“Lạm phát” kỷ lục Việt Nam

17/04/2023 - 07:16

PNO - Hàng loạt kỷ lục Việt Nam được công nhận, xác lập thời gian qua; trong đó có nhiều kỷ lục khiến dư luận không khỏi băn khoăn: có phải kỷ lục đang bị lạm phát?

Mới đây, nghệ sĩ xăm Trung Tadashi (tên thật Trần Nhật Trung) giới thiệu quyển sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình. Sách được công nhận kỷ lục "Cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về nghệ thuật xăm hình Á Đông bằng song ngữ Anh - Việt" từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

Mỗi quyển sách đều mang đến tri thức, là công trình tâm huyết của tác giả. Tuy nhiên, việc xác lập kỷ lục Việt Nam như thế đặt ra câu hỏi liệu sẽ còn bao nhiêu tác phẩm dạng này sẽ lập kỷ lục trong tương lai.

Cuốn sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình được xác lập kỷ lục  Cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về nghệ thuật xăm hình Á Đông bằng song ngữ Anh - Việt (ảnh từ Facebook nhân vật)
Cuốn sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình được xác lập kỷ lục "Cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về nghệ thuật xăm hình Á Đông bằng song ngữ Anh - Việt" (ảnh từ Facebook nhân vật)

Cùng trong khoảng thời gian này, việc xác lập kỷ lục cho ông Vũ Hải - một nhiếp ảnh gia - "Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất" cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, trong 18 tháng (từ tháng 9/2021 - 3/2023) ông đã tham dự 368 cuộc thi ảnh ở hơn 70 quốc gia thuộc 5 châu lục, có 6.354 tác phẩm được triển lãm, đạt 1.128 giải thưởng; nghĩa là mỗi tháng trung bình ông tham gia 20 cuộc thi, có 17 ảnh được triển lãm, trao giải. Ông Vũ Hải cho biết ông tiếp cận các cuộc thi qua mạng, có khi mỗi ngày nhận được 20-40 email mời dự thi, trong đó có những cuộc đóng lệ phí. 

Thời gian qua, có rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập. Trong đó, có nhiều kỷ lục khiến dư luận có cảm giác ban tổ chức đang chia nhỏ, manh mún các tiêu chí để xét trao: bộ ảnh triển lãm về 165 ngôi chùa Việt toàn cầu đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ; bộ cửa lùa 5 cánh nhôm kính lớn nhất Việt Nam; tác phẩm điêu khắc từ rễ cây gỗ lũa nguyên khối có chủ đề Cửu Long tranh châu lớn nhất Việt Nam; tác phẩm điêu khắc hai mặt trên gốc cây dầu nguyên khối có chủ đề về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên lớn nhất Việt Nam…

Kỷ lục trước nay thường được hiểu là những thành tích, giá trị vượt trội, xuất sắc, ấn tượng… Tuy nhiên, đối chiếu những quy chuẩn này với nhiều kỷ lục được xác lập trong thời gian qua, dư luận cho rằng có nhiều danh hiệu chưa thực sự xứng tầm, xứng danh. Sự xuất hiện của quá nhiều kỷ lục Việt Nam dạng này tạo cảm giác đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp kỷ lục. Có những danh hiệu đang được “mặc áo” chiếc áo kỷ lục quá rộng.

Đơn vị tổ chức trao kỷ lục (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam) cũng quy định nhiều tiêu chí để xác lập kỷ lục như: thành tựu, giá trị tích cực; đầu tiên; kỷ lục bất biến; xem xét trên thông số cụ thể… Thường, mỗi kỷ lục được xác lập chỉ ghi nhận một tiêu chí chính thức. Bằng xác lập kỷ lục không cùng lúc ghi nhận 2 tiêu chí, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Hiện cá nhân, tổ chức nếu muốn xác lập kỷ lục Việt Nam, sẽ làm hồ sơ theo hướng dẫn, chịu các chi phí theo quy định của tổ chức này.

Việc xác lập kỷ lục sẽ tiến hành theo quy định riêng của đơn vị xác lập. Quy định đa dạng cộng cơ chế mở giúp các cá nhân, đơn vị dễ dàng tiếp cận các danh hiệu, kỷ lục hơn. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, khi bị “lạm phát” với số lượng quá nhiều thì liệu giá trị của kỷ lục có còn giữ được? 

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI