'Lạm phát' giang hồ trên màn ảnh

04/01/2019 - 13:00

PNO - Tình trạng “lạm phát” giang hồ trên phim ảnh không chỉ gây ngán ngẩm mà còn để lại nhiều suy ngẫm về tư duy của người làm phim.

Nếu các nhà làm phim điện ảnh rất nhát tay khi muốn làm một phim về thế giới ngầm, xã hội đen, vì lo ngại “cửa” kiểm duyệt thì chủ đề này lại thịnh hành trong các sản phẩm trên mạng. Ngay cả trong lĩnh vực phim truyền hình, hình ảnh các tay anh chị giang hồ cũng tràn ngập.

'Lam phat' giang ho  tren man anh
Liệu khán giả có tìm thấy thông điệp tốt đẹp gì từ những hình ảnh máu me bê bết trong những phim về xã hội đen?

Thử lướt qua những web drama đang được nhiều người xem nhất hiện nay, chúng ta có thể hết hồn với những cái tựa sặc mùi đánh đấm: Sài Gòn gangster - Thợ săn giang hồ; Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ; Giang hồ chợ mới; Giang hồ chợ cũ (web drama); Người trong giang hồ; Thiếu niên ra giang hồ (phim ca nhạc)… Đó là chưa kể những phim không gắn tựa “giang hồ” nhưng vẫn nói về giới này như Thập tam muội, Chết thì chịu, Vi cá tiền truyện…

Không giới hạn ở các sản phẩm chiếu mạng, những câu chuyện về xã hội đen tiến thẳng lên màn ảnh truyền hình - nơi các khán giả nhí có thể cùng xem với người lớn: Người phán xử, Con gái bố già, Quỳnh búp bê hay mới nhất là Kẻ ngược dòng. Nếu như trước đây, hình ảnh giang hồ hay những pha đánh đấm của dân anh chị trên phim ảnh được miêu tả hời hợt, ngô nghê kiểu “giang hồ ta chỉ giang hồ vặt” thì giang hồ trong các phim hiện nay được khai thác “chất” hơn, đánh đấm cũng thật hơn, đến mức VTV từng phát sóng vài tập rồi dừng Quỳnh búp bê, Kẻ ngược dòng để chờ xếp giờ chiếu mới cho phù hợp nội dung bạo lực của phim.

'Lam phat' giang ho  tren man anh
Không thiếu những cảnh xử lý kiểu xã hội đen với "hàng nóng" như thế này trong Quỳnh Búp Bê

Cho dù là phim chiếu trên mạng hay phát trên truyền hình, những phim ngắn, phim truyện dài khai thác sâu về thế giới ngầm đều thu hút lượng người xem rất lớn. Tập đầu tiên của Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ đạt 5 triệu lượt xem sau 4 ngày ra mắt. Người trong giang hồ phần 6 lọt vào top 10 video được xem nhiều nhất thế giới. Thập tam muội thu hút 31 triệu lượt xem cho tập 1, 29 triệu lượt cho tập 2 và 24 triệu lượt xem cho tập 3; chưa kể các video phụ như trailer, clip hậu trường hay nhạc phim đều “ẵm trọn” vài triệu view trong thời gian ngắn.

Phim Con gái bố già từ tập đầu đến tập cuối liên tục đứng top đầu của hệ thống đo rating TAM. Sức hút của Người phán xử nằm ở giá quảng cáo của phim này - gấp gần 3 lần phim phát cùng khung giờ trên VTV3. Trước nhu cầu của khán giả, thể hiện qua số liệu đo lường đó, các nhà làm phim đã tận dụng thời cơ, cho ra đời những tác phẩm “nối dài”, kiểu Người phán xử tiền truyện “ăn theo” Người phán xử; Thập tam muội có web drama Vi cá tiền truyện và phim điện ảnh Chị Mười Ba; Giang hồ chợ cũ lấy cảm hứng từ Giang hồ chợ mới với các nhân vật giang hồ là thanh thiếu niên.

'Lam phat' giang ho  tren man anh
Những cảnh xử nhau của các băng nhóm khiến khán giả toát mồ hôi xuất hiện ngày càng nhiều

Tình trạng “lạm phát” giang hồ trên phim ảnh không chỉ gây ngán ngẩm mà còn để lại nhiều suy ngẫm về tư duy của người làm phim. Không khó để nhận ra lý do nở rộ những phim hành động, xã hội đen là để phần nào khỏa lấp sự yếu kém về kịch bản; bởi nhờ những pha đánh đấm, phim mới tạo được kịch tính, khiến khán giả quên những lỗ hổng trong đường dây câu chuyện, tính cách nhân vật.

Thêm nữa, những màn hành động còn là dịp để diễn viên khoe khả năng diễn xuất (do vai phản diện khó thể hiện hơn vai chính diện) cùng sự khổ luyện, dấn thân vì nghệ thuật. Thế nên các tên tuổi như Việt Hương, Thu Trang, Chí Tài hăng hái đua nhau làm “trùm”. Các nghệ sĩ hải ngoại như Hồng Ngọc, Quang Minh cũng nhập cuộc với Sài Gòn gangster - Thợ săn giang hồ.

'Lam phat' giang ho  tren man anh
Khán giả hết hồn khi thấy nhân vật bị đánh đập dã man

Làm phim về giới giang hồ tất nhiên không thể tránh những cảnh đánh đập, chém giết, đổ máu. Những phim ngắn chiếu mạng, phim truyện truyền hình - dòng sản phẩm không chịu sự kiểm duyệt, phân loại người xem bằng nhãn dán - càng thuận lợi để các nhà làm phim “làm cho tới”. Kết quả là khán giả được “chiêu đãi” muôn vàn những cảnh na ná nhau và khốc liệt đến rợn người: hai băng nhóm xách dao kiếm, gậy gộc lao vào đâm chém loạn xạ; những nạn nhân bê bết máu me; nhân vật chửi thề hút thuốc liên tục…

Địa điểm giao chiến thường là những nơi đông người như đường phố, quán xá… Thời lượng một cảnh đánh nhau có khi kéo dài đến 5 phút như cảnh mở đầu, lúc nhân vật Nhĩ bị giang hồ tìm đến đòi nợ, đánh đập trong Sài Gòn gangster - Thợ săn giang hồ. Thế vẫn chưa “sốc” bằng hình ảnh những thanh thiếu niên mặt non choẹt, dùng súng hạ thủ, rượt đuổi nhau trong Giang hồ chợ cũ.

'Lam phat' giang ho  tren man anh
Những cảnh xử lý nhau bằng nắm đấm trong Thập tam muội

Phim ảnh phản ánh hiện thực xã hội, mang đến cho khán giả những góc nhìn, suy nghĩ về con người, cuộc sống. Sự nở rộ của dòng phim về thế giới ngầm và sự yêu thích của người xem đối với thể loại này, nếu không phải là vì theo trào lưu thì quả rất đáng lo; bởi nó phản ánh tâm trạng bất an của con người trong cuộc sống.

Người làm phim có thể bảo họ làm về góc khuất của giới giang hồ là để đề cập, tôn vinh lối sống tình nghĩa; nhưng liệu công chúng, nhất là khán giả nhí, có nhìn thấy được điều đó không khi xuyên suốt phim là những hình ảnh tần suất cao về những con người luôn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề? 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI