Lạm phát đẩy thêm vài trăm triệu người vào cảnh cùng cực

05/05/2022 - 06:09

PNO - Sau hai năm đại dịch, COVID-19 vẫn là nỗi lo của thế giới khi các biến thể mới luôn xuất hiện. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022, mối đe dọa lớn nhất đối với toàn cầu không phải là Omicron mà chính là lạm phát.

Liên tiếp những tháng gần đây, các nước trên thế giới đều báo động tình trạng lạm phát ngày càng tăng cao khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Theo thăm dò của Reuters, chuỗi lạm phát toàn cầu còn lâu mới kết thúc. 

Người dân Ấn Độ xuống đường phản đối tăng giá nhiên liệu. Đã có nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối việc giá các mặt hàng cơ bản ngày càng tăng - ẢNH: EPA
Người dân Ấn Độ xuống đường phản đối tăng giá nhiên liệu. Đã có nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối việc giá các mặt hàng cơ bản ngày càng tăng - Ảnh: EPA

Giá lương thực tăng, chi phí năng lượng cao cùng nguồn cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, xung đột, chiến sự... đã khiến tình trạng lạm phát ở mức cao. Tại châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, lạm phát ở khu vực này hiện dự kiến đạt 3,4% vào năm 2022. Tại Nhật Bản, lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, điển hình là giá điện ở Nhật Bản đã tăng 22% so với năm trước.

Ở Singapore, lạm phát ở tháng Ba cũng tăng lên mức cao nhất trong mười năm. Riêng Hàn Quốc thì lạm phát đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng Tư trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt. 

Tổ chức Từ thiện Oxfam - Liên minh quốc tế chuyên hoạt động trong lĩnh vực ngăn chặn nghèo đói và bất bình đẳng - cảnh báo, lạm pháp có thể đẩy thêm vài trăm triệu người nữa vào cảnh nghèo cùng cực. Oxfam cho biết những thách thức mới này đã chồng lên thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 tạo ra, và kêu gọi hành động quốc tế khẩn cấp, bao gồm hủy bỏ việc trả nợ cho các nước nghèo hơn.

“Nếu không có hành động triệt để ngay lập tức, chúng ta có thể chứng kiến ​​sự sụp đổ sâu sắc nhất của nhân loại vào cảnh nghèo đói cùng cực”, Giám đốc điều hành quốc tế của Oxfam, bà Gabriela Bucher nói.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng 198 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay. Nhưng Oxfam ước tính có thêm 65 triệu người nữa sẽ gặp rủi ro nếu tính đến cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và giá năng lượng tăng. Ngoài ra, WB cũng ước tính sẽ có thêm 28 triệu người bị thiếu dinh dưỡng.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến các mặt hàng lương thực trở nên đắt đỏ. Trung Đông và một số khu vực của châu Phi sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt do việc nhập khẩu ngũ cốc từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn. 

Bà Rebeca Grynspan - Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) - kêu gọi: “Toàn cầu mà đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển đang phải đối mặt với cơn bão giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt với không gian tài khóa vốn đã hạn hẹp và tỷ lệ nợ cao. Chúng ta cần có các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn những đau khổ to lớn của con người”.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tình hình hiện tại đang làm "trật bánh xe phục hồi kinh tế sau đại dịch" và ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại còn 3,6% vào năm 2022 so với từ 6,1% năm ngoái.

Oxfam kêu gọi tăng thuế đối với những người giàu nhất và cả những công ty thu lợi từ các cuộc khủng hoảng như đại dịch. Tổ chức từ thiện này cũng kêu gọi các nước G20 dành 100 tỷ USD trong quỹ cho các nước nghèo để thu hút và bảo vệ những người nghèo nhất khỏi những tác động của lạm phát thông qua trợ cấp và cắt giảm thuế hàng hóa và dịch vụ. 

 Thu Thanh

(theo Reuters, CNA, Guardian

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI