Lạm phát vắt kiệt sức lực của người lao động

27/10/2022 - 06:24

PNO - Người lao động phải tìm công việc mới, xin làm thêm ca, người nghỉ hưu quay lại làm việc khi lạm phát tăng cao, thu nhập của họ trở nên teo tóp trước các chi phí hằng ngày.

Làm thêm để trang trải cuộc sống

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn và lạm phát tăng cao, việc tìm kiếm một công việc mới, làm thêm giờ hoặc thậm chí kiếm thêm công việc thứ hai đang là xu hướng trên thị trường lao động thế giới.  

Lạm phát và giá cả leo thang buộc người nghỉ hưu phải quay lại làm việc - ẢNH: ADOBE STOCK
Lạm phát và giá cả leo thang buộc người nghỉ hưu phải quay lại làm việc - ẢNH: ADOBE STOCK

Tại Mỹ, lạm phát vẫn ở mức cao với dự báo cả năm 2022 là 8,2%. Nhiều người Mỹ đánh giá tình hình tài chính của họ đang ở tình trạng tồi tệ vì giá cả tăng mạnh. Như một cách để bù đắp sự giảm sút thu nhập, nhiều người đang tìm cách cắt giảm chi phí.

Theo nghiên cứu mới của công ty phần mềm quản lý Qualtrics, gần 18% người trưởng thành chọn chuyển đến sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn, 13% khác đang cân nhắc quyết định tương tự. Những người khác thì tìm kiếm việc làm thêm. Báo cáo viết: “57% nhân viên muốn có cơ hội làm thêm giờ hoặc được tăng ca. Ngoài công việc hiện tại, 37% đã tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn, và 38% người lao động tìm kiếm công việc thứ hai”. 

Sau đại dịch COVID-19, nhiều nhân viên bắt đầu bỏ việc hàng loạt để tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn với cuộc sống mới hoặc sở thích của họ. Thế nhưng, động lực chính để đổi việc bây giờ là tiền lương. Người lao động đang cố gắng tìm công việc được trả lương cao hơn. Tiến sĩ Benjamin Granger - nhà tâm lý học tại Qualtrics -chia sẻ: “Việc luân chuyển nhân viên là một chi phí lớn đối với các công ty. Vì vậy, điều quan trọng trong kinh doanh là các tổ chức phải hiểu nhân viên nào của họ có khả năng rời đi và tại sao, để họ có thể thực hiện điều chỉnh chính sách và giữ chân những người quan trọng”.

Trong khi đó ở Anh, một cuộc khảo sát quốc gia do Indeed Flex - trang thị trường trực tuyến về việc làm linh hoạt - trên 2.000 người lao động cho thấy: 32% có kế hoạch làm thêm việc bên cạnh công việc hiện tại để tăng thu nhập. 19% cho biết đã có công việc tạm thời thứ hai, 11% khác dự định làm thêm ca và 8% sẵn sàng làm thêm nhiều công việc phụ. Các số liệu cho thấy áp lực mà một số hộ gia đình đang phải đối mặt khi chi phí sinh hoạt cơ bản tăng nhanh hơn nhiều so với tiền lương. Giá thực phẩm đang tăng hơn 8%, chi phí năng lượng dự kiến sẽ tăng thêm 60% vào tháng Mười với tổng mức tăng khoảng 150% trong năm 2022. Giá xăng cũng cao kỷ lục. Trong khi đó, tiền lương tính theo sức mua đang giảm với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận trong 40 năm là 9,4% do không thể bắt kịp lạm phát.

Không thể an tâm nghỉ hưu 

Vợ chồng Stephen và Karen White đều ở độ tuổi 60, đã sẵn sàng tận hưởng thời gian nghỉ hưu trong ngôi nhà mới tại bang Washington, Mỹ. Nhưng sau khi cặp đôi chính thức nghỉ hưu vào mùa hè năm 2021, lạm phát tăng vọt đã khiến cả hai phải quay trở lại làm việc. Karen chia sẻ: “Giá cả tăng cao và tôi lo lắng với tình hình tài chính hiện tại. Vì vậy, tôi quyết định quay lại làm việc bán thời gian”. Stephen cũng trở lại làm việc trong lĩnh vực giáo dục vào tháng 4/2022 để đóng góp tài chính cho gia đình. 

Lạm phát tăng cao khiến những người về hưu và người lao động lớn tuổi lo lắng về các khoản chi tiêu cùng kế hoạch tiết kiệm của họ. Điều đó thúc đẩy mọi người quay trở lại làm việc hoặc trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu. Một cuộc khảo sát hồi tháng Sáu với 1.000 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy người Mỹ lớn tuổi đang trở lại làm việc nhiều hơn. Trong số những người đang cân nhắc trì hoãn việc nghỉ hưu, rủi ro tài chính là vấn đề quan tâm hàng đầu.  

Tương tự, hàng trăm ngàn người nghỉ hưu ở Anh đang xem xét quay trở lại nơi làm việc. Theo một cuộc thăm dò trên 2.000 người từ 66 tuổi trở lên của công ty tư vấn tài chính My Pension Expert, 6% người được hỏi cho biết có khả năng tìm việc làm trong những tháng cuối năm 2022 để tích lũy thêm lương hưu hoặc giúp thanh toán các hóa đơn. Ngoài ra, 12% nói rằng lạm phát đã phá vỡ kế hoạch nghỉ hưu của họ, và hơn một phần ba lo ngại về việc không thể duy trì lối sống như họ mong muốn.

Andrew Megson - Chủ tịch điều hành tại My Pension Expert - cho biết: “Khi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về tái hòa nhập lực lượng lao động sau tuổi nghỉ hưu. Đó là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi sau khi làm việc và tiết kiệm trong nhiều thập kỷ, việc phải tham gia lại lực lượng lao động sẽ là một lựa chọn cay đắng đối với nhiều người”. 

Linh La (theo Bloomberg, Washington Post, Business Insider, The Register)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI