Lạm phát khiến phụ nữ Mỹ chịu nhiều tổn thương

06/04/2023 - 09:50

PNO - Tình hình lạm phát khiến phụ nữ Mỹ phải chịu “áp lực kép” khi chi tiêu nhiều hơn nhưng thu nhập lại giảm đi.

Kênh CNBC trích dẫn số liệu thống kê từ Cục Thống kê Lao động, thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ, cho thấy, chi phí dịch vụ chăm sóc trẻ em tăng vọt đã bắt đầu gây áp lực lên những phụ nữ thuộc lực lượng lao động. 

Cụ thể, trong những năm gần đây, chi phí chăm sóc trẻ em ở Hoa Kỳ đã tăng vượt quá tốc độ tăng lương của người lao động. Chi phí dịch vụ chăm sóc trẻ em ban ngày và học phí mầm non tháng 2/2023 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng 25% trong thập niên qua. 

Một phụ nữ mua sắm tại Siêu thị Pioneer vào ngày 12/1/2023 tại khu phố Flatbush, quận Brooklyn, thành phố New York – Ảnh: Getty Images
Một phụ nữ mua sắm tại siêu thị Pioneer vào ngày 12/1/2023 tại khu phố Flatbush, quận Brooklyn, thành phố New York - Ảnh: Getty Images

Từ năm 1990 đến năm 2022, chi phí cho dịch vụ chăm sóc trẻ em đã tăng 214%, vượt xa mức tăng thu nhập trung bình của các gia đình, vốn chỉ tăng 143% trong cùng giai đoạn.

Đồng thời, các lĩnh vực có tỉ lệ lao động nữ cao nhất đang lạm phát vượt quá tốc độ tăng lương. Với 75% lao động là nữ, lĩnh vực y tế và giáo dục có mức tăng lương thấp thứ 2 trong năm 2022.

Bà Dimple Gosai - quan chức cấp cao của Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) - cho biết: “Phụ nữ Mỹ phải tốn chi phí nhiều hơn, nhưng lại kiếm được ít tiền hơn. Không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc khủng hoảng giá dịch vụ chăm sóc trẻ em trở nên tồi tệ hơn, cũng như áp lực lạm phát đang làm cho mọi thứ ngày càng nghiêm trọng”. 

Bà lưu ý: “Đáng ngạc nhiên là hơn 50% phụ huynh ở Mỹ dành hơn 20% thu nhập để trả cho dịch vụ chăm sóc trẻ”. Theo đó, chi phí chăm sóc trẻ gia tăng có thể vừa giữ chân nhưng cũng đồng thời đẩy phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động, kéo lùi những bước tiến thu hẹp bình đẳng giới mà người Mỹ chỉ mới đạt được trong mấy năm gần đây.

Mức lương kém hấp dẫn khiến ngành dịch vụ chăm sóc trẻ em khó giữ chân người lao động, đây là vấn đề đã tồn tại từ trước đại dịch COVID-19. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: mức lương cạnh tranh cho công nhân và giá cả phải chăng cho khách hàng.

Ông Mike Madowitz - Giám đốc Bộ phận chính sách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Tăng trưởng bình đẳng Washington (Washington Center for Equitable Growth) - cho biết “Chúng tôi đã chứng kiến một cú sốc tiêu cực đối với nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em trong quá trình phục hồi sau đại dịch, và điều đó có thể khiến vấn đề chi phí dịch vụ càng tồi tệ hơn trong tương lai”.

Ông Madowitz giải thích, nếu không có đầu tư công thì cũng không còn nhiều lợi nhuận để cung cấp cho thị trường này, và đó là lý do khiến Bộ Tài chính Mỹ nhận định, dịch vụ chăm sóc trẻ em là một thị trường thất bại.

Bà Gosai lưu ý, không chỉ phụ nữ có con bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, mà cả phụ nữ nói chung và nhiều nhóm thiểu số trong xã hội ít có đại diện trong các ngành với mức thu nhập hấp dẫn, điển hình là công nghệ hoặc tài chính, cũng là các ngành được che chắn tốt hơn trước áp lực lạm phát. Đây chính là hiện tượng “phân biệt nghề nghiệp”.

Lạm phát cũng khiến phụ nữ phải chi trả nhiều hơn cho các món hàng và dịch vụ dành cho nữ giới (trong khi đàn ông không tốn kém hơn khi dùng các dịch vụ cho nam giới).

Bà Ariane Hegewisch - Giám đốc chương trình việc làm và thu nhập tại Viện Nghiên cứu chính sách phụ nữ -  cảnh báo: “Do ảnh hưởng của cả đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng lạm phát, nhiều khả năng phụ nữ đã tiêu hết khoản tiết kiệm hưu trí của họ”.

Ông Madowitz nhận định, sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh trong cuộc chiến chống lạm phát có thể “gây tác động ngược đối với việc cải thiện cơ hội và sức khỏe tài chính của phụ nữ” trong thời gian tới. FED đã tăng lãi suất liên tục kể từ năm ngoái, khi lãi suất qua đêm được đặt ở mức 0. Hiện tại, con số này nằm trong khoảng từ 4,75% - 5%.

Ông phân tích: “Nếu FED tăng lãi suất quá cao nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu kìm lạm phát ở ngưỡng 2%, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng lao động và gây hại hơn cho những người vốn đã phải đối mặt với nhiều rào cản của thị trường lao động, đó là lao động nữ và lao động da màu”.

Bà Hegewisch bổ sung ý trên: “Tỉ lệ thất nghiệp ở cả nữ giới và nam giới da màu luôn cao hơn so với những người khác. Tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ da màu cao gấp đôi so với phụ nữ da trắng và gần bằng với người gốc Latinh. Theo đó, phụ nữ da màu cũng thiệt hại kinh tế nhiều hơn so với phụ nữ da trắng”.

Trường An (theo CNBC)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI