nhân chứng duy nhất của một vụ án, và trong khi chưa tìm ra bằng chứng thuyết phục công an tin mình “thấy” được vụ án, thì tên sát nhân bí ẩn đã âm thầm theo dõi, biến cô thành con mồi mới. Cuộc săn đuổi giữa Thu và kẻ tâm thần bệnh hoạn khoác lên mình vỏ bọc học thức phản ánh nhiều vấn đề thời sự, trong đó có mối hiểm họa đến từ các quan hệ trên mạng.
|
Cảnh trong phim Bằng chứng vô hình - một phim Việt hiếm hoi khai thác đề tài tội phạm sẽ ra rạp vào hè này |
Ngoài Bằng chứng vô hình, hai phim khác dự định ra rạp trong năm nay là Ảo tượng (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng) và 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) cũng khai thác yếu tố tội phạm.
Ba phim này được chờ đợi sẽ giải cơn khát đề tài tội phạm, trinh thám vốn hiếm có khó tìm của điện ảnh Việt. Từ trước đến nay, khán giả yêu thích dòng phim này chỉ biết trông chờ những tác phẩm nước ngoài, thảng hoặc mới có vài phim tội phạm “đúng nghĩa” như Siêu trộm, Ống kính sát nhân, nhưng cũng không được khán giả đón nhận hồ hởi.
Đối với những phim làm về tội ác hoặc điều tra phá án thường đòi hỏi tính logic rất cao, từng tình tiết sắp đặt phải lắt léo mà kín kẽ để đưa đến một cái kết thuyết phục. Phim Việt lâu nay vốn đã bị hạn chế ở khâu chất lượng kịch bản, nên khi đụng đến đề tài này, càng bộc lộ rõ điểm yếu. Những âm mưu gây án hoặc cách thức phạm tội quá đơn giản, hung thủ dễ dàng lộ diện ngay từ đầu, những nút thắt - mở chưa đủ gây ép-phê… là những hạn chế thường thấy.
Ngoài lý do chủ quan là do chất lượng, sự đón nhận kém nhiệt tình của người xem cũng phần nào xuất phát từ tâm lý chưa quen với cái mới của chính họ. Siêu trộm tiên phong trong vấn đề đưa tội phạm công nghệ cao lên màn ảnh, Ống kính sát nhân mở lối thể loại phim tâm lý tội phạm, cả hai đều được đánh giá cao về mặt chất lượng so với mặt bằng chung của phim Việt, nhưng do người xem đã tiếp cận nhiều phim tội phạm hay của nước ngoài, nên yếu tố mới lạ ở phim nội không đủ sức kéo khán giả háo hức ra rạp. Kết quả là phim được đầu tư cao nhưng doanh thu không như ý.
|
Siêu trộm tiên phong trong vấn đề đưa tội phạm công nghệ cao lên màn ảnh |
Khó chồng khó
Đề cập vấn đề ít có phim làm về tội phạm trên màn ảnh lớn, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi làm một bộ phim về chủ đề tội phạm là tìm được sự cân bằng giữa việc hình tượng hóa nguồn tư liệu hay vụ án trở thành một thứ hấp dẫn người xem, nhưng vẫn phải giữ được tính chân thật. Ngoài ra, việc tái hiện được không gian, thời điểm và tạo hình nhân vật của những vụ án cũng là thử thách cho người làm phim.
Thể hiện nội dung một cách quá bạo lực có thể gặp khó khi kiểm duyệt, nhưng nếu làm không tới, người xem sẽ thấy không thỏa mãn. Cái khó của việc xử lý nguồn tài liệu trong điều kiện kiểm duyệt gắt gao, cộng với thực tế là thể loại này chưa thực sự được đón nhận, khiến cho những dự án này trở thành ẩn số, cũng như sự rủi ro của nhà đầu tư và người làm phim”. Nói thêm về chuyện rủi ro, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Các cảnh quay của phim tội phạm thường rất dụng công về mặt dàn dựng, khiến chi phí sản xuất dễ bị đội lên, nên không phải nhà đầu tư nào cũng chịu làm”.
Hoàn toàn thông cảm với tâm lý thận trọng, e dè của những người làm phim khi muốn dấn thân vào đề tài “cũ người mới ta” này, vì từng có những phim có liên quan đến hình ảnh tội phạm, thường là phim kinh dị luôn gặp trục trặc ở khâu kiểm duyệt khiến nội dung bị can thiệp, có khi dẫn đến biến dạng. Đó cũng là lý do biên kịch khi đụng đến đề tài này thường tự kiểm duyệt kịch bản, làm giới hạn khả năng sáng tạo.
|
Ống kính sát nhân chưa đủ sức kéo khán giả đến rạp |
Tuy nhiên, kiểm duyệt dù sao cũng chỉ là nguyên nhân phụ khiến các nhà làm phim kém hứng thú với dòng phim này, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề khan hiếm kịch bản. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói thêm: “Để viết kịch bản đề tài tội phạm, đòi hỏi biên kịch phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, phải bỏ công sức, thời gian gặp gỡ nhân chứng, chuyên gia điều tra thu thập tư liệu, thì kịch bản mới chân thật, sống động. Không phải biên kịch nào cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi”.
Một cái khó khác của nhà làm phim là khâu tìm diễn viên. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giải thích: “Các phim tội phạm ít nhiều gắn với tính chất hành động, nhưng không phải diễn viên nào cũng biết võ. Ngoài yêu cầu về thể lực, thì tâm lý sợ mất hình ảnh, sợ ảnh hưởng đến các việc mưu sinh khác như các hợp đồng quảng cáo, tham dự sự kiện nếu đóng vai ác… cũng khiến diễn viên ngần ngại”.
Với những khó khăn trên, chủ đề tội phạm luôn là mảnh đất mới trên màn bạc. Sự ít được “cày xới” chính là cơ hội để người làm phim phát huy sáng tạo mà không sợ bị trùng lắp. Vấn đề quan trọng bây giờ là “có đi mới thành đường”, nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng: “Lý do dòng phim tội phạm ít ăn khách ở Việt Nam không phải vì thị hiếu người xem. Khán giả Việt thực sự rất thông minh, họ đã từng và luôn xem những bộ phim tội phạm tốt của những quốc gia khác. Việc chúng ta cần làm là tiếp tục thử nghiệm cũng như cải thiện mọi mặt khi bắt tay làm những bộ phim mới”.
Hương Nhu